Những làng nghề chỉ còn trong ký ức

28/05/2022 11:15

Từng có thời phát triển rực rỡ song nhiều làng nghề trong tỉnh đã dần mai một, biến mất trong niềm nuối tiếc của người dân địa phương.


Ông Tạ Văn Đá tiếc nuối nghề ươm tơ ở Hà Tràng (Kinh Môn)

Từng phát triển rực rỡ và là nguồn sống chính của người dân địa phương, nhưng nay nhiều làng nghề trong tỉnh đã dần mai một, đứng trước nguy cơ biến mất.

Thương lắm Hà Tràng

Có một thời thôn Hà Tràng, xã Thăng Long (Kinh Môn) cứ 4 giờ sáng là cả làng đỏ lửa nhóm bếp nấu kén, kéo tằm, làm tơ... Lúc ấy, thương lái từ Thái Bình, Nam Định, Hà Nội... về đây mua kén, mua tơ nhộn nhịp. Đường làng chật kín những xe máy, ô tô của người mua, kẻ bán. Nghề ươm tơ là nghề chính nuôi sống, mang lại ấm no cho người Hà Tràng. Từ Hà Tràng, nhiều thôn trong xã cũng trồng dâu nuôi tằm. Ông Tạ Văn Đá năm nay 71 tuổi là người có công mang nghề tơ tằm về địa phương này. Năm ấy, ông Đá thấy quê mình có bãi đê sông trải dài, màu mỡ, rất thích hợp để trồng dâu nuôi tằm. Ông đi Nam Định học hỏi mô hình rồi thuê thợ lành nghề về hướng dẫn làm tơ. Thời gian đầu chỉ có một vài hộ, sau đó hầu hết người dân thôn Hà Tràng cùng làm nghề ươm tơ. Bãi dâu trải dài xanh mướt những triền đê, lan cả vào đồng ruộng. Mỗi cân tơ khi đó bán được 400.000 đồng. Mỗi lần bật máy quay tơ là người dân có được cả chỉ vàng.  "Hồi đó, có vất vả, thức khuya dậy sớm nhưng thu nhập của người dân ổn định, khá cao so với các nghề khác. Nhờ nghề tơ tằm mà cuộc sống người dân làng Hà Tràng khấm khá hơn. Cái đáng quý nhất là bãi đê sông Kinh Môn qua làng được sử dụng hiệu quả. Đường làng ngõ xóm từ ngày có nghề tơ luôn đông vui, nhộn nhịp, ai cũng tràn đầy hy vọng về tương lai của nghề ươm tơ", ông Đá nhớ lại.

Ngót nghét 20 năm gắn bó với Hà Tràng, nghề ươm tơ không chỉ là một nghề để kiếm sống mà trở thành một nét đẹp ăn sâu vào ký ức người dân nơi đây. Năm 2004, làng nghề ươm tơ Hà Tràng vinh dự đón bằng công nhận làng nghề truyền thống như càng mở ra cơ hội, hy vọng mới địa phương. Thế nhưng, từng phát triển như vậy mà giờ ở Hà Tràng không còn một người nuôi tằm, ươm tơ. Xót xa, tiếc nuối là cảm xúc của người dân Hà Tràng khi nhớ về nghề cũ. Là người đầu tiên làm nghề ươm tơ ở Hà Tràng rồi lại là người cuối cùng còn vấn vương, ông Đá giữ cái máy quay tơ đến năm ngoái mới bán. Nhà ông giờ chỉ còn lại vài con quay bằng gỗ ở góc sân. Ngồi trong khoảng sân nhỏ, nơi khi xưa đã từng nhộn nhịp quay tơ từ 4 giờ sáng đến 10 giờ tối, ông Đá cùng nhiều người lớn tuổi nhấp ngụm trà giữa không gian tĩnh lặng nói: "Thương lắm, xót lắm Hà Tràng ơi..."


Tháng 3.2022, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát chuyên đề về công tác quản lý nhà nước tại làng nghề nhằm tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển làng nghề

Đâu tranh, đâu trúc

Từng là điểm sáng trong tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân ở Thanh Miện nhưng nay làng nghề thêu tranh, móc sợi An Dương (xã Chi Lăng Nam) và làng nghề ghép trúc, thêu tranh La Ngoại (xã Ngũ Hùng) cũng đã ngừng hoạt động. Người dân ở 2 làng giờ chỉ còn thấp thỏm chờ bằng công nhận làng nghề bị thu hồi. Còn nhớ, cách đây chừng 20 năm, những người thợ lành nghề ở 2 làng trên mỗi ngày có thể kiếm được khoảng 50.000 - 60.000 đồng. Công việc cũng không vất vả hơn nghề nông "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Thấy được hiệu quả từ việc làm tranh, Hội Phụ nữ 2 xã Ngũ Hùng và Chi Lăng Nam phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm 8.3 (Hội Phụ nữ tỉnh) mở lớp dạy nghề thêu cho chị em phụ nữ. Thời điểm đông người theo học, hội phải mở nhiều lớp, mỗi lớp khoảng 30 học viên. Nhiều cơ sở sản xuất thuê đến hàng chục thợ thêu tranh, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tranh thêu làng nghề An Dương mềm mại với những bức họa đồng quê, thêu dệt lại hình ảnh Đảo Cò được mang đi dự triển lãm ở tỉnh Nam Định, mang về tiếng tăm cho làng nghề.

