Lễ hội đền Quát tri ân danh tướng Yết Kiêu

10/09/2022 16:42

Sáng 10.9 (tức ngày 15.8 âm lịch), trong không khí mùa thu, UBND huyện Gia Lộc long trọng tổ chức khai mạc lễ hội truyền thống mùa thu đền Quát (xã Yết Kiêu).

Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu và nhân dân tham dự lễ hội. Ảnh: Quang Tiệp

Các đồng chí: Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh và một số đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng đông đảo cán bộ, nhân dân trong và ngoài huyện Gia Lộc dự lễ hội.

Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức lại sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Lễ hội tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của danh tướng Yết Kiêu; tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể độc đáo Lễ hội đền Quát, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương.

Mở đầu lễ hội truyền thống mùa thu đền Quát năm nay là màn trống hội, các tiết mục văn nghệ, múa lân, sư, rồng ca ngợi quê hương Gia Lộc, quê hương Yết Kiêu đang đổi mới. Tiếp đó là các nghi lễ dâng hương, dâng hoa của các đoàn đại biểu. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Gia Lộc đọc diễn văn nêu bật thân thế, sự nghiệp và chiến công lẫy lừng của danh tướng Yết Kiêu.


Đông đảo nhân dân trong và ngoài huyện Gia Lộc tham dự lễ hội đền Quát 

Đền Quát thờ danh tướng Yết Kiêu, một danh tướng tài đức song toàn, đặc biệt là tài thuỷ chiến thời nhà Trần. Theo sử sách còn lưu lại, ông là tùy tướng, gia nô trung thành, là một trong hai tướng (cùng Dã Tượng) cầm cờ tiết chế của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, người có công lao to lớn giúp nhà Trần 3 lần đại phá quân Nguyên-Mông ở thế kỷ XIII. Ông được phong là thủy tổ của Binh chủng Thủy quân. Kháng chiến thắng lợi, ông được vua Trần phong tặng: “Trần triều hữu tướng, đệ nhất đô soái thuỷ quân, tước hầu”. Sau khi qua đời, Yết Kiêu được nhân dân nhiều làng, xã lập miếu, đền thờ, trong đó có đền Quát ở chính quê hương của danh tướng.

Yết Kiêu sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, tên thật là Phạm Hữu Thế, người làng Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc. Ông sinh ngày 13.2. 1242. Cuộc sống bần hàn của một gia đình ngư dân nghèo khó và sớm mồ côi cha khi mới lên 8 tuổi đã khiến Phạm Hữu Thế rất vất vả, phải chài lưới, cào hến giúp mẹ kiếm ăn ngay từ nhỏ. Cuộc sống trên sông nước đã giúp ông bơi lội rất giỏi.

Truyền thuyết kể rằng, năm 15 tuổi, vào một buổi sáng tinh mơ, Phạm Hữu Thế ra sông gánh nước. Sương trắng mù mịt nổi khắp mặt sông, ông thấy hai con trâu trắng húc nhau liền dùng đòn ống đánh đuổi, can ngăn. Hai con trâu biến mất, ông thấy còn hai chiếc lông còn dính vào đòn ống, đặt xuống nước, nước rẽ ra làm đôi. Cho đây là lông trâu thần, ông liền nuốt vào bụng. Từ đấy, ông có thân thể cường tráng, trí lực, bơi lội tài giỏi, đi trong nước như ở trên đất bằng.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai và lần thứ ba, Phạm Hữu Thế với tài bơi lội đã lập nhiều công lao lớn, được vua ban danh hiệu Trần triều Đệ nhất Đô soái thuỷ quân. Ông đã được nhân dân và vua quan nhà Trần gọi là Yết Kiêu (tên một loài cá lớn ngày xưa).

Với những đóng góp lẫy lừng Yết Kiêu trở thành một trong những danh tiếng bậc nhất xuyên suốt lịch sử dân tộc, trở thành biểu tượng của thủy quân nước ta và là niềm tự hào to lớn của quê hương Yết Kiêu, nơi ông được suy tôn là Thành hoàng làng.

Yết Kiêu mất ngày 28 tháng chạp năm 1303, hưởng thọ 61 tuổi. Khi ông mất, vua Trần cho lập đền thờ ở bờ sông Hạ Bì quê ông. Đền Quát đã trải qua hơn 700 năm, đến thế kỷ 17-18 được tôn tạo khang trang và tu sửa nhiều lần vào triều Nguyễn. Khu Di tích đền Quát được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày từ năm 1988; đón bằng ghi danh Lễ hội đền Quát là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2020. 

Sau lễ khai hội, tại đền Quát diễn ra thi cỗ hộp, giải đua thuyền chải trong khuôn khổ Đại hội Thể dục thể thao huyện lần thứ IX.


Phần thi của đội nữ Hạ Bì 1 và Hạ Bì 3, xã Yết Kiêu

Tham dự giải Vô địch đua thuyền chải huyện có 168 thành viên thuộc 12 đội gồm 10 đội của xã Yết Kiêu và 2 đội của xã Thống Kênh. Các đội tham gia tranh tài ở nội dung 500m nữ, 500m nam và 500m nam nữ phối hợp. Ở nội dung 500m nam và 500m nữ có 6 đội tham gia mỗi nội dung, riêng nội dung 500m nam nữ phối hợp có 4 đội tham gia.


Đông đảo nhân dân xem đua thuyền chải

Kết quả, ở nội dung đua thuyền 500m nam, nữ, đội thôn Hạ Bì 1, xã Yết Kiêu đều giành giải nhất; ở nội dung phối hợp nam nữ, đội Hạ Bì 2, xã Yết Kiêu giành giải nhất.

Giải đua thuyền chải là nội dung thứ 6 trong chương trình Đại hội Thể dục thể thao lần thứ IX của huyện Gia Lộc. 

PV 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lễ hội đền Quát tri ân danh tướng Yết Kiêu