Cơ hội để tích tụ ruộng đất cho sản xuất lớn

12/12/2019 09:40

Sáng 12.12, Kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Khắc Toản (Gia Lộc) đề nghị cần có biện pháp xử lý nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp để hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch

Quan tâm sản xuất nông nghiệp sạch

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Khắc Toản (Gia Lộc) cho biết năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều khó khăn do thiên nhiên, dịch bệnh… Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh tăng trưởng khá, vượt kế hoạch đề ra; tổ chức sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính cấp xã...

Nhấn mạnh năm 2020 có nhiều nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải tập trung, nỗ lực cao nhất, đại biểu Nguyễn Khắc Toản đề nghị tỉnh cần có các cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh tích tụ ruộng đất. Giải quyết tận gốc tình trạng các bãi rác tập trung ở các xã quá tải hiện nay. Cần có biện pháp xử lý nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp để hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch.

Đồng tình với đại biểu Nguyễn Khắc Toản, đại biểu Đồng Dũng Mạnh (Thanh Miện) phản ánh trong lĩnh vực nông nghiệp, tình trạng nhân dân bỏ ruộng hoang ngày một nhiều. Năm 2019, huyện Thanh Miện có trên 100 ha ruộng bỏ hoang. Nguyên nhân là do chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, thứ hai là hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao, thứ ba tiêu thụ nông sản của bà con còn gặp khó khăn. Từ thực tế trên, đại biểu Mạnh đề nghị đã đến lúc phải tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, ưu tiên doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đại biểu Mạnh không lo ngại về tình trạng đất bỏ hoang mà coi đây là cơ hội cho người dân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất để tập trung sản xuất lớn.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Tâm (Bình Giang) đề nghị tỉnh quan tâm xem xét tích tụ ruộng đất, hỗ trợ người dân canh tác những loại cây trồng thế mạnh, con đặc sản, quan tâm truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Theo đại biểu Tâm, hiện có một bộ phận nông dân lạm dụng sử dụng thuốc diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp. "Người dân chỉ nhìn thấy hiệu quả trước mắt mà không thấy được hậu quả lâu dài như ô nhiễm đất, nguồn nước, sức khỏe của chính họ", đại biểu Tâm nói.

Nhất trí cao với chính sách của tỉnh hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản nhưng đại biểu Tâm đề nghị tỉnh phải có hướng dẫn cụ thể, tránh hỗ trợ tràn lan, gây lãng phí. "Những đối tượng được hưởng hỗ trợ, sản phẩm sản xuất ra phải sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP", đại biểu Tâm đề nghị.

Rác thải nông thôn vẫn "nóng"


Đại biểu Đồng Dũng Mạnh (Thanh Miện) cho rằng đây là cơ hội để tích tụ ruộng đất cho sản xuất lớn

Vấn đề rác thải sinh hoạt ở nông thôn tiếp tục được đại biểu Đồng Dũng Mạnh quan tâm mặc dù không mới. Đại biểu đề nghị tỉnh cần phải sớm xây dựng nhà máy xử lý rác thải vì các bãi rác ở các xã hiện đã quá tải mặc dù các địa phương đã dùng mọi biện pháp như lu lèn, mở rộng khu vực chôn lấp. 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sẫm (Tứ Kỳ) cho biết một số địa phương ở Nam Định xây dựng các lò đốt rác theo cụm dân cư. Đại biểu đề nghị tỉnh nghiên cứu loại hình lò đốt rác này để xử lý rác thải nông thôn hiện nay. Song song với đó, đại biểu Sẫm đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền để hạn chế và tiến tới nói không với túi nhựa, chai nhựa sử dụng 1 lần. "Sở Giáo dục và Đào tạo cần tuyên truyền đến học sinh về phong trào nói không với túi nhựa, chai nhựa sử dụng 1 lần", đại biểu Sẫm đề nghị. 

Không đồng tình với ý kiến của đại biểu Sẫm về lò đốt rác công suất nhỏ ở Nam Định, đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Kinh Môn) cho rằng đây chỉ là biện pháp tức thời, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đại biểu đề nghị tỉnh tiếp tục khảo sát địa điểm phù hợp để kêu gọi doanh nghiệp xây nhà máy xử lý rác thải công suất lớn với công nghệ hiện đại. "Nhân dân mong muốn có nhà máy xử lý rác thải nhưng khi tỉnh có chủ trương xây dựng thì người dân lại phản đối. Điều này rất mâu thuẫn", đại biểu Hùng nói và mong người dân đồng thuận với chủ trương lớn của tỉnh.

