Nhớ về “tình sâu, nghĩa nặng” của Bác Hồ với Hà Tĩnh

12/06/2022 06:18

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhớ về Hà Tĩnh là nhớ về “tình sâu, nghĩa nặng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tối 11.6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh (15.6.1957-15.6.2022) và 15 năm Ngày thành lập thành phố Hà Tĩnh (28.5.2007-28.5.2022) do Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh tổ chức.

Cùng dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố; tỉnh Bôlykhămxay, tỉnh Khăm Muộn của nước bạn Lào.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lẵng hoa chúc mừng.

Về phía địa phương có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố; các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân; đại diện các lực lượng vũ trang và các chức sắc tôn giáo, các tầng lớp nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.

Diễn văn kỷ niệm do Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng trình bày cho biết, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh tình yêu thương sâu nặng.

Đặc biệt, sự kiện ngày 15.6.1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, làm việc với Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với bộn bề khó khăn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Người đối với tỉnh Hà Tĩnh.

Sau chuyến thăm, những lời chỉ bảo ân cần, sát thực tiễn, gần gũi, cởi mở của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi đường, dẫn lối cho Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh phát huy những thành tích, sửa chữa kịp thời những khuyết điểm, tạo động lực mới để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, lập nên những kỳ tích anh hùng.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhớ về Hà Tĩnh là nhớ về “tình sâu, nghĩa nặng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh.

Sinh thời, Bác Hồ đã nhiều lần gửi thư, điện biểu dương, khen ngợi Hà Tĩnh. Đặc biệt, ngày 15.6.1957 là mốc son trong trang sử vàng của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh, là động lực to lớn để vượt qua mọi khó khăn, vững bước trên con đường xây dựng quê hương, đất nước khi được đón Bác về thăm.

Bác đã để lại những bài học sâu sắc với Hà Tĩnh về tinh thần đoàn kết, tự tu dưỡng, ý chí vươn lên, giữ gìn truyền thống văn hóa, cố gắng sản xuất, làm tốt nhiệm vụ hậu phương với đồng bào miền Nam…

Đặc biệt, Bác dặn dò cặn kẽ, sâu sắc với Đảng bộ Hà Tĩnh “phải biết lắng nghe ý kiến quần chúng. Có việc mình không biết, nhưng quần chúng biết. Và biết tổ chức cho khéo thì nhất định việc gì cũng làm được, nhất định đưa phong trào nổi bật lên.”

Bác rất vui mừng biểu dương, khen ngợi Hà Tĩnh là tỉnh “kiểu mẫu thi đua,” “thanh toán nạn mù chữ trước nhất cả nước”; có nhiều tiến bộ làm giao thông, thủy lợi..., biểu dương các tấm gương cán bộ, nhân dân tiêu biểu trong phong trào bình dân học vụ, gương mẫu trong tuyên truyền, vận động, tích cực xây dựng tổ đổi công...

Đồng thời, Bác nhắc nhở ân cần, phê bình có nơi chưa đoàn kết; có cán bộ giữ gìn kỷ luật chưa nghiêm, trách nhiệm với nhân dân chưa cao, thiếu khiêm tốn, quan cách mạng… Hôm nay, những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị và lan tỏa sâu rộng.

Thủ tướng chỉ rõ 65 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Tĩnh luôn khắc sâu và cố gắng làm tốt những lời căn dặn của Bác, đoàn kết, nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Những thành tựu đó góp phần cùng nhân dân cả nước thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Từ một tỉnh thuần nông, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới và hơn 30 năm tái lập tỉnh, Hà Tĩnh đã chuyển mình mạnh mẽ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp, dịch vụ; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng hoàn thiện, đô thị hiện đại, văn minh, nông thôn đổi mới, tươi đẹp; sản xuất công nghiệp tăng trưởng đột phá, cải cách hành chính, môi trường kinh doanh được cải thiện rõ nét, quy mô kinh tế vươn lên mức khá, văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, các giá trị văn hóa đặc trưng được bảo tồn và phát huy.

