Cây mướp đắng đơm "quả ngọt" trên đất Gia Lộc

06/07/2022 09:31

Dù đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng hiện nay cây mướp đắng tại huyện Gia Lộc khó mở rộng diện tích.

Hằng năm, ông Phạm Quang Mười ở thôn Kênh Triều, xã Thống Kênh (Gia Lộc) đều duy trì ít nhất 3 sào ruộng để trồng mướp đắng

Giá trị cao   

Sau 3 năm trồng mướp đắng, ông Hoàng Văn Thư, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Minh Đức ở xã Phạm Trấn đã thấy rõ hiệu quả của loại cây này. So với những loại cây trồng khác, mướp đắng có thể trồng quanh năm, gối từ vụ này sang vụ khác. Khi thời tiết mát mẻ cây sinh trưởng, phát triển tốt, chậm táp lá, thời gian thu hoạch quả lâu hơn. Loại cây này trồng khoảng 1 tháng thì cho thu hoạch, thời gian thu quả kéo dài từ 50-60 ngày. Dù năng suất mướp đắng chỉ tương đương với mướp hương, khoảng 2-3 tấn/sào nhưng do giá bán cao nên cho thu nhập cao hơn. 

Để lúc nào cũng có sản phẩm cung cấp ra thị trường, HTX luôn duy trì từ 5-7 ha mướp đắng, chiếm khoảng 20% diện tích đất sản xuất của HTX. Ông Thư cho biết: “Mướp đắng đang bán với giá 5.000 đồng/kg, đầu vụ 25.000 đồng/kg, cao hơn mướp hương từ 2.000-3.000 đồng/kg; mỗi sào lãi 15-17 triệu đồng. Đây là một trong những loại cây cho thu nhập ổn định và cao tại HTX”.

Lúc đầu chỉ trồng nhỏ lẻ, sau này do hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn những cây trồng khác nên có năm gia đình ông Phạm Quang Mười ở thôn Kênh Triều (xã Thống Kênh) đã trồng 5 sào mướp đắng. Theo ông Mười, mướp đắng dễ trồng, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh, không bị áp lực khi đến ngày phải thu hái.

“Nếu trồng mướp hương mà không thu hoạch kịp thì sẽ già, khó bán nhưng mướp đắng để thêm 2-3 ngày cũng không bị ảnh hưởng đến chất lượng quả. Những loại khác đều phải bán tươi còn mướp đắng có thể thái phơi khô. Tôi đang bán 7.000 đồng/kg mướp đắng tươi, 150.000 đồng/kg mướp đắng khô. Có lúc không có đủ mướp khô để bán”, ông Mười nói.

Còn nhiều tiềm năng

Cây mướp đắng được trồng rải rác tại các xã của huyện Gia Lộc, tập trung ở các xã Đoàn Thượng, Toàn Thắng, Thống Kênh, Phạm Trấn… Nông dân trồng theo hình thức luân canh với các cây họ bầu bí để tạo sự đa dạng các sản phẩm nông nghiệp. Cây có thể trồng quanh năm song tập trung nhiều vào vụ đông. Vụ đông năm 2021-2022, Gia Lộc có khoảng 41 ha cây mướp đắng, là một trong những huyện có diện tích mướp đắng nhiều nhất tỉnh. 

Dù giá trị tương đối cao nhưng việc mở rộng diện tích cây mướp đắng tại Gia Lộc gặp nhiều khó khăn. Mướp ăn có vị đắng, không hợp khẩu vị của nhiều người nên nhu cầu sử dụng không nhiều. Để duy trì ổn định diện tích, ngoài bán cho thương lái, một số người dân, HTX dịch vụ nông nghiệp còn tìm cách đưa vào siêu thị, nhà hàng, bếp ăn của các doanh nghiệp. 

Ngoài yếu tố thị trường, trồng mướp đắng phải dựng giàn gồm tre và dây buộc... chi phí khoảng 3 triệu đồng/sào mà chỉ dùng được khoảng 3 vụ. Ông Nguyễn Văn Ngô, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Toàn Thắng chia sẻ: "Dù hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều cây trồng khác tại địa phương nhưng người dân thấy vốn đầu tư ban đầu lớn nên ngần ngại. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành có cơ chế hỗ trợ đầu ra và một phần chi phí để người dân mở rộng diện tích trồng cây này”.

Dù gặp nhiều khó khăn song cây mướp đắng vẫn có tiềm năng phát triển, nhất là trong lĩnh vực dược liệu bởi mướp đắng có thể phơi khô dùng làm trà giải độc thanh nhiệt hoặc thuốc để chữa bệnh tiểu đường, cảm cúm... Vì thế, các cấp chính quyền cần có giải pháp hỗ trợ người dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ hoặc kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực y dược để mở rộng diện tích cây trồng này.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cây mướp đắng đơm "quả ngọt" trên đất Gia Lộc