Rủi ro học sinh đi làm thêm dịp hè

04/06/2023 11:00

Gần đây, xu hướng làm thêm dịp hè ngày càng phổ biến trong học sinh. Bên cạnh những lợi ích mang lại, việc này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.


Em Nguyễn H. L. (một học sinh THPT ở TP Hải Dương) nhận làm thêm bằng việc dịch truyện tiếng Trung

Chưa đúng quy định

Dù vừa mới kết thúc kỳ thi và bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè nhưng nhiều học sinh đã đi tìm công việc làm thêm với mong muốn kiếm tiền tiêu hay đơn giản là trải nghiệm. Một số phụ huynh lên các hội, nhóm trên mạng xã hội để đăng bài tìm việc cho con dịp hè. Những bài đăng này thu hút hàng trăm lượt thích cùng bình luận là các lời mời gọi làm việc hấp dẫn, dễ dàng đi làm ngay.

Tuy nhiên, những quy định pháp luật liên quan nhằm bảo vệ quyền lợi cho trẻ vị thành niên khi tham gia lao động chưa được cả học sinh, phụ huynh và phía người sử dụng lao động quan tâm. Theo Bộ luật Lao động năm 2019, đối tượng học sinh đi làm là lao động chưa thành niên do chưa đủ 18 tuổi. Lao động chưa thành niên vẫn thuộc độ tuổi lao động nên được phép giao kết hợp đồng lao động nhưng pháp luật có những hạn chế, điều kiện nhất định đối với việc sử dụng lao động độ tuổi này. 

Cụ thể, việc sử dụng lao động chưa thành niên phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ khi giao kết hợp đồng; lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quan tâm chăm sóc về các mặt lao động, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động.

Quy định là vậy nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo Hải Dương ở một số nơi sử dụng lao động chưa thành niên trên địa bàn tỉnh như các quán cà phê, quán ăn, cửa hàng thời trang, xưởng sản xuất ở làng nghề thường không có hợp đồng lao động chứ chưa nói đến hợp đồng lao động đủ điều kiện theo quy định.

Từng làm thêm ở nhiều quán cà phê ở TP Hải Dương, em Nguyễn Thị Q. A. (học sinh lớp 11, Trường THPT Hồng Quang) cho biết khi đi xin việc làm thêm ở những nơi này rất dễ. "Mặc dù là học sinh và chưa đủ 18 tuổi nhưng hầu hết các quán đều không hỏi em về giấy tờ tùy thân, thậm chí không cần xem qua thẻ căn cước công dân mà có thể vào làm việc ngay lập tức", em Q. A. chia sẻ. Đây cũng là thực trạng chung trong thị trường việc làm thêm hiện nay.


Nhiều phụ huynh ở Hải Dương lên các hội, nhóm trên mạng xã hội để đăng bài tìm việc cho con dịp hè

Từng bị quỵt tiền

Vì không có giấy tờ bảo đảm hay cơ sở pháp lý làm căn cứ nên càng nhiều rủi ro rình rập học sinh khi đi làm thêm. Hè năm ngoái, em Q. A. làm ca tối từ 18 giờ 30 đến quá 23 giờ. Việc đi lại hằng ngày giữa đêm khuya cũng tiềm ẩn nguy hiểm với các bạn trẻ ở độ tuổi như Q. A. Trước đó, Q. A. còn bị một chủ quán cà phê ở TP Hải Dương quỵt tiền lương và cho nghỉ việc vì một lý do không rõ ràng sau 2 ngày làm vất vả. Những học sinh chập chững đi làm gặp những tình huống như vậy thường cam chịu cho qua.

Ngoài rủi ro này, việc đi làm thêm ngày hè nếu không phù hợp về thời gian, tính chất công việc có thể gây những hậu quả khó lường. Em Nguyễn H. B. (học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, TP Hải Dương) từng bị sốc và ảnh hưởng tâm lý khi đi làm thêm phục vụ ở quán cà phê như bị nhiều khách hàng trêu chọc, buông lời khiếm nhã và có những hành vi không phù hợp. Lần đầu tiên đi làm thêm, thiếu kỹ năng xử lý, B. đã phải nghỉ việc cũng do nhiều vấn đề phát sinh khác trong quá trình làm việc.

Hiện nay, mức lương chi trả cho học sinh khoảng 12.000-20.000 đồng/giờ với công việc phục vụ tại các quán cà phê, cửa hàng thời trang... Với công việc khác như đóng gói sản phẩm bánh đậu, làm hương, làm giày da... tại các làng nghề, xưởng sản xuất thì tính theo sản phẩm. Ngoài ra, nhiều học sinh tìm đến các công việc làm thêm qua mạng xã hội như bán hàng online, dịch thuật...

Em Nguyễn H. L. (sinh năm 2006, học sinh một trường THPT ở TP Hải Dương) nhận dịch truyện tiếng Trung tại nhà. Công việc làm trực tuyến, nhận lương theo tháng cũng tiềm ẩn rủi ro. Ly chuẩn bị sẵn tinh thần là làm chủ yếu để trải nghiệm, trau dồi tiếng Trung còn trường hợp không được trả đủ tiền lương cũng đành chấp nhận. "Mỗi ngày em dịch khoảng 10.000 chữ trong khoảng 8 giờ đồng hồ. Nhiều lúc em uể oải, mỏi mệt vì ngồi một chỗ và nhìn máy tính quá lâu. Sức khỏe mắt cũng bị ảnh hưởng", L. nói.

Hiện nay, học sinh có thể kiếm hàng triệu đồng mỗi tháng từ việc làm thêm. Nhiều em dành số tiền này mua đồ dùng học tập hay những món đồ yêu thích. Tuy nhiên, không ít học sinh tiêu tiền vào quán game, mua thiết bị điện tử, điện thoại đắt tiền hay phung phí vào những cuộc chơi vô bổ với tâm lý "mình kiếm, mình tiêu".

Về phía các cơ sở, tổ chức, cá nhân sử dụng lao động chưa thành niên cũng đối mặt với nhiều nguy cơ. Đa số học sinh khi đi xin việc thường không nói chỉ làm thời vụ 1 - 2 tháng mà đều hứa sẽ gắn bó lâu dài rồi đến khi quen việc lại nghỉ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động. 

Là một trong những xưởng làm hương lớn ở thôn Tống Xá, xã Thanh Quang (Nam Sách), mỗi dịp hè, cơ sở sản xuất hương Đức Phúc lại có hàng chục học sinh ở các thôn, xã lân cận đến đây làm thời vụ. "Các cháu thường đi làm theo nhóm cho vui, làm những công đoạn đơn giản. Nếu chăm có thể kiếm hàng trăm nghìn đồng mỗi ngày nhưng nếu mải nói chuyện, vui đùa thì hiệu quả, chất lượng không cao. Học sinh làm việc không ổn định do tâm lý rảnh làm bận nghỉ và thường nghỉ theo cả nhóm. Do đó, tôi không kỳ vọng nhiều vào đối tượng này vì công việc của cả xưởng dễ bị ảnh hưởng, trì trệ và gặp rủi ro", ông Nguyễn Mạnh Hoàn, chủ cơ sở hương Đức Phúc chia sẻ.

PHONG TUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rủi ro học sinh đi làm thêm dịp hè