Thiệt hại do tai nạn lao động gần 10.000 tỷ đồng/năm

18/04/2021 08:46

Tình hình tai nạn lao động diễn biến phức tạp, mỗi năm vẫn có hàng trăm người chết, hàng nghìn người bị thương.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết qua báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, năm 2020 trên toàn quốc đã xảy ra 8.380 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8.610 người bị nạn, bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động (NLĐ) làm việc không theo hợp đồng lao động. Trong đó, số người chết vì TNLĐ là 966 người và 1.897 người bị thương nặng.

Xử phạt cũng không ăn thua

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH, cho biết giai đoạn 2011 - 2020 đã xảy ra hàng loạt vụ TNLĐ chết người, riêng lĩnh vực xây dựng luôn xếp vị trí hàng đầu về số vụ. Cụ thể, năm 2015, trên toàn quốc xảy ra 629 vụ TNLĐ chết người làm 666 người chết, trong đó lĩnh vực xây dựng chiếm 31,1% số vụ tai nạn chết người và 31,8% số người chết.

Thiệt hại do tai nạn lao động gần 10.000 tỉ đồng/năm - Ảnh 1.

Bảo đảm an toàn cho người lao động là trách nhiệm của người sử dụng lao động. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Năm 2016, trên toàn quốc xảy ra 799 vụ tai nạn chết người làm 862 người chết, trong đó lĩnh vực xây dựng chiếm 22,6% số vụ tai nạn chết người và 22,1% số người chết. Trong các năm từ 2017 đến 2020, tình hình tai nạn trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt trong các hoạt động thi công tại công trường dự án, có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn, các vụ TNLĐ nghiêm trọng tại công trường xây dựng thường xuyên xảy ra. Trong giai đoạn này, trung bình hằng năm lĩnh vực xây dựng chiếm 32% số vụ tai nạn chết người và 31% số người chết. Thực tế cho thấy trong những năm qua đã xảy ra rất nhiều vụ TNLĐ nghiêm trọng. Chẳng hạn vụ tai nạn rơi thang máy tại chung cư Newlife Tower ở phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh ngày 22.8.2017 làm 3 người chết; vụ tai nạn trong lúc đang lắp dựng cột viễn thông tại cánh đồng mía thuộc xóm Xuân Sơn, xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An xảy ra ngày 26.6.2018 do bị điện giật làm 4 người chết, 3 người bị thương. Hay vụ tai nạn sập đổ công trình xây dựng nhà xưởng xảy ra tại khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long ngày 15.3.2019 làm 6 người chết, 2 người bị thương. Đặc biệt là vụ tai nạn sập đổ công trình xây dựng nhà xưởng xảy ra ngày 14.5.2020, tại khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai làm 10 người chết, 15 người bị thương. Và mới đây là vụ tai nạn rơi lồng vận thăng tại dự án xây dựng trụ sở làm việc Sở Tài chính tỉnh Nghệ An xảy ra ngày 2.1.2021 làm 3 người chết, 8 người bị thương...

Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH cho biết trước tình hình cấp bách đó, năm 2016, bộ đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện chiến dịch thanh tra trong lĩnh vực xây dựng với chủ đề "Tuân thủ pháp luật lao động vì những công trình xây dựng an toàn" tại 1.036 công trình xây dựng và doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Qua thanh tra phát hiện 6.440 sai phạm, xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 1,8 tỷ đồng.

Huấn luyện an toàn hời hợt

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB-XH, tình hình TNLĐ năm 2020 trong khu vực có quan hệ lao động tăng. Những địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong năm 2020 bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Quảng Ninh, Bình Dương, Hải Dương, Nghệ An. Lĩnh vực xây dựng, khai thác khoáng sản, điện chiếm tỷ lệ hàng đầu các vụ TNLĐ. Trong năm 2020 có 24 vụ đoàn điều tra TNLĐ đề nghị khởi tố, 17 vụ đã có quyết định khởi tố của cơ quan CSĐT.

