Nuôi gà hướng tới sản phẩm OCOP

29/07/2020 14:04

Xã Tân Việt chọn gà thương phẩm để tham gia Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của tỉnh. Gà thương phẩm được nuôi nhiều nhất ở thôn Ngọc Lộ với gần 20 hộ, bình quân mỗi hộ nuôi từ 10-12 vạn con mỗi năm.


Gia đình chị Nguyễn Thị Chuyên có trang trại nuôi nhiều gà nhất huyện Thanh Hà

Gia đình chị Nguyễn Thị Chuyên có trang trại rộng gần 2 mẫu với 6 khu chuồng chăn nuôi gà và 2 ao cá. Đây là trang trại nuôi nhiều gà nhất huyện Thanh Hà hiện nay. Chị Chuyên chọn nuôi gà ri của Công ty TNHH một thành viên Gia cầm Hòa Phát (Phú Thọ). Loại gà này được thị trường ưa thích vì khi bán có cân nặng vừa phải, thịt thơm. Mỗi năm chị nuôi 2 lứa gà gối nhau, mỗi lứa nuôi khoảng 15 vạn con, thu lãi khoảng 500 triệu đồng.

Cùng thôn Ngọc Lộ, gia đình anh Nguyễn Đức Hóa đang nuôi gần 7 vạn con gà, mỗi năm thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Do có kinh nghiệm nuôi nên gà của gia đình anh Hóa chưa bao giờ bị chết do dịch bệnh. Anh Hóa mong muốn sản phẩm được tiêu thụ thuận lợi, giá cả ổn định để người chăn nuôi yên tâm sản xuất.

Năm 2019, xã Tân Việt thành lập HTX Chăn nuôi gà thương phẩm gồm 7 xã viên. Các xã viên chủ yếu ở thôn Ngọc Lộ. Mỗi xã viên nuôi bình quân khoảng 10 vạn con gà/năm. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, các xã viên đã tích cực giúp nhau kỹ thuật nuôi, phòng bệnh, tiêu thụ gà. HTX thống nhất giá bán gà của các hộ như nhau. Với mong muốn cùng nhau sản xuất, tiêu thụ gà thuận lợi nên khi xã phổ biến chương trình OCOP, mọi người rất phấn khởi. Tham gia chương trình này, HTX phải có hóa đơn mua bán sản phẩm, báo cáo tài chính, hợp đồng lao động, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu tập thể… Nếu làm được sản phẩm OCOP theo đúng hướng dẫn sẽ giúp sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, bảo đảm an toàn thực phẩm...

Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình OCOP còn gặp một số khó khăn. Chị Nguyễn Thị Chuyên, đại diện HTX Chăn nuôi gà thương phẩm xã Tân Việt cho biết để thực hiện chu trình OCOP trong chăn nuôi gà đòi hỏi nhiều yêu cầu khá cao, các hộ chăn nuôi không quen nên việc làm theo hướng dẫn sẽ mất nhiều thời gian.

Để sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, thời gian tới cơ quan chuyên môn huyện Thanh Hà, UBND xã Tân Việt cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân; hỗ trợ áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tập huấn cho người chăn nuôi về OCOP; hướng dẫn người chăn nuôi làm hồ sơ, quy trình OCOP.

HƯƠNG GIANG

(0) Bình luận
Nuôi gà hướng tới sản phẩm OCOP