[Video] Kỳ vọng vụ đào Tết

23/01/2022 14:26

Dịp Tết năm nay, việc tiêu thụ đào ở các nhà vườn khá thuận lợi khi đã được khách hàng đặt mua từ sớm, hứa hẹn một vụ đào có lãi.


Ông Nguyễn Văn Van ở thôn Phù Liễn, xã Hồng Phong (Nam Sách) đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để xuất bán đào

Dịch Covid-19 được kiểm soát, hàng hóa giữa các tỉnh lưu thông thuận lợi nên người trồng đào trong tỉnh rất phấn khởi, lạc quan và kỳ vọng vụ đào Tết năm nay thắng lợi hơn năm trước.

Chăm cây như con

Những ngày cuối năm, làng hoa Phù Liễn ở xã Hồng Phong (Nam Sách) luôn tràn ngập không khí hối hả, tấp nập ở các nhà vườn. Những cành đào khoe sắc cùng tiếng nhạc sôi động phát ra từ những ngôi nhà khang trang càng làm tăng hứng khởi cho người dân nơi đây. Đây cũng là thời điểm quan trọng nhất trong năm đối với người trồng đào.

Ông Nguyễn Văn Van đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để xuất bán đào cho thương lái ở TP Hải Phòng. Năm nay, đào nở đẹp, nhiều nụ và to hơn những năm trước. Để có được cây đào chất lượng người trồng phải chăm bón kỹ lưỡng, tỉ mỉ trong cả năm. "Chăm đào như chăm con nên ngày nào tôi cũng phải có mặt ở vườn. Từ phục hồi, trị bệnh cho cây đến uốn cành, tuốt lá... Trong năm, giai đoạn tuốt lá là quan trọng nhất vì quyết định đến việc cây có nhiều hoa và nở đúng dịp Tết hay không. Đặc biệt là phải rất tập trung theo dõi thời tiết, bởi chỉ cần thay đổi một chút thôi là sẽ ảnh hưởng ngay tới đào”, ông Van nói.

Hiện ông Van có 1 mẫu trồng đào với hơn 600 gốc đã cho thu hoạch, trong đó có 120 gốc đào tuổi đời từ 10 năm trở lên. Hơn 1 tuần trước, ông nhập thêm 200 gốc đào rừng lai ghép về trồng bổ sung. Số đào này phải vào dịp Tết năm sau mới có thể xuất bán vì từ mắt đào ghép phải mất hơn 1 năm chăm sóc, uốn tỉa.

Gần 10 năm trồng đào, anh Đào Văn Dinh ở khu dân cư Khuê Liễu, phường Tân Hưng (TP Hải Dương) vẫn tâm huyết với dòng đào bon sai. Anh Dinh có 8 mẫu trồng đào với khoảng 8.000 gốc, nhiều nhất phường. Theo anh Dinh, chăm đào bon sai vất vả hơn các dáng khác vì phải trải qua nhiều công đoạn từ cắt tỉa, uốn nắn thân, cành cho đến ngọn với dáng dấp và bố cục hài hòa. Để có 1 cây đào bon sai đạt chất lượng, nhà vườn phải mất từ 3 - 4 năm để trồng và tạo thế. Định hình dễ nhưng nuôi giữ dáng rất khó vì cây khi thành hình sẽ phá tán hoặc già chết cành. Nếu không theo dõi để chăm sóc, uốn dáng kịp thời theo từng giai đoạn phát triển của cây sẽ khó có thế đẹp. 

Toàn tỉnh hiện có gần 300 ha trồng đào, tập trung ở TP Hải Dương, Gia Lộc, Nam Sách... Trồng đào đã mang lại nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân. Không chỉ chăm đào như con mà người trồng đào cũng cần chi phí đầu tư lớn. Ngoài phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật, các nhà vườn cần mua gốc đào rừng hoặc đào phôi trồng chuẩn bị cho những Tết sau. Dù vậy, nghề trồng đào vẫn như “đánh bạc” với thời tiết, năm được, năm mất. 

Lạc quan

Tết Nguyên đán 2021 là năm đáng nhớ với người trồng đào Hải Dương khi nhiều diện tích trồng đào rơi vào cảnh phải “giải cứu”. Vụ đào Tết đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, các địa phương trong tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng Chính phủ. Việc đi lại giữa Hải Dương và các địa phương khác bị thắt chặt, nhiều thương lái ở các tỉnh, thành phố hủy cọc. Nhiều nhà vườn thua lỗ cả trăm triệu đồng hoặc rơi vào cảnh mất trắng.

Năm nay, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng hàng hóa giữa các tỉnh được lưu thông thuận lợi. Thời điểm này, tại các vườn đào dù không tấp nập khách đến mua đào nhiều như những Tết trước nhưng các chủ vườn vẫn hối hả chuẩn bị hàng để bán ra các tỉnh, thành phố. 

Khác với những năm trước, lo lắng dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường đào Tết nên anh Đào Văn Dinh đã chủ động liên hệ với các thương lái ở tỉnh, thành phố khác để mua, bán đào. Ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, nhiều cây đào bon sai của anh Dinh đã được đưa lên chậu chăm sóc để chuẩn bị xuất hàng đi các tỉnh khác. Anh cũng nhập một số gốc đào cổ thụ, đào Bích Châu (một giống đào mới) ở Nhật Tân (Hà Nội)... để phục vụ thị trường đào Tết trong tỉnh.

Anh Dinh cho biết: “Giá đào năm nay giảm từ 10 - 15% so với những năm trước nhưng thị trường tiêu thụ cơ bản ổn định. Giá đào bon sai từ 700.000 - 1,5 triệu đồng/cây, những cây tuổi đời nhiều năm thì giá cao hơn. Tại các tỉnh, thành phố, thương lái vẫn đặt cây đều, không chỉ Hà Nội, Hải Phòng mà cây còn được vận chuyển đến các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang... Khoảng 50% lượng đào trong vườn đã có khách đặt mua. Với giá bán như hiện nay thì các nhà vườn vẫn có lãi”. 

Thị trường tiêu thụ ổn định nên người trồng đào đang phấn khởi

Với vườn đào của gia đình ông Van, năm nay lượng khách đặt mua tăng nhiều so với năm trước. Giá đào có giảm nhưng ông Van vẫn vui vẻ, lạc quan. Ông Van chia sẻ: “Năm nay, người dân có xu hướng chơi hoa Tết sớm. Ngay Tết dương lịch, một số cây ra hoa sớm đã được xuất bán. Chỉ mong dịch bệnh trong tầm kiểm soát, hàng hóa lưu thông thuận lợi, thời tiết không gây ảnh hưởng tới đào là chúng tôi có cái Tết ấm no”.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, mặc dù thị trường hoa Tết trầm lắng hơn nhưng những cành đào, cây đào của Hải Dương vẫn khoe sắc ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây cũng là tín hiệu vui với người trồng đào trong tỉnh và dự báo mùa đào thắng lợi.


Xem clip

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Video] Kỳ vọng vụ đào Tết