Xây dựng nền tảng hướng đến đô thị xanh

07/07/2022 11:00

Đề án Xây dựng và phát triển đô thị Hải Dương theo định hướng xanh, thông minh, hiện đại giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2035 được coi là tiền đề, nền tảng cho sự phát triển đô thị xanh của tỉnh trong tương lai.

Qua đó sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh của tỉnh.

Xác định rõ tiêu chí

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định “phát triển đô thị xanh, thông minh, hiện đại” là một trụ cột của cơ cấu kinh tế trong giai đoạn tới. Để từng bước hiện thực hóa khát vọng của tỉnh, cuối tháng 10.2021, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển đô thị Hải Dương theo định hướng xanh, thông minh, hiện đại giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2035. Mặc dù đề án được ban hành trước nhưng các nội dung trong đề án rất phù hợp với nội dung Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.


Việc phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đến không gian công cộng, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp cho người dân. Trong ảnh: Không gian xanh tại khu đô thị sinh thái Ecorivers (TP Hải Dương)


Theo đó, đô thị Hải Dương được định hướng xây dựng chuỗi liên kết gồm đô thị trung tâm, cụm đô thị động lực, cụm đô thị vệ tinh và đô thị chức năng chuyên biệt. Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện nay chưa có địa phương nào trong cả nước xây dựng, ban hành riêng bộ tiêu chí đô thị xanh. Các tỉnh, thành phố nghiên cứu, xây dựng các khu đô thị cụ thể theo hướng là khu đô thị xanh, sinh thái, hiện đại theo quy chuẩn quy hoạch xây dựng và Nghị quyết số 1210 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.

Để hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị xanh, Sở Xây dựng đã tham mưu cho tỉnh xác định các chỉ tiêu phát triển đô thị theo định hướng xanh phù hợp với điều kiện của tỉnh. Trong đó có các tiêu chí cụ thể như: tăng tỷ lệ đất cây xanh, tạo dựng các không gian xanh, bãi đỗ xe xanh. Xây dựng các không gian công cộng, công trình kiến trúc điểm nhấn, tổ hợp công trình hỗn hợp đa chức năng. Thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng môi trường đô thị như thu gom và xử lý nước thải, rác thải. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh thái...

Mục tiêu phát triển đô thị xanh của tỉnh cũng đã được khẳng định và nhiều lần nhắc tới trong báo cáo phương án quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVII ngày 5.7. Trong đó xác định tầm nhìn chiến lược đến năm 2050 sẽ phát triển Hải Dương trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, văn minh, phát triển bền vững và giàu bản sắc văn hóa xứ Đông; là một đô thị hiện đại, xanh, thông minh, sạch đẹp, an ninh, an toàn, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng. Cùng với công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ thì thúc đẩy việc xây dựng và phát triển các khu đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh và hiện đại nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân được xác định là một trong 4 trụ cột chiến lược để Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại và là một trong những khu đô thị lớn nhất vùng, nơi có các dịch vụ chất lượng cao phát triển, phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn cũng như toàn vùng đồng bằng sông Hồng.

Từng bước thực hiện

Trên cơ sở các nội dung nhằm xây dựng đô thị xanh đã được định hướng, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã xây dựng, ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể theo từng giai đoạn. Trong đó chú trọng các lĩnh vực phát triển khu đô thị, khu dân cư mới; xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, dịch vụ...

Ông Phạm Văn Quyết, Trưởng Phòng Quy hoạch và Phát triển đô thị (Sở Xây dựng) cho biết sau khi đề án được ban hành, công tác lập hoặc điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung các đô thị, điều chỉnh quy hoạch chung cấp xã... luôn bám sát các tiêu chí xanh đã đề ra. "Hiện nay, công tác thẩm định các quy hoạch phát triển dân cư, đô thị đặc biệt quan tâm tới tỷ lệ cây xanh, công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật, công trình thu gom, xử lý nước thải. Các quy hoạch được duyệt đều bảo đảm tiêu chí đô thị xanh, thậm chí tỷ lệ cây xanh luôn vượt quy chuẩn", ông Quyết cho biết.

Là địa phương có tỷ lệ cây xanh trên đầu người cao nhất trong tỉnh, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Chí Linh cho biết địa phương đã triển khai nhiều nhóm giải pháp tổng thể để thực hiện đề án của tỉnh như các giải pháp về xây dựng cơ chế, chính sách, tuyên truyền vận động, quy hoạch, đầu tư xây dựng, môi trường...

"TP Chí Linh đặc biệt quan tâm tạo không gian công cộng, môi trường sống xanh, sạch, đẹp cho người dân bằng việc nâng cao tỷ lệ cây xanh trong khu đô thị, khu vực công cộng. Quan tâm, triển khai quyết liệt việc thực hiện đề án thu gom, phân loại, xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn. Để giải quyết bài toán xử lý triệt để rác thải sinh hoạt phát sinh, TP Chí Linh đã quy hoạch, đang thực hiện thủ tục để giải phóng mặt bằng khu đất khoảng 10 ha để kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường", ông Huỳnh nói.

Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển đô thị xanh, các ngành chức năng liên quan của tỉnh luôn khuyến khích chủ đầu tư sử dụng vật liệu xây dựng không nung nhằm bảo vệ môi trường. Hiện nay, các công trình xây dựng do Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư đều sử dụng 100% gạch không nung. Sở Xây dựng và các địa phương trong tỉnh đã khuyến khích, thúc đẩy sử dụng vật liệu xanh, thân thiện môi trường, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng trong xây dựng các công trình.

Hải Dương đã và đang xây dựng, phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững nhằm tạo dựng môi trường sống sinh thái, hiện đại cho các đô thị và nâng cao chất lượng sống của người dân.

PHAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng nền tảng hướng đến đô thị xanh