Vấn đề nước sạch cũng được các đại biểu quan tâm. Đại biểu Đồng Dũng Mạnh cho biết tỉnh có chỉ đạo kết thúc năm 2018, các nhà máy cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân phải chấm dứt lấy nước sông nội đồng. Tuy nhiên, đến nay nhà máy nước đặt tại xã Lê Hồng (Thanh Miện) vẫn lấy nước sông nội đồng mặc dù mới đây lãnh đạo tỉnh tiếp tục yêu cầu phải chấm dứt trước ngày 31.10.2019.

Quang cảnh buổi thảo luận tại hội trường

Một vấn đề bức xúc khác cũng được đại biểu Đồng Dũng Mạnh đề cập là việc nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp bị ô nhiễm nặng. Theo đại biểu Mạnh, nước trên hệ thống Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm do các nhà máy từ Hà Nội, Hưng Yên xả ra và chảy xuống địa bàn tỉnh, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Mạnh, đại biểu Nguyễn Ngọc Sẫm đề nghị tỉnh cần kiến nghị với Chính phủ và phối hợp với các tỉnh liên quan quản lý chặt chẽ nước thải ra hệ thống sông hiện nay. "Hải Dương nằm ở cuối nguồn nên bị ảnh hưởng rất nặng", đại biểu Sẫm nói.

Về cải thiện môi trường đầu tư, đại biểu Nguyễn Ngọc Sẫm đề nghị tỉnh có kế hoạch đầu tư cho Trung tâm Phát triển quỹ đất của tỉnh, qua đó có nguồn tiền phục vụ hỗ trợ giải phóng mặt bằng đang là rào cản lớn nhất trong thu hút đầu tư hiện nay. Đại biểu cũng đề nghị tỉnh rà soát lại quy hoạch phát triển nhà ở sao cho phù hợp với quy hoạch và nhu cầu của người dân. Khi phê duyệt các quy hoạch khu dân cư, khu đô thị phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải triệt để trước khi xả ra môi trường.

Không nên quá lo lắng vì nông dân bỏ ruộng


Đồng chí Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ các vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm

Đó là trả lời của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trần Văn Quân trước những băn khoăn của đại biểu về tình trạng nông dân bỏ ruộng.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT, nhiều nước đã có chỉ đạo bỏ bớt số vụ trồng cấy vì vấn đề an ninh lương thực không còn đe dọa, đồng bằng sông Cửu Long cũng đang bỏ cấy vụ 3. Năm 2019, nông dân trong tỉnh bỏ không trên 300 ha và có một phần diện tích bỏ hoang là đất đã được chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng các nhà đầu tư chưa thực hiện…

Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định vấn đề quan trọng là phải nâng cao giá trị sản xuất, sao cho vừa bảo đảm an ninh lương thực nhưng phải có hiệu quả kinh tế cao. Giám đốc Sở NN-PTNT dẫn chứng: 1 sào nuôi rươi, cáy ở Tứ Kỳ đang cho giá trị gấp nhiều lần cấy lúa; trong tỉnh đã có rất nhiều mô hình chuyển đổi như chăn nuôi đại gia súc, trồng cây, chăn nuôi có giá trị cao. Quan trọng nữa là khi có yêu cầu quay lại trồng lúa thì phải bảo đảm.

Trả lời câu hỏi về định hướng của ngành nông nghiệp trong việc ứng dụng các phương pháp tưới nước tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết ngành đã tham mưu với tỉnh nhiều biện pháp để tiết kiệm nguồn nước, phục vụ sản xuất rau sạch. Trong thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất nông nghiệp tới đây, ngành sẽ tiếp tục tập trung khuyến khích các dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến.

Về Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết do một số địa phương chưa vào cuộc tích cực nên toàn tỉnh mới có hơn 10 sản phẩm được đề nghị, trong đó thị xã Kinh Môn có 8 hồ sơ. Tỉnh sẽ chấm điểm, thẩm định sớm các hồ sơ đã trình. Đồng chí Trần Văn Quân đề nghị các doanh nghiệp, các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương…

Buổi chiều, HĐND tỉnh tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn.

NHÓM PV

(0) Bình luận
Cơ hội để tích tụ ruộng đất cho sản xuất lớn