Là vùng đất hiếu học, sự nghiệp giáo dục-đào tạo của Hà Tĩnh luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được củng cố, tăng cường; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chăm lo và đạt nhiều kết quả.


Các đại biểu dự lễ kỷ niệm. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực và những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, quân và dân tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được.

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng Hà Tĩnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần khắc phục như phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, quy hoạch, liên kết vùng và quốc tế, phát triển kinh tế số; khai thác các nguồn lực như nguồn nhân lực, đất đai, du dịch gắn với văn hóa còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng…

“Hà Tĩnh đã luôn thấm nhuần lời dạy của Bác để khắc phục những khó khăn với tinh thần tất cả vì cuộc sống ấm no, an toàn, hạnh phúc của nhân dân hay chưa?” Thủ tướng đặt câu hỏi.

Thủ tướng đề nghị Hà Tĩnh cần phải xác định rõ những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển nhanh, bền vững.

Với tinh thần dựa vào nội lực như con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa, lịch sử là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài như nguồn vốn, công nghệ, quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên; Hà Tĩnh cần nỗ lực hơn nữa, quyết tâm hơn nữa, biến truyền thống đoàn kết, văn hóa thành nguồn lực, biến di sản thành nguồn tài nguyên để thực hiện hiệu quả lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thủ tướng đề nghị cán bộ, đảng viên, nhân dân Hà Tĩnh tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, Thủ tướng tin rằng tư tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết-Thành công, thành công, đại thành công” của Bác sẽ là mạch nguồn, kim chỉ nam dẫn đường cho suy nghĩ và hành động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh.

Do đó, tỉnh cần không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt chính sách tôn giáo, tín ngưỡng; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX và các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế nhanh và bền vững, không "hy sinh" tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển; đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Theo Thủ tướng, Hà Tĩnh cần khơi dậy và phát huy cao độ các giá trị truyền thống đoàn kết, lịch sử, văn hóa, cách mạng hào hùng của quê hương, ý chí tự lực, tự cường, cầu thị, ham học hỏi của con người Hà Tĩnh.

Tỉnh gìn giữ và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, nhất là các di tích cách mạng để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ; quan tâm đầu tư cho giáo dục và y tế, các chính sách xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người nghèo, trẻ em khó khăn, người yếu thế trong xã hội.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc; chủ động ứng phó, không để bị động, bất ngờ; giữ vững an ninh biên giới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, phát triển mạnh kinh tế đối ngoại; tăng cường hợp tác chặt chẽ với các tỉnh biên giới với Lào.

Trước mắt, tỉnh cần triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, đẩy mạnh tiêm chủng vaccine COVID-19, sớm hoành thành các mục tiêu Chính phủ đề ra; tập trung nguồn lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, kết nối các chuỗi cung ứng và thị trường, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu kinh tế-xã hội trong năm 2022 và thời gian tới.

Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại tại buổi nói chuyện với Đoàn cán bộ Hà Tĩnh năm 1966 tại Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đã căn dặn: “Hà Tĩnh phải làm sao cho tình hình nổi bật lên. Các đồng chí có làm được thế không? Làm được chứ? Miễn là lãnh đạo phải có quyết tâm, có tinh thần tự lực cánh sinh, biết lắng nghe ý kiến quần chúng”...

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước mong muốn và tin tưởng, với truyền thống văn hóa, cách mạng, ý chí kiên cường, vươn lên từ gian khó, Hà Tĩnh quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng.

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc “Vọng mãi lời Người” gồm 2 phần: Bác Hồ với Hà Tĩnh và Hà Tĩnh làm theo lời Bác, được xây dựng qua 10 tiết mục ca múa nhạc và nhiều phóng sự đan xen; khắc họa cuộc đời, sự nghiệp của Người và lòng biết ơn vô hạn của người dân Hà Tĩnh đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh ở thành phố Hà Tĩnh.

Thủ tướng và đoàn công tác tỏ lòng biết ơn vô hạn, lòng thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hòa bình, độc lập, tự do.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhớ về “tình sâu, nghĩa nặng” của Bác Hồ với Hà Tĩnh