Cán bộ đoàn thể "về đâu" sau sáp nhập xã?

24/09/2019 07:25

Thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã sẽ giúp tổng số biên chế trong tỉnh giảm khoảng 400 cán bộ, công chức. Trong đó, các cán bộ của các đoàn thể cũng sẽ phải sắp xếp, bố trí lại.


Các cán bộ đoàn thể cấp xã ở những nơi sáp nhập mong muốn tỉnh sớm có hướng dẫn cụ thể về sắp xếp vị trí việc làm để họ yên tâm công tác

Chưa rõ sắp xếp

Vấn đề mấu chốt trong sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã chính là bố trí cán bộ sau sáp nhập. Nhưng do chưa có hướng dẫn cụ thể từ cấp trên nên các huyện, thành phố đều chưa có phương án sắp xếp cán bộ, nhất là cán bộ đoàn thể.

Dù hầu hết các cán bộ đều nhận thức rõ việc cần thiết phải thực hiện chủ trương sáp nhập nhưng vẫn còn nhiều người thấy lo lắng khi chưa biết mình sẽ “về đâu”.

3 năm tham gia công tác đoàn tại xã Đại Đồng (Tứ Kỳ) và được bầu giữ chức Bí thư Đoàn xã 1 năm nay, chị Phạm Thu Hà cảm thấy lo lắng về công việc của mình trong tương lai. Theo đề án, hai xã Đại Đồng và Kỳ Sơn sẽ sáp nhập.

Xã mới sẽ có 2 bí thư đoàn nên phải bố trí lại cán bộ. Vì chưa có hướng dẫn cụ thể nên chị Hà cũng chưa rõ mình có đủ điều kiện để được tiếp tục làm công tác đoàn hoặc được bố trí một nhiệm vụ khác hay không.

"Trong thời gian công tác, tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Không biết sau khi sáp nhập sẽ được bố trí công việc như thế nào, hơn nữa tôi chưa là công chức nên khá lo lắng", chị Hà nói.

Cùng chung tâm trạng, chị N.T.N., Chủ tịch Hội Phụ nữ một xã thuộc huyện Kinh Môn cũng lo lắng khi chưa biết mình sẽ được bố trí công việc gì sau sáp nhập. Chị giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ xã từ năm 2016.

Nếu theo quy định, chị N. cũng chưa đủ thời gian công tác để được chuyển công chức cấp xã. "Nếu như sắp xếp cán bộ sau sáp nhập chỉ ưu tiên những người đã là công chức cấp xã thì sẽ rất thiệt thòi cho chúng tôi. Trong suốt thời gian công tác, tôi cũng tích cực học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu công việc”, chị N. cho biết.

Người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội là cán bộ xã được bầu giữ chức vụ theo nhiệm kỳ.

Theo Nghị định số 24/2010/ NĐ-CP ngày 15.3.2010 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, người có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 5 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng thì được xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển.

Vì thế, các cán bộ đoàn thể chưa là công chức đều cảm thấy lo lắng khi chưa biết mình có được tiếp tục làm việc hay không?.

Cần sớm có hướng dẫn

Mặc dù là một chức danh cán bộ xã, nhưng do đặc thù nên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã không phải là công chức. Hội CCB tỉnh đã sớm ban hành hướng dẫn dựa trên quy định để sắp xếp lại bộ máy tổ chức hội tại những nơi sáp nhập. Theo hướng dẫn, người giữ chức danh Chủ tịch Hội CCB cơ sở mới phải trong Ban Thường vụ mới chỉ định, đã qua cương vị chủ tịch và bảo đảm đúng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

Chủ tịch Hội CCB phải là đảng viên, không quá 65 tuổi và không quá 2 nhiệm kỳ (10 năm công tác hội). Chủ tịch Hội CCB cơ sở nghỉ công tác sẽ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Pháp lệnh CCB và Nghị định 150/2006/NĐ-CP của Chính phủ, mỗi năm công tác được hưởng 1/2 tháng lương hoặc phụ cấp hiện hưởng.

Các đồng chí Chủ tịch hội cơ sở được bố trí tiếp tục tham gia công tác và giữ chức vụ Phó Chủ tịch hội thì được hưởng chế độ chính sách thời gian giữ chức vụ Chủ tịch hội với mức mỗi năm 1/2 tháng lương chức vụ chủ tịch.

Đối với các đoàn thể khác, người đứng đầu chủ yếu là công chức cấp xã nên việc sắp xếp cần phải có hướng dẫn cụ thể của cấp trên. “Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên Tỉnh đoàn chỉ đạo các Huyện đoàn, Thành đoàn tập trung tuyên truyền cho các cán bộ đoàn trong diện phải sáp nhập. Đồng thời, giao Huyện đoàn, Thành đoàn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát, đánh giá cán bộ để chủ động tham mưu về công tác nhân sự của tổ chức đoàn”, chị Sái Thị Yến, Bí thư Tỉnh đoàn nói.

Tỉnh ta đang khẩn trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đồng ý sẽ có chính sách đặc thù về bố trí kinh phí nhất định để phục vụ việc sắp xếp cán bộ, công chức người hoạt động không chuyên trách sau khi sắp xếp…

Tham gia thảo luận tại Kỳ họp thứ 11 (kỳ họp bất thường) HĐND tỉnh khóa XVI nhiệm kỳ 2016 - 2021 vào ngày 29.8, đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Nội vụ thông tin, trước băn khoăn của nhiều cán bộ về bố trí các Chủ tịch Ủy ban MTTQ, trưởng các đoàn thể ở các xã sau sắp xếp, Sở Nội vụ đã kiến nghị Bộ Nội vụ và được trả lời, đối với Chủ tịch Ủy ban MTTQ, trưởng các đoàn thể cấp xã chưa đủ thời gian công tác 5 năm được phép chuyển sang công chức nhưng phải có bằng cấp chuyên môn phù hợp với vị trí sắp xếp.

Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị hướng dẫn kiện toàn tổ chức và thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.

Theo đó, đối với cán bộ cấp xã là Chủ tịch Ủy ban MTTQ, trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội có đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì có thể tuyển dụng vào công chức cấp xã, sau đó bố trí sang công tác ở các xã, phường, thị trấn khác trên cùng địa bàn cấp huyện đang còn biên chế.

TÂM PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cán bộ đoàn thể "về đâu" sau sáp nhập xã?