Người thương binh làm giàu từ vùng đất bãi

22/07/2022 09:25

Trở về sau cuộc chiến tranh chống Mỹ, bằng ý chí, nghị lực và tinh thần "tàn nhưng không phế", thương binh Phạm Xuân Thưởng, xã An Thanh (Tứ Kỳ) đã vươn lên làm giàu từ vùng đất bãi của quê hương.


Mặc dù tuổi cao nhưng cựu chiến binh, thương binh Phạm Xuân Thưởng vẫn say sưa với ruộng đồng, làm giàu từ vùng đất bãi

Năm 1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Thưởng viết đơn tình nguyện nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Ông được biên chế vào Đại đội 4, Trung đoàn 651 (Sư đoàn 2). Sau một thời gian huấn luyện bổ sung, ngày 10.3.1973 đơn vị được lệnh vào Nam chiến đấu, ông được biên chế vào Đại đội Trinh sát, Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn Đồng Tháp 1) với nhiệm vụ thâm nhập vào bốt địch, vẽ lại sơ đồ tác chiến. 

Tham gia hàng chục trận đánh khác nhau, ngày 29.4.1974 trong một lần đánh bốt Bằng Lăng, ông bị thương ở đầu gối chân phải. Tháng 3.1975, ông được đưa ra Bắc điều trị, giám định thương binh hạng 4/4 và bị nhiễm chất độc da cam. Sau đó, ông phục viên chuyển ngành về làm công nhân lái tàu của Công ty Vận tải sông biển Hải Phòng.

Thời gian làm công nhân lái tàu, ông được đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều mô hình làm giàu từ nông nghiệp, và biết đến việc cải tạo vùng đất bãi để khai thác rươi, cáy đem lại thu nhập cao của người dân dọc vùng bãi sông ở Hải Phòng. Năm 2004, ông Phạm Xuân Thưởng nghỉ hưu, trở về quê sinh sống. Tại mảnh đất quê hương, ông nhận thấy vùng đất bãi ven sông Thái Bình có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nhưng lại bị bỏ hoang. Năm 2010, ông Thưởng mạnh dạn nhận thầu khoán 5,5 mẫu đất ngoài bãi đê sông Thái Bình để cải tạo, khai thác rươi, cáy. “Khi biết tôi làm việc này, nhiều người nói tôi bị “dở hơi”. Tôi chỉ cười trừ và càng quyết tâm thực hiện bằng được", ông Thưởng nói .

Vụ đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm, đất mới nên việc khai thác rươi, cáy của ông Thưởng không thành công. Không khuất phục trước khó khăn, ông Thưởng đã tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu và trực tiếp đến các trang trại ở huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo (Hải Phòng) để học hỏi kinh nghiệm. Trở về, ông Thưởng đã vay mượn thêm tiền, đầu tư gần 1 tỷ đồng thuê máy xúc để hạ thấp nền đất xuống 70 cm. Ông mua phân gà về ủ cùng rơm rạ tạo mùn cho con rươi phát triển. Nhờ đó, năm 2014 sản lượng rươi đã tăng gấp 10 lần, giá bán tăng gấp đôi so với năm 2011. Sau 3 năm đầu tư, gia đình ông đã hòa vốn và bắt đầu thu lãi. 

Năm 2021, mô hình nuôi rươi, cáy đã đem lại doanh thu hơn 500 triệu đồng cho gia đình ông Thưởng. Trừ chi phí, ông thu lãi 400 triệu đồng. Từ thành công của gia đình ông, hàng chục hộ dân xã An Thanh đã tìm đến để học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, mô hình này đã nhân rộng ra toàn xã với khoảng 200 hộ, quy mô khai thác trên 136 ha. Mô hình của thương binh Phạm Xuân Thưởng tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.

Ông Đặng Văn Tăng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Thanh nhận xét: Thương binh, cựu chiến binh Phạm Xuân Thưởng là tấm gương điển hình trong phong trào sản xuất, làm kinh tế giỏi của địa phương. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Thưởng còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của Hội Cựu chiến binh xã, đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương, giúp đỡ nhiều cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế.

Nhiều năm liền, ông Thưởng được công nhận danh hiệu “Cựu chiến binh sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương”, được nhận nhiều bằng khen, giấy khen.

HÀ VY - THANH THẾ

(0) Bình luận
Người thương binh làm giàu từ vùng đất bãi