Sự kiện nổi bật ngày 21.11

21/11/2022 22:30

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” là một trong nhiều sự kiện nổi bật ngày 21.11.

TRONG NƯỚC

Ngày 21.11, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo; Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo; đồng chí Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cùng các đồng chí thành viên khác của Ban Chỉ đạo. Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Phiên họp. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Ngày 21.11, tại Thủ đô Phnom Penh, Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ khai mạc Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43). Với chủ đề "Cùng nhau tiến bộ vì một ASEAN tự cường, bao trùm và bền vững", đây là Đại hội đồng AIPA đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp sau hai kỳ liên tiếp tổ chức trực tuyến do đại dịch COVID-19. Chiều 21/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Phiên họp toàn thể thứ nhất Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 43 (AIPA-43). Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp toàn thể thứ nhất. Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Ngày 21.11, Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các Bộ, ngành Trung ương đã làm việc với tỉnh Hà Nam về tình hình triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh về sự quan trọng của việc triển khai thực hiện Đề án 06 trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các sở, ngành, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ như làm sạch dữ liệu, số hóa hồ sơ, triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Trong ảnh: Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tuấn - TTXVN

Ngày 21.11, tại đường đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc triển lãm ảnh với chủ đề "Đồng chí Võ Văn Kiệt nhà lãnh đạo tài năng - tấm gương người cộng sản tận trung với nước, tận hiếu với dân” nhân Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022). Triển lãm trưng bày hình ảnh Thủ tướng sau ngày đất nước thống nhất với phương châm vừa học, vừa làm, dựa vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, đặc biệt là tinh thần mạnh dạn, táo bạo, sự năng động và đổi mới. Trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố và Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông đã cùng lãnh đạo Thành phố đưa ra những quyết sách năng động, phù hợp với tình hình thực tiễn, từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa địa phương dần đi vào ổn định, sau đó trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.Trong ảnh: Đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: Thu Hương – TTXVN

Ngày 21.11, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở lại phiên tòa phúc thẩm và tuyên bác kháng cáo kêu oan của “trùm buôn lậu” Nguyễn Thị Kim Hạnh (tức Mười Tường, sinh năm 1969, ngụ tại huyện An Phú, tỉnh An Giang) cùng 4 đồng phạm gồm: Phạm Thanh Sang (sinh năm 1982), Hồ Tuấn Linh (sinh năm 1981), Nguyễn Văn Lê (sinh năm 1984), Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1991), cùng ngụ tại huyện An Phú (tỉnh An Giang) trong vụ chuyển trái phép 470.000 USD qua biên giới. Theo đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh mức án 8 năm tù giam; Phạm Thanh Sang, Hồ Tuấn Linh, Nguyễn Văn Lê, Nguyễn Văn Minh, mỗi bị cáo 4 năm tù giam cùng về tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.  Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định: Bản án sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo là phù hợp. Trong ảnh: Bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh và các đồng phạm tại phiên xét xử phúc thẩm. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

Ngày 21.11, chính quyền và ngư dân đã giải cứu thành công một con cá heo bị mắc cạn lúc sáng sớm tại khu vực biển gần chợ Cô Tô, huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh). Trước khi bị mắc cạn, con cá heo nặng trên 35kg này đã xuất hiện quanh quẩn nhiều giờ tại vùng biển gần Cảng Cô Tô từ ngày 19.11. Ngay sau khi biết tin cá heo bị mắc cạn, anh Phạm Hữu Tuấn, Trung tâm Dịch vụ Công ích huyện Cô Tô; anh Vũ Hữu Khoa, ngư dân Khu 4, thị trấn Cô Tô và anh Khuất Tuấn Anh, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô đã chạy bè mảng ra đưa chú cá heo ra vùng nước sâu hơn kịp thời. Sức khỏe con cá heo vẫn bình thường và ngay sau đó bơi ra xa.Trong ảnh: Ngư dân dùng thuyền đưa cá heo ra vùng nước sâu. Ảnh: TTXVN 

QUỐC TẾ

Ngày 21.11, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tiến hành cuộc họp khẩn tại New York (Mỹ) để thảo luận về vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17 mới nhất của Bình Nhưỡng.Hãng tin Yonhap cho biết Hàn Quốc sẽ tham dự phiên họp khẩn trên của Hội đồng Bảo an LHQ với tư cách là nước liên quan trực tiếp đến vấn đề tên lửa của Triều Tiên.Cuộc họp diễn ra sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-17 hôm 18/11, dẫn tới các phản ứng quân sự ngay lập tức từ Mỹ và Hàn Quốc. Trong ảnh: (tư liệu) Một cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ về Triều Tiên tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 20.11, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình BFM (Pháp), Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi cho biết ông đang chuẩn bị tiến hành các chuyến công du tới Nga và Ukraine để thảo luận về việc đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Người đứng đầu IAEA cũng cho biết nếu tình hình cho phép, các chuyên gia của cơ quan này dự kiến sẽ thị sát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzia trong ngày 21/11 để đánh giá thiệt hại sau các vụ pháo kích mới nhất. Trong ảnh (tư liệu): Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Nhật Bản ngày 21.11 đã chính thức thông qua văn bản hướng dẫn mới về việc ứng phó với dịch COVID-19. Theo văn bản trên, Chính phủ Nhật Bản sẽ phân chia mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19 thành 4 cấp độ dựa trên tác động của dịch bệnh tới hệ thống y tế. Đây là nỗ lực mới nhất của nước này nhằm ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ 8, được cho là nghiêm trọng hơn so với làn sóng trước đó xảy ra trong các tháng 7-9. Trong ảnh: Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trận đấu giữa tuyển Anh với Iran sẽ trở thành trận đấu đầu tiên trong lịch sử World Cup diễn ra trên sân vận động sử dụng công nghệ điều hòa không khí đặc biệt, khi nhiệt độ được dự báo khoảng 27 độ C. Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) sẽ sử dụng công nghệ làm mát bên trong cả 8 sân vận động của Qatar, nơi diễn ra các trận đấu của vòng chung kết World Cup 2022, dựa trên từng trận cụ thể để đảm bảo các trận đấu không diễn ra ở nhiệt độ trên 24 độ C. Công nghệ điều hòa không khí hoạt động bằng cách bơm không khí mát từ các lỗ thông hơi xung quanh sân vận động, tạo ra một bong bóng áp suất bên trong, vừa làm mát vừa thanh lọc không khí. Hệ thống điều hòa không khí của Qatar có thể hạ nhiệt độ ngay cả trong những tháng Hè nóng bức từ trên 40 độ C xuống dưới 20 độ C. Trong ảnh: Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) sử dụng công nghệ làm mát bên trong cả 8 sân vận động của Qatar, nơi diễn ra các trận đấu của vòng chung kết World Cup 2022. Ảnh: AFP/TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sự kiện nổi bật ngày 21.11