Sâu thẳm nỗi niềm, chất chứa yêu thương

02/06/2023 14:26

Tập truyện ngắn “Mặt trời và những cơn mưa” gồm 12 truyện ngắn trong 176 trang sách với đa dạng đề tài và góc nhìn mang thông điệp đầy hơi thở của thời đại.

Tập truyện ngắn "Mặt trời và những cơn mưa” của nhà văn Huỳnh Thạch Thảo do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành

Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Yên được đông đảo bạn đọc cả nước biết đến với giải thưởng Tác phẩm tuổi xanh (1997) và giải nhì cuộc thi Tầm nhìn thế kỷ (2001) của Báo Tiền phong cùng nhiều giải thưởng khác của Trung ương và địa phương. Phú Yên, vùng đất nơi ông sinh ra và lớn lên luôn được nhà văn dành nhiều tình cảm yêu mến. Cùng với vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp tảo tần, chịu thương chịu khó của người dân quê cũng được nhà văn nâng niu, trân trọng. “Mặt trời và những cơn mưa” là tập truyện ngắn thứ 10 của ông. Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, được nhận bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Quê hương trong vòng cung biển qua những trang viết của nhà văn Huỳnh Thạch Thảo lấp lánh vị mặn mòi của biển cả, mênh mang xanh thẳm núi, đồng. Thiên nhiên trong truyện trở thành chất liệu nghệ thuật, mang biểu tượng của cái đẹp. Dày dặn vốn sống và ở độ chín đằm về phong cách, những truyện ngắn của ông lấy chất liệu từ cuộc sống mà mỗi câu chuyện mang một màu sắc, chân thực, có sức hấp dẫn riêng. “Mặt trời và những cơn mưa” gồm 12 truyện ngắn trong 176 trang sách với đa dạng đề tài và góc nhìn mang thông điệp đầy hơi thở của thời đại: tình yêu, môi trường sinh thái, người lao động, chiến tranh và những vấn đề hậu chiến…

Sự tàn khốc của chiến tranh được tái hiện rõ nét trong truyện “Người về thả khói tìm xưa”. Hình ảnh người dân lam lũ bám đất, chịu đựng trước khắc nghiệt của thời tiết, chấp nhận cuộc sống với gió đạp cát vùi mưa giông nắng hạn giống như loài hoa bám trên mặt đá, một loại cây luôn chịu đựng sự khắc nghiệt nhưng vẫn sống và chờ đợi mỗi mùa mưa để nẩy chồi lộc biếc. Chiến tranh đã đi qua nhưng dấu đạn bom vẫn còn trong lòng cát cháy.

Đề cập đến vấn đề môi trường sinh thái, truyện ngắn “Quán mèo rừng” gây ám ảnh cho người đọc. Con người khai thác tận diệt thiên nhiên, coi thiên nhiên và động vật hoang dã là trời đất ban tặng nên thỏa sức khai phá đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Những kẻ moi ruột rừng một cách tàn bạo. Cảnh sát hại thú rừng đầy tàn nhẫn để đổi lấy món lợi trước mắt. Luật nhân quả không chừa một ai. Tình yêu chớm nở của Nam với Sa như một nốt nhạc trong trẻo giữa thanh âm xô bồ, hỗn độn ấy.

Qua truyện “Đàn bà”, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo phản ánh vấn đề thế sự đồng thời cũng gửi gắm niềm thương cảm về thân phận người phụ nữ. Các đại gia họp bàn chia vùng để hùng cứ, núp bóng các công ty khai thác gỗ chế biến lâm đặc sản. Cơ quan pháp luật ra tay, lão Đắc đổ vấy tội cho nhị gia Hành. Loan đầu bò, vợ hai lão Hành vì để trả thù cho chồng và dằn mặt cánh làm ăn đã đạo diễn một kịch bản hoàn hảo. Thùy, con gái lão Đắc mắc bệnh tâm thần sau khi bị Viễn sư tử lừa mất cả tình lẫn tiền. “Một người đàn bà thuộc hàng cáo già khi sa vào tình yêu đã trở thành con cừu non đáng thương trong tay kẻ đồ tể”.

Người dân lao động với những thân phận cuộc đời đã phác họa lên bức tranh sinh động về những dân cư quanh dòng sông. Một “Nhịp cầu trong sương” được hoàn thiện nơi vùng đất còn nhiều thiếu thốn. Hơn mười năm, Thạch trở lại quê nhà với bao kỷ niệm của một thời. Anh nhận ra thành phố chưa hẳn là đất sống lý tưởng của mình, sự cạnh tranh quyết liệt trên mọi phương diện kể cả mặt tình cảm khiến anh đuối sức. Thạch quyết định về quê dẫu nơi thành phố có điều kiện đủ đầy và những công trình tầm cỡ hứa hẹn.

“Quê nhà” với câu chuyện của người mẹ rời quê ra phố. Ban ngày là người của phố phường nhộn nhịp với những tính toán buôn so, tạo dựng cơ ngơi lo cho các con không thua kém người đời. Nhưng đến đêm là của quê nhà xa ngái với khoảng nhớ bừng sáng. Ở “Nơi khoảng không bao la”, tốp thợ lau kính cao ốc đến với công việc cày trên tầng không chao chát gió với những hiểm nguy rình rập để có thu nhập. Cuộc sống vất vả nhưng vẫn luôn lạc quan, đầy ắp tiếng cười đùa.

Cùng với những tác phẩm như một hoài niệm thao thiết, xa xăm: "Chiều bên kia sông", "Biển thì mênh mông", một số truyện trong tập truyện ngắn này còn thiên về cảm hứng lãng mạn với những câu chuyện tình đượm chất thơ. Tình yêu của hai người ở hai thành phố nhưng dáng nét quê hương in đậm vào ký ức của nhau qua hình dung và tưởng tượng. Là khoảng sáng dịu dàng bên cạnh những trách nhiệm và lo toan (Chân mây cuối trời). Cuộc gặp gỡ tình cờ trên một chuyến tàu đã đưa T. và H. xích lại gần nhau. Mỗi người đều trải qua câu chuyện tình đổ vỡ để rồi từ đồng cảm đã gắn bó, nương tựa vào nhau đầy tin cậy, làm lành vết thương sau những mất mát, muộn phiền (Nắng trên đồi xanh). Câu chuyện của nhà văn, đạo diễn, một phụ nữ xinh đẹp tràn đầy sức sống có trái tim đa cảm, luôn thích khám phá những gì mới mẻ trên từng vùng đất. Nàng gặp anh trong chuyến đi biển. Cảm xúc dù thoáng qua nhưng vẫn lung linh như sắc cầu vồng bảy màu đẹp đẽ (Mặt trời và những cơn mưa)...

Với giọng văn hồn hậu, linh hoạt, văn phong mượt mà, nhẹ nhàng mà lắng sâu, thấm đẫm cái nhìn đa cảm, đầy chất nhân văn, tập truyện chạm sâu tới miền cảm thức của độc giả, tựa như cơn mưa ngọt lành sau những ngày nắng hạ gắt gao. Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo đã có nhiều tìm tòi, sáng tạo trong việc khai thác vẻ đẹp miền biển và tình người trong cuộc sống.

ĐÔNG HẠ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sâu thẳm nỗi niềm, chất chứa yêu thương