Tăng cường kiểm soát, quản lý phân bón

13/12/2018 18:57

Việc bổ sung quy định về kiểm soát, quản lý phân bón là nội dung đáng chú ý trong Luật Trồng trọt vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua.


Quản lý và sử dụng phân bón hiệu quả sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp 

Luật gồm 7 chương, 85 điều quy định về hoạt động trồng trọt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động trồng trọt; quản lý nhà nước về trồng trọt, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2020.

Tình trạng xuất hiện các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, gây thiệt hại cho nông dân đã xuất hiện từ lâu. Vấn đề này cũng được cử tri trong tỉnh nhiều lần phản ánh tại các buổi tiếp xúc cử tri. Mặc dù ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra chất lượng, kiểm soát các hoạt động kinh doanh phân bón, song trên thị trường vẫn xuất hiện các loại phân bón kém chất lượng. Với các quy định về kiểm soát, quản lý phân bón, Luật Trồng trọt cùng với các quy định hiện hành sẽ tạo ra sức mạnh pháp lý giúp ngăn chặn các loại phân bón kém chất lượng.

Khảo nghiệm phân bón trước khi được công nhận lưu hành giúp quản lý chặt chẽ, hạn chế các loại phân bón kém chất lượng. Điều 39 Luật Trồng trọt yêu cầu về khảo nghiệm phân bón quy định, phân bón phải được khảo nghiệm trước khi được công nhận lưu hành trừ các loại phân bón sau: Phân bón hữu cơ sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ là chất hữu cơ tự nhiên đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; phân bón vô cơ đơn sử dụng để bón rễ có thành phần chỉ chứa đạm hoặc lân hoặc kali đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; phân bón vô cơ phức hợp sử dụng để bón rễ trong thành phần chỉ chứa các nguyên tố dinh dưỡng đạm, lân, kali được liên kết với nhau bằng các liên kết hóa học đáp ứng chỉ tiêu chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; phân bón được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Đây là những loại phân bón đã sử dụng phổ biến, ít có nguy cơ gây hại đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người. Phân bón được khảo nghiệm cả diện rộng và diện hẹp; khảo nghiệm diện rộng chỉ được tiến hành sau khi kết thúc khảo nghiệm diện hẹp. Việc khảo nghiệm phân bón thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia do tổ chức được công nhận đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm. 

Tại khoản 4, điều 36, yêu cầu về công nhận phân bón lưu hành, phân loại phân bón quy định: Mỗi tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận 1 tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón. 

Theo ông Trần Văn Chuyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Giang, việc quy định một tổ chức, cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký một tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón đăng ký là cần thiết. Việc này sẽ tránh hiện tượng cùng một công thức phân bón, cùng hàm lượng, chỉ tiêu nhưng nhiều doanh nghiệp lại đăng ký dưới nhiều tên thương mại khác nhau, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng là nhiều loại phân bón khác nhau.

Liên quan đến sản xuất, buôn bán phân bón, luật quy định: tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán phân bón phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán phân bón. Người trực tiếp điều hành sản xuất phải có trình độ đại học trở lên, người trực tiếp buôn bán phân bón có trình độ trung cấp trở lên thuộc một trong các chuyên ngành theo quy định…

Cùng với kiểm soát, quản lý sản xuất, buôn bán phân bón, việc sử dụng phân bón đúng tiêu chuẩn chất lượng, chủng loại sẽ mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Do vậy, người dân cần nâng cao ý thức trong việc chọn lựa phân bón phù hợp, đúng loại cây trồng, đúng liều lượng, đúng cách, đúng thời điểm, tuân thủ hướng dẫn sử dụng nhằm hướng đến nền nông nghiệp xanh và bền vững.

HÀ THỊ NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường kiểm soát, quản lý phân bón