Theo dòng thời gian, nghề thêu cũng dần mai một. Không bám trụ được với nghề, phụ nữ địa phương đành cất khung thêu, đóng hòm kim để đi vào nhà máy. Những chiếc khung thêu, khung tranh trước đây hầu như nhà nào cũng có thì nay chẳng thấy bóng dáng đâu. Có chăng thì một vài người nhân lúc rảnh rỗi thêu bức tranh treo nhà, làm quà chứ chẳng mấy ai còn sống nhờ nghề thêu tranh, ghép trúc. "Phát triển nhanh chóng rồi vội vã tàn lụi khiến nhiều người dân làng nghề chẳng còn ký ức nữa. Tư liệu về làng cũng chẳng còn mấy. Cuộc sống phát triển nhanh với những guồng quay khiến người ta phải tập thích ứng nhanh mà càng chóng quên một thời đẹp đẽ đã từng có, từng đi qua", chị Trần Thị Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Chi Lăng Nam ngày ấy tâm sự.

Vì đâu nên nỗi?

Cùng với Hà Tràng, An Dương, La Ngoại, nhiều làng nghề khác trong tỉnh cũng đã và đang mai một theo thời gian. Toàn tỉnh hiện có 66 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận, trong đó có 34 làng nghề truyền thống. Năm 2019, UBND tỉnh thu hồi bằng công nhận 2 làng nghề làm bún, bánh đa Lang Khê, xã An Lâm và sản xuất vật liệu không nung Lấu Khê, xã Hiệp Cát (cùng huyện Nam Sách) do không còn duy trì sản xuất. Trong số 66 làng nghề hiện còn danh hiệu, có 3 làng nghề đã ngừng hoạt động hẳn và rất nhiều làng nghề cũng dần lâm vào tình cảnh tương tự. Vì đâu mà những nghề từng có thời kỳ hoàng kim mà nay biến mất không một dấu vết?

Theo ông Đá, cha đẻ nghề ươm tơ ở Hà Tràng, cũng là người đóng lại "trang sách cuối" cho làng nghề Hà Tràng thì cái "chết" của làng nghề là do không có quy hoạch phát triển bền vững. Tằm vốn là một loài nhạy cảm nên chỉ một tác động nhỏ từ hóa chất sẽ làm giảm chất lượng, chết tằm. Lá dâu để nuôi tằm trồng ở bãi đê sạch sẽ, thoáng mát tự nhiên tằm ăn vào sẽ cho kén tốt. Nhưng đến khi một vài hộ dân không nuôi tằm nữa thì họ trồng sắn, trồng rau. Họ phun thuốc trừ sâu bay vào cây dâu, tằm ăn vào cứ thế chết dần, nghề ươm tơ cũng tàn lụi. "Những bãi đê dâu không còn xanh mướt bất tận mà bị cắt xẻ vì nhiều mục đích do không có quy hoạch chặt chẽ cho sự phát triển của làng nghề. Ô nhiễm môi trường từ lò gạch truyền thống cũng khiến việc nuôi tằm lâm nguy", ông Đá thở dài. 

Còn đối với 2 làng nghề thêu tranh, ghép trúc ở Thanh Miện, nhiều người dân cho rằng nghề mai một do Nhà nước không có cơ chế hỗ trợ hợp lý, kịp thời khi giá nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển tăng cao. Trong khi đó, đầu ra của sản phẩm hầu hết do người dân tự xoay xở nên giá cả bấp bênh, ngày càng đi xuống. Bà Hà cho biết: "Nếu người dân làng nghề được hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề kỹ thuật cao, kiến thức kinh doanh và định hướng phát triển nghề theo hướng chuyên nghiệp để dần dần tạo tiếng tăm của sản phẩm thì giá trị sẽ tăng cao, dần dần trở thành một thương hiệu nổi tiếng. Nếu làm được như vậy, có lẽ người dân sẽ còn gắn bó, phát triển cùng làng nghề lâu hơn nữa".

Có thể thấy, hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển đối với các làng nghề còn nhiều bất cập. Chính sách về ưu đãi tín dụng và các điều kiện đi kèm chưa thực sự hấp dẫn nên chủ các cơ sở chủ yếu sử dụng vốn tự có. Các chính sách về khoa học - công nghệ còn khá nghèo nàn. Giai đoạn 2018 - 2021 tỉnh chưa có đề tài, dự án khoa học công nghệ nào được áp dụng thành công vào thực tiễn và phát huy hiệu quả. Theo Sở Công thương, chính sách khuyến công của tỉnh đã được ban hành nhưng đến năm 2021 mới hỗ trợ được 4 hộ dân tại các làng nghề trên địa bàn huyện Cẩm Giàng với tổng số tiền 560 triệu đồng.

Có những làng nghề đang hấp hối chờ một “cú hích” lớn để hồi sinh, vực dậy mạnh mẽ. “Cú hích” ấy có thể là một đề án tổng thể về khôi phục và phát triển làng nghề với mục tiêu bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống gắn với các chương trình xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Làng nghề cần được đổi mới phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo vệ môi trường sinh thái. Nếu làm được như vậy, có lẽ nhiều làng nghề sẽ được cứu sống thay vì dần đi vào quên lãng.

PHẠM TUYẾT

(0) Bình luận
Những làng nghề chỉ còn trong ký ức