Phân tích biên bản điều tra TNLĐ chết người, tại công ty CP chiếm 37,61% số vụ tai nạn chết người và 40% số người chết; loại hình công ty TNHH chiếm 30,28% số vụ và 29,57% số người chết; loại hình doanh nghiệp nhà nước, đơn vị hành chính sự nghiệp chiếm 22,93% số vụ và 21,74% số người chết; ở doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể chiếm 5,51% số vụ và 5,22,% số người chết. Lĩnh vực khai thác mỏ, khoáng sản chiếm 16,51% tổng số vụ và 17,39% tổng số người chết; lĩnh vực xây dựng chiếm 15,6% tổng số vụ tai nạn và 16,52% tổng số người chết; lĩnh vực cơ khí, luyện kim chiếm 6,42% tổng số vụ và 7,83% tổng số người chết. Các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều nhất là ngã từ trên cao, rơi chiếm 26,61% tổng số vụ và 25,22% tổng số người chết; tai nạn giao thông chiếm 22,02% tổng số vụ và 22,61% tổng số người chết; điện giật chiếm 13,76% tổng số vụ và 13,04% tổng số người chết; đổ sập chiếm 12,84% tổng số vụ và 15,65% tổng số người chết.

Trong các nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ chết người, nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 44,97% tổng số vụ và 44,35% tổng số người chết, trong đó do không huấn luyện an toàn lao động (ALTĐ) hoặc huấn luyện ATLĐ chưa đầy đủ cho NLĐ, thiết bị không bảo đảm an toàn. Nguyên nhân do NLĐ vi phạm quy trình quy chuẩn ATLĐ chiếm 23,85% tổng số vụ và 22,61% tổng số người chết. Bên cạnh đó, việc lao động làm bù cho những tháng nghỉ vì dịch Covid-19 gây ra căng thẳng thần kinh, tâm lý, sức khỏe cũng là một phần nguyên nhân gián tiếp làm tăng TNLĐ.

Ông Nguyễn Tiến Tùng nhấn mạnh xây dựng là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hàng đầu về mất ATLĐ, ngay sau chiến dịch thanh tra lao động trong lĩnh vực xây dựng được thực hiện năm 2016, số vụ TNLĐ và số người chết, bị thương trong lĩnh vực xây dựng đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, những năm gần đây, hiệu ứng tích cực từ chiến dịch thanh tra lao động năm 2016 có biểu hiện giảm, tình hình TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt trong các hoạt động thi công tại công trường dự án có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp, các vụ TNLĐ nghiêm trọng tại công trường xây dựng thường xuyên xảy ra, trung bình hằng năm lĩnh vực xây dựng chiếm 32% số vụ tai nạn chết người và 31% số người chết. "Chính vì vậy, năm 2021 thanh tra bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra trên 600 dự án xây dựng. Chiến dịch thanh tra sẽ được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước", ông Tùng khẳng định.

Năm 2020, xây dựng chưa phải là lĩnh vực xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người nhất (đứng thứ hai) nhưng có nhiều vụ nghiêm trọng, gây chết nhiều người trong một vụ. Theo số liệu báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra năm 2020 như chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương... là trên 6.003 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản trên 3.883 tỷ đồng, tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là trên 150.324 ngày.

Phải xử lý nghiêm

Để chủ động phòng ngừa và hạn chế TNLĐ trong thời gian tới, Thứ trưởng LĐ-TB-XH Lê Tấn Dũng cho biết bộ đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức, người sử dụng lao động quan tâm, chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp thanh - kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm... Bộ LĐ-TB-XH cũng đề nghị xử lý nghiêm các vi phạm về ATLĐ; kiên quyết đề nghị khởi tố các vụ TNLĐ, làm chết và bị thương nhiều người do vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động.

Theo Người lao động

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thiệt hại do tai nạn lao động gần 10.000 tỷ đồng/năm