Văn Thành Lê mở ra góc biển chân trời

08/07/2021 08:15

Đầu năm 2021, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam có quyết định đưa hội viên trẻ Văn Thành Lê vào Hội đồng văn học thiếu nhi.

Tháng 5.2021, tác phẩm mới nhất viết cho thiếu nhi của Văn Thành Lê -Bên suối, bịt tai, nghe gió - được để cử giải Dế Mèn - giải thưởng tìm kiếm và tôn vinh các tác phẩm văn học - nghệ thuật vì thiếu nhi, cho thiếu nhi.

Tới tháng 9 này , văn và thơ của tác giả Văn Thành Lê có trong giáo khoa Tiếng Việt mới, sẽ tới tay học sinh trong năm học mới 2021-2022.

Đó là truyện ngắn 177 âm tiết dạy trong bài 1 thuộc chủ điểm Mỗi người một vẻ của sách Tiếng Việt 2 (tập 1) thuộc bộ Chân trời sáng tạo.

Chú thích ảnh
Tác giả Văn Thành Lê

Cùng bạn đọc trân trọng khác biệt cá nhân

Tác giả Văn Thành Lê được nhóm biên soạn đặt viết bài mới, chứ không tuyển từ 15 tác phẩm Văn Thành Lê đã ấn hành, vì thế truyện Tóc xoăn và tóc thẳng của anh bám rất sát chủ điểm, dễ cho cả người soạn sách và người dạy theo sách:

“Năm học lớp 2, Lam chuyển đến trường mới. Cô bé nổi bật giữa lớp với mái tóc xoăn bồng bềnh. Nhưng có bạn lại trêu Lam.

Vừa giận bạn, vừa thắc mắc không hiểu sao tóc bố mẹ đều thẳng mà tóc mình lại xoăn, Lam về nhà hỏi mẹ.

Mẹ xoa đầu Lam, nói:

- Tóc con xoăn giống tóc bà nội, đẹp lắm!

Cô bé phụng phịu:

- Không ạ. Tóc thẳng mới đẹp.

Mẹ nhìn cô bé, âu yếm:

- Con xem, bạn nào có được mái tóc đẹp và lạ như con không?

Lam vẫn chưa tin lời mẹ. Cho đến hôm hội diễn văn nghệ thì cô bé đã hiểu. Tiết mục nhảy tập thể của Lam và các bạn đoạt giải Nhất. Khi trao giải, thầy hiệu trưởng khen: “Không chỉ Lam biết nhảy mà mái tóc của Lam cũng biết nhảy”.

Từ đó, các bạn không còn trêu Lam nữa. Cô bé rất vui. Sáng nào, Lam cũng dậy sớm để chải tóc thật đẹp trước khi đến trường”.

Chú thích ảnh
Bài “Tóc xoăn và tóc thẳng” của Văn Thành Lê trong sách “Tiếng Việt 2” (tập 1)

Truyện phải thật ngắn cho nên ngay câu văn đầu tiên, tác giả đã chuyển nhân vật chính tới môi trường sống mới, khiến chi tiết dẫn truyện - mái tóc xoăn của nhân vật, thành lạ mắt, được chú ý, tạo sự khác thường, để cốt truyện thắt nút ngay - có bạn trêu Lam. Liền sau đó, nhân vật phụ thứ nhất xuất hiện, tạo diễn biến, dẫn tới cao trào là ngày hội diễn văn nghệ. Trong cao trào này, nút thắt được cởi bằng lời thoại giàu chất thơ của nhân vật phụ thứ hai 2: “Không chỉ Lam biết nhảy mà mái tóc của Lam cũng biết nhảy” khiến truyện rất ngắn nhưng vẫn có vĩ thanh “Sáng nào, Lam cũng dậy sớm để chải tóc thật đẹp trước khi đến trường”.

Và từ đây sự trân trọng khác biệt cá nhân, niềm tin vào vẻ đẹp “mỗi người một vẻ”, đến với người học một cách tự nhiên. Sự trân trọng và niềm tin này còn được Văn Thành Lê thể hiện bằng thơ, dưới bút danh Lê Hòa Long, ở trang 126 sách đang dẫn:

“Có bạn răng khểnh/Mơ lúm đồng tiền/Tươi hồng đôi má/Ngỡ là nàng tiên/Ơi bạn dịu hiền/Mơ đâu xa vậy?/Mọi người đều thấy/Bạn nào cũng xinh//Cười nhé, rạng rỡ/Tựa ánh bình minh/Mỗi người một vẻ/Lung la lung linh!”.



