Giữ màu xanh các khu di tích

28/01/2023 06:02

Rừng đặc dụng không chỉ có vai trò bảo vệ môi trường sinh thái mà còn có ý nghĩa trong bảo tồn thiên nhiên, tạo cảnh quan cho di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Do đó, việc gìn giữ rừng đặc dụng cũng vất vả và áp lực hơn.


Hạt Kiểm lâm phối hợp Trạm Quản lý rừng Kinh Môn kiểm tra rừng đặc dụng tại khu di tích đền Cao An Phụ

Hải Dương có hơn 1.500 ha rừng đặc dụng ở thị xã Kinh Môn, TP Chí Linh gắn với các khu di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt như đền Cao An Phụ, Côn Sơn-Kiếp Bạc, đền Chu Văn An, chùa Thanh Mai. Với đặc thù là rừng đặc dụng, những cánh rừng này đối mặt với nhiều nguy cơ, dễ bị cháy, thiệt hại...

Du khách đổ về các di tích để tham quan, chiêm bái, nhất là trong dịp lễ hội rất đông, gây áp lực lớn cho công tác phòng chống cháy rừng đặc dụng. Khi tới các di tích lễ bái, người dân thường đốt hương, vàng mã, thậm chí có du khách còn dùng lửa trong rừng. Trong khi đó, thời tiết ngày càng diễn biến thất thường, ngay mùa nồm cũng xảy ra hanh khô. Rừng đặc dụng của Hải Dương lại đang phục hồi, xen lẫn tre nứa nên rất dễ bén lửa, dẫn đến cháy rừng, khi cháy có thể lan rộng. Ông Bùi Đoàn Thể, Giám đốc Ban Quản lý rừng cho biết rừng đặc dụng có vai trò rất quan trọng, ngoài giá trị về sinh thái còn tạo điểm nhấn về cảnh quan cho các khu di tích. Vì thế, việc bảo vệ nghiêm ngặt và phát triển rừng đặc dụng được đơn vị đặt lên hàng đầu. Ban thường xuyên kiểm tra, rà soát để đề xuất trồng rừng thay thế, nhằm duy trì bền vững diện tích rừng đặc dụng. Trong phạm vi rừng đặc dụng còn có 2 vườn thực vật Côn Sơn và An Phụ, liền kề với các khu di tích. Đây là ngôi nhà chung của hàng nghìn cá thể thực vật với nhiều loại quý hiếm phục vụ nghiên cứu. Do vậy, tuyệt đối không thể chủ quan, lơ là các biện pháp bảo vệ.


Lực lượng kiểm lâm chuẩn bị chu đáo thiết bị, vật dụng phòng chống cháy rừng

TP Chí Linh có khoảng 1.200 ha rừng đặc dụng tạo vành đai xanh cho các khu di tích. Những vạt rừng xanh quanh năm bao bọc đền, chùa giúp cảnh quan trở nên hài hoà, tạo cảm giác bình yên, thư thái cho du khách tới tham quan. Để có thể gìn giữ màu xanh của rừng, các cơ quan, đơn vị và chủ rừng đã phải rất nỗ lực. Ông Mạc Văn Thắng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Chí Linh cho biết rừng đặc dụng bao giờ cũng được đặt trong mức cảnh báo cao hơn vì nguy cơ lớn hơn và hệ luỵ cũng nhiều hơn. Do vậy, hạt luôn quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng chống cháy rừng ở khu vực rừng đặc dụng. Trong mùa lễ hội, các lực lượng liên quan đều tăng cường phối hợp, nghiêm túc triển khai đồng bộ phương án để hạn chế tối đa tình huống phát sinh. Khi cảnh báo cháy rừng ở cấp 4, cấp 5, ngoài thực hiện 100% quân số trong 24/24 giờ, hạt nhanh chóng kích hoạt phương án theo kế hoạch đã duyệt, sẵn sàng lực lượng ứng phó.

Tại thị xã Kinh Môn, hơn 300 ha rừng đặc dụng nằm quanh khu di tích đền Cao An Phụ. Ở đây là rừng phục hồi do các cấp, ngành và người dân nỗ lực gây dựng hơn 30 năm qua. Ông Nguyễn Văn Thư, Trưởng Ban Quản lý di tích đền Cao An Phụ khẳng định rừng gắn với di tích thì không thể lơ là. Ban đã thành lập tổ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng gồm 15 thành viên có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị sát sao trong việc bảo vệ rừng. Ngoài ra, do địa bàn rộng, ban cũng tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa nội bộ, cảnh báo điểm dễ cháy, các biện pháp phòng chống cháy rừng để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân.

Rừng đặc dụng của Hải Dương không nhiều, song có giá trị vô cùng lớn khi hầu hết diện tích đều được dày công phục hồi. Vì phải bỏ nhiều thời gian, công sức gây dựng nên các cấp, ngành và các hộ nhận khoán luôn nỗ lực bảo vệ, gìn giữ màu xanh cho các khu di tích. “Gần 30 năm qua, chưa khi nào tôi bớt lo về hơn 4 ha rừng đặc dụng nhận khoán dưới chân núi An Phụ. Cây rừng càng lớn nỗi lo càng nhiều bởi chỉ cần sơ sẩy là bao nhiêu mồ hôi, công sức tiêu tan”, ông Nguyễn Kim Thích ở phường An Sinh (Kinh Môn) cho hay.

Đã vào mùa lễ hội xuân, các khu di tích ở Hải Dương lại nhộn nhịp, đông đúc. Đây cũng là thời điểm các lực lượng, chủ rừng nỗ lực giữ rừng, nhất là diện tích rừng đặc dụng. Trong đó chú trọng tuyên truyền, vận động người dân vui xuân, trẩy hội nhưng không quên nhiệm vụ bảo vệ màu xanh cho di tích.

THANH HOA-NGUYỄN MƠ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ màu xanh các khu di tích