Quy định xử phạt người dùng phân bón giả có khả thi?

15/05/2018 07:05

Quy định xử phạt người dùng phân bón giả khó thực hiện trong thực tế vì nhiều nguyên nhân.


Người sử dụng khó phân biệt được phân bón thật - giả

Nghị định số 55/2018/NĐ-CP ngày 16.4.2018 của Chính phủ quy định xử phạt các hành vi sử dụng phân bón không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không đúng hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn phân bón. Quy định này khó thực hiện trong thực tế vì nhiều nguyên nhân.

Nghị định số 55/2018/NĐ-CP của Chính phủ được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ hữu hiệu để lập lại trật tự, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón vào nền nếp. Nghị định đã nâng mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón so với quy định trước. Cụ thể, mức phạt tối đa đối với cá nhân là 100 triệu đồng, tổ chức 200 triệu đồng. Không chỉ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón vi phạm bị xử phạt mà nghị định mới còn mở rộng thêm đối tượng bị phạt nữa là người sử dụng.

Theo điều 11 Nghị định số 55/2018/NĐ-CP, phạt cảnh cáo đối với hành vi sử dụng phân bón không đúng nội dung hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn phân bón; phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng phân bón không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đây là điểm hoàn toàn mới của Nghị định số 55/2018/NĐ-CP so với Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp.

Hiện nay, người nông dân đang gặp nhiều khó khăn trong phân biệt phân bón thật - giả và họ cũng là người chịu thiệt hại khi mua phải phân bón giả. Không có người tiêu dùng nào cố tình mua phân bón giả về dùng. Vì vậy, nhiều nông dân cho rằng quy định xử phạt vi phạm về sử dụng phân bón là không hợp lý, làm khó họ. Gia đình ông Nguyễn Xuân Mạc ở thôn Kim Trang Đông, xã Lam Sơn (Thanh Miện) trồng 4 sào lúa và 7 sào khoai lang. Mỗi năm, gia đình ông tiêu thụ gần 1,5 tấn phân bón các loại. Ông Mạc mua phân bón từ các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp gần nhà và thông qua dịch vụ cung ứng phân bón trả chậm của Hội Nông dân xã. Gia đình ông sử dụng phân bón theo hướng dẫn ghi trên bao bì, áp dụng kiến thức tiếp thu được từ những buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và qua kinh nghiệm làm nông nghiệp. Hơn 40 năm gắn bó với đồng ruộng nhưng khi được hỏi có phân biệt được phân bón thật - giả hay không, ông Mạc chỉ lắc đầu cười.

Ông Phạm Nguyễn Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết các quy định xử phạt tại điều 11 Nghị định số 55 sẽ giúp tăng trách nhiệm của người sử dụng phân bón. Người bón phân phải bón đúng loại cây, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng cách, tuân thủ hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn phân bón.

Tuy nhiên, ông Hạnh cho rằng việc xử phạt người vi phạm rất khó khăn, bởi mỗi người bón phân vào một thời điểm khác nhau, mỗi loại cây trồng lại được bón bởi các loại phân khác nhau, cán bộ quản lý không thể kiểm soát được toàn bộ, cũng không đủ nhân lực làm việc này. Ngay cả khi phát hiện người sử dụng phân bón giả bón cho cây khiến cây chết thì việc xử phạt cũng không đơn giản vì người dùng đã “tiền mất tật mang” rồi, bản thân họ không muốn và cũng không biết đã mua phải phân bón giả.

Bà Vũ Thị Hải Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lộc cho rằng: “Việc ghi chép các hóa đơn, chứng từ liên quan của đơn vị cung ứng phân bón với người mua sẽ gắn trách nhiệm các bên hơn là xử phạt người dùng phân bón”. Cách phân biệt phân bón thật - giả của nông dân chỉ thông qua mắt thường nên khó chính xác. Để bảo vệ quyền lợi của mình, nông dân cần tự trang bị kiến thức cần thiết, cẩn thận hơn trong mua và sử dụng phân bón.

Đối với việc sử dụng phân bón không đúng hướng dẫn ghi trên bao bì, nếu là sản phẩm đưa ra thị trường cần có phương tiện xác định dư lượng phân bón có vượt ngưỡng cho phép hay không. Khi đó mới có thể áp dụng quy định xử phạt hành chính kèm theo yêu cầu tiêu hủy đối với sản phẩm.

HÀ NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quy định xử phạt người dùng phân bón giả có khả thi?