Đề tài ngay trong nhà mình

Tìm hiểu một nhà văn, không gì hơn là đọc văn của họ. Đây là đoạn mở đầu truyện ngắn Người chờ cuộc sống gọi tên của Văn Thành Lê:

“Linh quyết định vào Tây Nguyên, sau rất nhiều chờ đợi và hy vọng. “Con xin bố mẹ thêm tháng tiền nữa, xem như hết tháng này con mới ra trường”. Mẹ dúi vào tay Linh số tiền gấp đôi (chẳng rõ bố mẹ quay đâu ra nhanh thế) kèm theo tiếng thở dài “Khéo, thân gái dặm trường”. “Chú ý rừng thiêng nước độc”, bố nói thêm. Linh gượng cười, cố nhí nhảnh nhất có thể: “Bố mẹ yên tâm! Cực chẳng đã mới phải đi. Nơi nào sống được thì đấy là nhà, là quê. Rồi sẽ ổn thôi. Tây Nguyên giờ không còn như thời bố đánh Mỹ nữa đâu”. Và Linh đi. Thằng cu em chở Linh xuống bến xe, vừa chạy xe nó vừa đùa: “Chị vào kiếm anh Ê Đê hay Gia Rai thắt cravat đít (đóng khố) thì hay nhỉ?”. “Gớm, mày lo học đi, đợi đấy, mấy năm nữa chị dắt đàn con về trèo cây lố nhố như một lũ khỉ, rồi tối đến chúng múa lửa ngay giữa sân cho cả nhà xem”. Nói rồi hai chị em cười hỉ hả. Cười mà Linh thấy cay cay. Những ý nghĩ tự trào sao cứ như muốn bám, muốn quấn vào mình. Chiều ấy bến xe ít khách. Chông chênh. Xe chạy chông chênh. Hay lòng Linh chông chênh?!”.

Văn chương của Văn Thành Lê đa thanh, giàu chất đời, khi đanh, khi mềm; trẻ trong giọng điệu. Tếu táo, đùa vui đến điều, và khi cần thì giễu nhại tới nghiệt ngã.

Văn Thành Lê có khi cay nghiệt tới mức để trẻ nít “bóc mẽ” ông bà, cha mẹ, thậm chí thầy cô mình: “Người lớn lạ thật. Cứ nói trẻ con phải ý tứ, thế mà chính người lớn lại chẳng ý tứ gì”. (tr.30 Trên đồi mở mắt và mơ). Anh dành hẳn chương 13 - Hội giảng của truyện dài Nam nhi đại trượng phu (Nhà Xuất bản Trẻ, 2016) kể chuyện cô giáo dạy học trò nói dối, dạy luồn lách biến dối thành thật: “… Cô Vân nhắc lại là cô muôn thấy tiết học thật sôi nổi. Câu hỏi nào cả lớp cũng giờ tay. Như vậy mới gọi là thành công”. “Thưa cô vậy không biết cũng giơ tay ạ?”. “Các em cứ giơ tay. Cô sẽ biết cách gọi bạn trả lời được…Những bạn nào biết sẽ giơ tay phải. Bạn nào không biết sẽ giơ tay trái”.

Chú thích ảnh
Bài “Hội diễn văn nghệ” của Văn Thành Lê

“Giáo chức toàn tòng”

Nhà văn Văn Thành Lê chính là thầy giáo Lê Văn Thành, người Thanh Hóa tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế. Anh là con của một gia đình có thể coi là “giáo chức toàn tòng” với 3 đời thay nhau dạy học. Ông ngoại Văn Thành Lê từng dạy Trường Cao đẳng Sư phạm và làm quản lý giáo dục ở Ty Giáo dục Thanh Hóa. Từng có lúc, nhà họ Lê này, kể cả 2 bên nội ngoại, có hơn 20 bác, chú, dì, o, các cháu… tham gia dạy học, quản lý giáo dục từ cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tới đại học. Cho nên học đường là một đề tài rất thuận tay bút Văn Thành Lê, anh nhìn ra cả mặt phải và mặt trái của đề tài.

