Xây dựng nông thôn mới bền vững

23/08/2022 06:10

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu cao hơn, đòi hỏi các địa phương tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất”, bền vững, toàn diện và có chiều sâu.  

Dưa lê Hàn Quốc đang được xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP


Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu cao, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của cả hệ thống chính trị và người dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỉnh vẫn chưa ban hành bộ tiêu chí của giai đoạn mới, gây khó khăn, lúng túng cho các địa phương. 

Lúng túng

Trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Hải Dương chú trọng phát triển về chất nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. 

Mục tiêu đề ra đến năm 2025 có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 20% số xã đạt NTM kiểu mẫu. Có ít nhất 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập của người dân thấp nhất từ 76-80 triệu đồng/năm. Với 4 xã đã đạt NTM kiểu mẫu, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới xây dựng NTM thông minh. Đối với những xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu có đủ điều kiện nâng cấp lên đô thị, đồng thời nằm trong chương trình phát triển đô thị, tiếp tục triển khai, thực hiện xây dựng xã gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa theo quy định.

Ông Bùi Đức Tòng, Chủ tịch UBND xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) cho biết: “Địa phương đăng ký về đích NTM kiểu mẫu trong năm 2022. Do tỉnh vẫn chưa ban hành bộ tiêu chí, chưa có hướng dẫn thực hiện nên khó đạt mục tiêu. Khó khăn nữa đặt ra trong giai đoạn này là việc xây dựng NTM phải phát triển theo chiều sâu. Mặc dù không đòi hỏi nguồn vốn lớn để xây dựng cơ sở vật chất nhưng lại chú trọng nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân. Để thực hiện những chỉ tiêu này thì phải thay đổi thói quen, nhận thức của người dân”. 

Theo ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh, có rất nhiều thách thức để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cho từng năm và cả giai đoạn 2021-2025. Tuy Chính phủ đã ban hành các bộ tiêu chí NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 nhưng nhiều bộ, ngành chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí mới. Đây là nguyên nhân khiến các địa phương còn lúng túng, khó khăn trong triển khai chương trình trong giai đoạn mới.



Thôn Đươi, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) đã thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống


Chủ động nâng cao chất lượng tiêu chí

Trong khi chờ hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành liên quan trong xây dựng NTM giai đoạn mới, các sở, ngành và địa phương đã rà soát việc thực hiện các tiêu chí liên quan đến lĩnh vực ngành và địa phương. Các xã đã đăng ký về đích năm 2022 tập trung duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được.

Trong năm nay, xã Đoàn Thượng sẽ mở rộng và nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, xây nhà làm việc của bộ phận “một cửa” để phục vụ nhân dân. Đặc biệt, Đoàn Thượng đang xây dựng thôn Đươi theo mô hình “thôn thông minh”. Đây là thôn có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở mức khá. Thôn đã thành lập được Tổ công nghệ số cộng đồng với 5 thành viên. Các thành viên có trách nhiệm hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng trên điện thoại thông minh để hỗ trợ đời sống.

“Mọi hoạt động của thôn, xóm đều được thông báo qua các nhóm Zalo nên việc truyền tải thông tin đến người dân bảo đảm nhanh chóng và chính xác. Việc ứng dụng khoa học-công nghệ để phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tăng giá trị nông sản cũng được thôn tuyên truyền, phổ biến đến các hộ sản xuất”, ông Nguyễn Thế Thuần, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đươi nói.

Năm 2021, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) chỉ đạt 16/18 tiêu chí nên không đạt mục tiêu về đích NTM nâng cao. Năm nay, địa phương đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất trường học, nâng cấp đường giao thông. Xã tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng nhà đa năng, bếp ăn, thư viện và một số hạng mục khác của trường mầm non và trường tiểu học với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Thoảng, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Là xã thuần nông nên địa phương rất quan tâm phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Xã đang xây dựng 2 sản phẩm được trồng trong nhà màng và ứng dụng công nghệ cao là dưa lê Hàn Quốc và dưa chuột trở thành sản phẩm OCOP. Với các tiêu chí khác, xã tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng”.

Xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững là nhiệm vụ mới và nặng nề với các xã trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Để thực hiện, các địa phương cần chú trọng phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đa giá trị, tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất”, bền vững, toàn diện và có chiều sâu.  

Giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội nông thôn

Những năm qua, các địa phương chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Lực lượng công an các cấp chủ động xây dựng chương trình công tác về bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giải quyết những vấn đề phức tạp ở địa phương. Người dân cũng nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT). Từ đó, tình hình ANTT xã hội ở các địa phương cơ bản bảo đảm ổn định, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội được kiềm chế. 

Tuy nhiên, tiêu chí quốc phòng và an ninh là một trong những tiêu chí khó thực hiện, bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đây cũng là tiêu chí quan trọng hàng đầu làm tiền đề cho việc đạt và giữ vững nhiều tiêu chí khác. Giai đoạn tới, các cấp ủy, chính quyền địa phương phải tăng cường công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác bảo đảm ANTT. Phát hiện và giải quyết kịp thời các nguy cơ tiềm ẩn về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, những vấn đề phức tạp ngay từ đầu; sẵn sàng phương án đối phó kịp thời và hiệu quả khi có tình huống xảy ra; không để hình thành các điểm nóng về ANTT.

NHỮ VĂN CÚC

Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện

Liên kết sản xuất theo chuỗi

Để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn trong giai đoạn tới thì việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là cần thiết để hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn, nhiều chuỗi liên kết cung ứng nông sản an toàn được thực hiện. Các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và tăng giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp các doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu và mở rộng sản xuất để đưa nông sản đến với thị trường thế giới. Khi tham gia chuỗi liên kết, nông dân được tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định, an toàn, ít rủi ro; được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp để yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, nhiều chuỗi liên kết còn lỏng lẻo, quy mô liên kết nhỏ lẻ nên chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. 

Trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng để nâng cao thu nhập của người dân. Các địa phương cần xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến, bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. 

NGUYỄN VĂN THIỆN

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Giàng

Nâng cao đời sống tinh thần cho người dân

Những năm qua, cùng việc xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế thì đời sống tinh thần của người dân nông thôn cũng được nâng cao. Tất cả các thôn, khu dân cư đều có nhà văn hóa, sân vận động… Ở hầu hết các địa phương, phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng được phát triển, nhiều hội, nhóm câu lạc bộ văn nghệ, thể thao được thành lập, duy trì hoạt động thường xuyên. Tuy nhiên, ở một số địa phương dù đã được đầu tư cơ sở vật chất nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân.

Trong giai đoạn mới, ngoài việc đầu tư nâng cấp các thiết chế, công trình văn hóa sẵn có thì người dân mong muốn địa phương quan tâm xây dựng thêm các điểm vui chơi ở các thôn, huy động nguồn vốn xã hội hóa để lắp đặt các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời ở các điểm vui chơi công cộng để người dân rèn luyện và nâng cao sức khỏe. Tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao… nhằm động viên, cổ vũ người dân tham gia phong trào của địa phương. Bên cạnh việc phát triển văn hóa nông thôn theo hướng tiên tiến thì cần gìn giữ và phát huy nét văn hóa truyền thống tốt đẹp ở các làng quê.

DƯƠNG THỊ XUYẾN

(Người dân thôn Thiện Đáp, xã Kim Xuyên, Kim Thành)

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng nông thôn mới bền vững