Kỹ thuật nhỏ, thay đổi lớn

24/11/2022 05:45

Không phải đầu tư đắt đỏ, những công nghệ, kỹ thuật đơn giản đã giúp nông dân nhiều địa phương tạo ra những thay đổi lớn trong sản xuất nông nghiệp.

Những ứng dụng này không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản mà còn bảo vệ môi trường.

Đổi mới công nghệ, kỹ thuật trong nông nghiệp

Vụ hè thu vừa qua, vườn dưa lưới của ông Hoàng Anh Thư (ở thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn, Gia Lộc) là nhà màng duy nhất trên địa bàn tỉnh không phải dùng đến thuốc trừ sâu. Thành công này là nhờ ứng dụng công nghệ phổ ánh sáng đèn LED dẫn dụ và tiêu diệt côn trùng. Toàn bộ khu nhà màng rộng 1.800 m2 được lắp đặt 5 đèn LED Rạng Đông. Thay vì treo cố định đèn LED thì cứ 3 – 4 ngày, ông lại di chuyển bóng đèn đến các khu vực khác nhau trong nhà màng. Nhờ vậy, các loại côn trùng có hại như bọ trĩ, bọ phấn trắng, nhện đỏ… đều bị diệt trừ. Nhà vườn không phải phun thuốc trừ sâu mà chỉ phun 1 - 2 lần thuốc trị bệnh cho cây trồng.


Ứng dụng công nghệ phổ ánh sáng đèn LED dẫn dụ và tiêu diệt côn trùng giúp giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng nông sản

Nguyên lý hoạt động của công nghệ này là dẫn dụ côn trùng bằng quang phổ ánh sáng UVA và tiêu diệt chúng bằng sốc điện áp cao bởi lưới điện bằng kim loại. Đây cũng là đề tài ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ do Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ và Khảo nghiệm giống tỉnh thực hiện. Công nghệ này cũng đang được dùng ở một số mô hình sản xuất nhà màng, nhà lưới trên địa bàn tỉnh.  

Ngoài ứng dụng đèn LED thì trồng thanh long leo giàn và ứng dụng hệ thống tưới nước tự động cũng là kỹ thuật mới đang được áp dụng. Ông Nguyễn Văn Tám (ở khu dân cư Trại Gạo, phường Bến Tắm, Chí Linh) là hộ trồng thanh long đầu tiên trên địa bàn tỉnh áp dụng kỹ thuật này. Với 2 ha trồng thanh long ruột đỏ, ông đầu tư giàn trồng bằng kim loại thay vì trồng bằng cột như trước, cùng với đó là hệ thống nước tưới tự động, bóng đèn để kích thích thanh long ra hoa trái vụ.

Với kỹ thuật cũ, cây được trồng theo từng trụ riêng lẻ, mỗi ha đất chỉ có thể trồng 1.000 trụ thanh long. Tuy nhiên với cách trồng giàn, khoảng cách giữa các trụ bê tông được rút ngắn. Một đường cáp dài nối các đầu trụ với nhau giúp cành thanh long leo thành giàn chữ T. Chi phí lắp đặt giàn thanh long, bóng đèn và hệ thống nước tưới tự động khoảng 120 triệu đồng/ha. Nhờ kỹ thuật này, mỗi năm vườn thanh long của ông Tám cho thu hoạch 5 lứa thanh long chính, 5 lứa phụ và thêm từ 1 – 2 lứa trái vụ. Chi phí đầu tư cao hơn nhưng kỹ thuật này giúp năng suất thanh long tăng từ 1 - 2 lần so với trồng theo trụ. Sau năm đầu trồng, thanh long đã cho thu quả. Với 2 ha trồng thanh long, mỗi năm ông Tám thu hơn 40 tấn quả, thu lãi 300 triệu đồng.

Nhân rộng

Năm 2017, mô hình trồng thanh long leo giàn xuất hiện ở phường Bến Tắm. Đến năm 2020, kỹ thuật này bắt đầu được nhân rộng ở các mô hình khác trên địa bàn phường. Hiện trên địa bàn phường đã có 22 hộ trồng theo phương pháp leo giàn với diện tích trên 10 ha.


Nhờ trồng thanh long leo giàn, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Tám ở phường Bến Tắm (Chí Linh) thu lãi khoảng 300 triệu đồng

Ông Nguyễn Văn Tám chia sẻ: “Trồng thanh long leo giàn trên trụ sắt có thể chăm sóc theo hàng rất dễ dàng, cùng với tưới tự động giúp giảm công chăm sóc. Bên cạnh đó, số lượng gốc tăng lên có rất nhiều lợi ích như ánh sáng phân bổ đều nên thanh long ra cành nhiều hơn, ra quả nhiều hơn, ít sâu bệnh, màu quả đẹp”.

Theo ông Nguyễn Thế Vin, Trưởng Phòng Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường (Trung tâm Ứng dụng khoa học, công nghệ và Khảo nghiệm giống cây trồng tỉnh), chi phí trồng thanh long leo giàn không quá cao so với trồng thanh long bằng trụ nhưng hiệu quả kinh tế gấp đôi, chất lượng quả cũng cao hơn vì ánh nắng được phân bổ đều. Vì ưu điểm vượt trội so với kỹ thuật cũ, trung tâm cũng đã khuyến khích các hộ trồng mở rộng mô hình trồng thanh long leo giàn. Với ứng dụng công nghệ phổ ánh sáng đèn LED dẫn dụ và tiêu diệt côn trùng, xét về kinh tế, mỗi vụ dưa nếu dùng đèn bắt côn trùng cho 1.000 m2 nhà màng sẽ tiết kiệm được gần 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, giá trị lớn nhất vẫn là giảm thiểu ô nhiễm độc hại trong nhà màng, nhà lưới, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặc dù chi phí mua đèn lớn (giá khoảng hơn 1 triệu đồng) nhưng thời gian sử dụng lâu.

Ứng dụng công nghệ đèn LED diệt côn trùng trong nhà màng hay trồng thanh long leo giàn chỉ là 2 trong số nhiều công nghệ, kỹ thuật mới đang được áp dụng. Trước đây, nông dân trong tỉnh đã thành công với các kỹ thuật như thắp đèn cho thanh long, hoa cúc để kích thích cây sinh trưởng, phát triển và ra hoa, đậu quả trái vụ… Những ứng dụng kỹ thuật, công nghệ này sẽ giúp nông dân bớt phụ thuộc vào thời tiết, giảm lao động chân tay, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô lớn và nâng cao chất lượng nông sản, phù hợp xu hướng sản xuất xanh, sản phẩm sạch.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Kỹ thuật nhỏ, thay đổi lớn