Nước sạch hơn nhờ chuyển nguồn khai thác

25/05/2022 10:43

Trước tình trạng nước nội đồng thường xuyên bị ô nhiễm, các trạm cấp nước sạch ở nông thôn đã chuyển sang khai thác nước ở sông lớn để sản xuất hoặc mua nước sạch thành phẩm.

Các hộ dân nông thôn phấn khởi khi được sử dụng nước thực sự sạch

Nhờ vậy, chất lượng nước sinh hoạt ở hầu hết các vùng nông thôn trong tỉnh đều bảo đảm.

Nước nội đồng bị ô nhiễm

Trạm cấp nước Cẩm Điền (Cẩm Giàng) nằm sát sông Sặt. Đây là nguồn nước thô để sản xuất nước sạch cung cấp cho toàn bộ người dân trong xã. Nhưng nguồn nước này ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, có thời điểm không thể sử dụng. Đến năm 2014, trạm dừng sản xuất do nguồn nước ô nhiễm không thể xử lý. Để người dân trong xã có nguồn nước bảo đảm chất lượng, hợp vệ sinh, trạm đã chuyển sang mua nước thành phẩm từ Công ty CP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn Hải Dương. Trung bình mỗi tháng, trạm mua khoảng 40.000 m3 nước sạch từ nhà máy để cung cấp cho tất cả các hộ dân trong xã. Hiện tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt 100%. Ông Phạm Văn Minh, Trạm trưởng Trạm cấp nước sạch Cẩm Điền chia sẻ: "Khi nhận thấy chất lượng nguồn nước thô không thể sử dụng được, chúng tôi đã chuyển từ sản xuất sang mua nước thành phẩm. Cẩm Điền cũng là trạm cấp nước đầu tiên trong tỉnh chuyển đổi nguồn nước để nâng cao chất lượng nước sinh hoạt của người dân".

Trạm cấp nước Tiên Động (Tứ Kỳ) thuộc Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Kỳ Sơn được xây dựng năm 2010. Trạm lấy nước đầu vào từ sông Cầu Xe, sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt của gần 3.000 hộ dân trên địa bàn hai xã Tiên Động và Phượng Kỳ (Tứ Kỳ). Dù ở cuối nguồn nhưng trạm cũng rơi vào tình trạng khó khăn do nguồn nước bị ô nhiễm. Đặc biệt những khi mưa to, nước từ đồng ruộng tràn ra nên nước bẩn và rất khó xử lý. Người dân sử dụng nước sạch ở trạm thường xuyên kiến nghị về chất lượng nguồn nước. Để có nguồn nước đầu vào sản xuất bảo đảm chất lượng, tháng 4.2021, công ty đã hoàn thành chuyển đổi nguồn lấy nước từ sông nội đồng sang sử dụng nguồn nước thô từ sông Luộc. Đây cũng là đơn vị cuối cùng của tỉnh hoàn thiện việc chuyển đổi nguồn nước.

Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Kỳ Sơn đầu tư hơn 10 tỷ đồng để chuyển đổi nguồn lấy nước từ sông Cầu Xe sang sông Luộc

Nước thực sự sạch

Trước đây, gia đình chị Vũ Thị Toan ở thôn Hoàng Hòa, xã Cẩm Điền phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mưa nên thường xuyên thiếu nước vào những tháng cao điểm khô hạn. Chị Toan cho biết: "Sống cạnh sông Sặt, nhìn thấy dòng sông ô nhiễm từng ngày nên gia đình tôi không dám sử dụng nguồn nước này. Từ ngày Trạm cấp nước sạch Cẩm Điền chuyển đổi chúng tôi mới lắp đặt đường ống nước. Chất lượng nước không những bảo đảm mà nguồn nước khỏe, chưa khi nào bị mất nước hoặc nước bị yếu".

Chất lượng nước nâng cao, người dân được sử dụng nguồn nước sạch bảo đảm chất lượng là khẳng định của nhiều hộ dân sinh sống ở khu vực nông thôn. Việc chuyển đổi nguồn nước cũng được các đơn vị thực hiện bài bản và có đầu tư. Tại Trạm cấp nước Tiên Động, chỉ tính riêng chi phí lắp đặt đường ống, đổi mới công nghệ đã khoảng 10 tỷ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Kỳ Sơn cho biết: "Trạm cấp nước có công suất 2.000 m3/ngày đêm. Để đáp ứng công suất của nhà máy, chúng tôi đã lắp đặt đường ống dài 5km để dẫn nước từ sông Luộc về nhà máy, đổi mới công nghệ xử lý nước nên chất lượng bảo đảm. Người dân 2 xã Tiên Động và Phượng Kỳ không còn kiến nghị về chất lượng nguồn nước".

Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cho biết theo thiết kế ban đầu trong tổng số 73 công trình cấp nước nông thôn có 27 công trình khai thác sử dụng nước sông nội đồng. Tuy nhiên, nguồn nước từ sông nội đồng ngày càng kém chất lượng nên UBND tỉnh yêu cầu các trạm cấp nước phải chuyển đổi nguồn lấy nước từ sông nội đồng sang sông lớn hoặc mua nước thành phẩm. Hiện tất cả các trạm cấp nước đã hoàn thành việc chuyển đổi nguồn nước. Bên cạnh đó, nhiều trạm đã đầu tư nâng công suất, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng nước sinh hoạt. Cùng với đó, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn cũng thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát nhằm bảo đảm chất lượng nước thành phẩm tốt nhất theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.  

Đến tháng 6.2021, tất cả 27 công trình lấy nước từ sông nội đồng trong tỉnh đã hoàn thành chuyển đổi nguồn nước. Trong đó có 22 trạm chuyển sang mua nước sạch thành phẩm của các đơn vị như Công ty CP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn Hải Dương, Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương và một số nhà máy sản xuất nước do một số doanh nghiệp tư nhân đầu tư để cung cấp nguồn nước sạch cho người dân. 5 trạm cấp nước chuyển sang khai thác sử dụng nước thô từ sông lớn như sông Thái Bình, sông Luộc, sông Văn Úc để tiếp tục sản xuất nước sạch gồm các trạm cấp nước ở xã Cộng Lạc, Tiên Động, Hà Thanh (cùng ở huyện Tứ Kỳ), Đức Xương (Gia Lộc) và trạm cấp nước xã Thanh Thủy (Thanh Hà).

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước sạch hơn nhờ chuyển nguồn khai thác