Còn nhiều rào cản cần tháo gỡ trong tạo việc làm cho người khuyết tật

06/12/2022 06:00

Tạo việc làm cho người khuyết tật (NKT) là chính sách nhân văn đang được một số doanh nghiệp trong tỉnh hưởng ứng. Nhưng để NKT có công việc ổn định, tự tin hòa nhập cộng đồng thì vẫn còn nhiều rào cản cần tháo gỡ.

Công ty CP Tuy Hưng (Kim Thành) tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật


Khó kiếm việc làm

Anh Nguyễn Văn Quyết (ở xã Tuấn Việt, Kim Thành) bị câm điếc từ nhỏ. Khuyết tật bẩm sinh nên gần 30 tuổi anh mới lập gia đình. Vợ anh cũng là NKT. Cuộc sống của gia đình anh Quyết rất khó khăn bởi anh chị khó xin được việc tại các doanh nghiệp gần nhà, chỉ quanh quẩn ruộng vườn. Anh Quyết nhận thấy một trong những rào cản khiến NKT khó khăn khi kiếm việc làm là không có kiến thức và kỹ năng nghề. Sức khỏe cũng là trở ngại trên con đường tìm kiếm việc làm của NKT.

Hải Dương hiện có gần 40.000 NKT, trong đó có hơn 50% số người trong độ tuổi lao động. Vì thế tạo việc làm cho NKT rất cần thiết, giúp họ hòa nhập cộng đồng, tự nuôi sống bản thân. Song thực tế rào cản không chỉ ở phía NKT mà doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn.

Công ty CP Tuy Hưng ở xã Tuấn Việt có hơn 30 người lao động thì NKT chiếm đến hơn một nửa. Với tinh thần tương thân, tương ái, nhiều năm qua doanh nghiệp luôn rộng cửa đón NKT vào làm việc. Dù vậy, doanh nghiệp gặp không ít khó khăn khi tiếp nhận lao động khuyết tật. Ông Vũ Ngọc Tuy, Giám đốc công ty cho biết đầu năm có một đối tác lớn sau khi kiểm tra, đánh giá sản phẩm của công ty thì họ rất ưng ý và dự định sẽ ký hợp đồng dài hạn. “Hợp đồng tốt nhưng ngặt nỗi thời gian giao hàng họ đưa ra rất khắt khe trong khi năng suất lao động, trình độ của NKT có hạn, không thể đáp ứng được. Vì vậy chúng tôi đành ngậm ngùi bỏ lỡ đơn hàng”, ông Tuy nói.

Theo đánh giá của nhiều chủ doanh nghiệp, khi NKT đáp ứng được công việc, được tuyển vào làm thì họ đều rất chịu khó, gắn bó và ít khi "nhảy việc". Tuy nhiên, để NKT tiếp cận được thông tin việc làm lại không dễ. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ đăng thông tin tuyển dụng những người bình thường mà ít khi tuyển lao động khuyết tật. Vì vậy đa phần NKT phải mò mẫm đi tìm việc làm. Chị Nguyễn Thị Thu (ở phường Việt Hòa, TP Hải Dương) cho biết: "Tôi bị điếc nhưng chân tay vẫn lành lặn nên hoàn toàn có thể làm được những công việc như may mặc, đóng gói sản phẩm nhưng không tìm được doanh nghiệp tuyển NKT. Tôi đành đến từng doanh nghiệp hỏi để xin vào làm”.

Khi tuyển dụng lao động khuyết tật, các doanh nghiệp phải bổ sung cơ sở vật chất, thậm chí nghiên cứu kỹ máy móc, thiết bị phù hợp mới cho NKT vào làm. Những rào cản này cũng khiến nhiều doanh nghiệp ngại tuyển dụng NKT.

Cần hỗ trợ hơn nữa

Nhà nước đã sớm ban hành những chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm tạo việc làm cho NKT.

Theo Nghị định 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT thì doanh nghiệp sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là NKT được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, vay vốn, thuê đất... Doanh nghiệp được hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho NKT theo quy định. Mức hỗ trợ theo tỷ lệ NKT làm việc ổn định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất, kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội; ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định…


Để tạo việc làm cho người khuyết tật cần sự nhiệt tình hỗ trợ từ phía doanh nghiệp


Theo chị Nguyễn Thị Nha, cán bộ Hội NKT tỉnh thì có việc làm, NKT không chỉ có cơ hội tiếp xúc với xã hội mà còn tạo dựng cuộc sống tự lập. Vì vậy, những năm qua, Hội NKT tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ giải quyết việc làm cho NKT. Hội đã kết nối với một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu mong muốn tuyển lao động là NKT kết nối tìm việc cho họ; triển khai mô hình liên kết với doanh nghiệp để tạo việc làm cho NKT. Song chị Nha thừa nhận nếu chỉ có sự hỗ trợ của Hội NKT thì chưa đủ mà còn cần sự chung tay, góp sức của nhiều đơn vị liên quan, chính quyền các địa phương và sự nhiệt tình của các doanh nghiệp. 

Giải quyết việc làm cho NKT ngoài các chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ của Hội NKT, Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp còn cần sự tham gia nhiệt tình của doanh nghiệp. Về phía NKT cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, sẵn sàng đảm đương công việc của nhà tuyển dụng để khẳng định được mình. 

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Còn nhiều rào cản cần tháo gỡ trong tạo việc làm cho người khuyết tật