Kể từ 2021 này, Văn Thành Lê thuộc đề tài trường học hơn, vì anh mới lên chức “bố”, có học sinh, có đề tài ngay trong nhà mình. Anh viết được nhiều hơn, và viết xong thường “lên lớp” tức thì:

“Khi con vặn người tập lật/ Bố biết là sẽ nhanh thôi/ Hai ba độ năm, Trái đất/ Nghiêng đón mọi trẻ trên đời// Rồi đây con sẽ tự ngồi/ Ngước nhìn trời cao vời vợi/ Mây trôi biến hình thay sắc/ Tập cho ánh mắt biết cười// Rồi con chập chững bước đi/ Mặt đất gồ ghề, con ngã/ Không sao, khóc xong đứng dậy/ Tự rút kinh nghiệm mà qua// Con đường dẫn đến bao la/ Tất cả dành cho con trẻ/ Lớn nhanh, đôi chân thật khỏe/ Mở ra góc biển chân trời!” (Mở ra góc biển chân trời, viết ngày 15.5.2021).

Bộ chân dung văn học sắc nét

Có người gọi Văn Thành Lê là tắc kè hoa, theo nghĩa đẹp của từ này, theo cách hiểu, nhà văn trẻ cũng giỏi biến điệu thể loại văn học như tắc kè kia đổi màu. Anh đã thử sức và thành công ở cả truyện ngắn, truyện dài, thơ, chân dung văn học… với lượng bản in đạt con số vạn, sau nhiều lần tái bản và được đóng dấu chất lượng bằng nhiều giải thưởng văn học có uy tín.

Như trên đã bàn về truyện và thơ Văn Thành Lê, nay xin nói thêm về Như cánh chim trong mắt của chân trời (Nhà Xuất bản Kim Đồng, 2017) và Lần đường theo bóng (Nhà Xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2021), 2 quyển chân dung văn học của anh.

Với lối viết nghiêm cẩn, soi kỹ vào dòng văn, cố tìm ra chất lượng chữ, chứ không liếc vội về những ngẫu nhiên, ngẫu hứng đời tư bên lề trang viết, kiếm chuyện mua vui, có thể nói Văn Thành Lê đã có 45 chân dung sắc sảo.

Những chân dung giúp bạn đọc nhìn lại một thời kỳ văn học: “Tôi thử làm phép so bề rộng các sáng tác của Đoàn Giỏi và các nhà văn, nhà thơ miền Nam tập kết ra Bắc- Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Hoàng Văn Bổn, Hoài Vũ, Phạm Hổ, Nguyễn Thành Long, Thu Bồn, Nguyên Ngọc, thì nhận thấy Đoàn Giỏi không thua kém gì, thậm chí “áp đảo” một số đồng nghiệp. Nếu chọn mỗi tác giả một tác phẩm, thì Đất rừng phương Nam, “nặng ký” hơn khá nhiều tác phẩm khác, dự báo sẽ còn đi cùng năm tháng,vì chạm vào thiên nhiên và con người thì chẳng bao giờ lạc thời hay lỗi mốt” (tr.17 Như cánh chim trong mắt của chân trời).

Bàn về văn thơ viết cho thiếu nhi của Văn Thành Lê, Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam, tiến sĩ giáo dục học, nhà thơ Nguyễn Thụy Anh nêu nhận xét: “Tác giả sẽ đi được đường dài cùng độc giả thiếu nhi nhờ hài hước nhẹ nhõm, không lên gân, không ra vẻ hồn nhiên, và nhất không sa vào răn dạy”.

Người viết bài chỉ xin thêm, trên đường dài văn học, Văn Thành Lê, không chỉ viết cho thiếu nhi, hy vọng, đường dài sẽ dài hơn!

Văn Thành Lê tên thật Lê Văn Thành sinh 1986. Tác giả 15 tác phẩm gồm truyện, thơ, tản văn, chân dung văn học…Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 2017. Đang làm việc tại Ban Truyền thông, Nhà Xuất bản Kim Đồng. Hiện cư ngụ tại TP Hồ Chí Minh.

Theo Thể thao & Văn hóa

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn Thành Lê mở ra góc biển chân trời