Hiểu rõ vòng đời của mụn để trị mụn hiệu quả

10/11/2022 14:05

Các loại mụn khác nhau có thể trải qua các giai đoạn hình thành khác nhau. Tuy nhiên, hiểu rõ vòng đời phát triển của mụn sẽ giúp bạn xác định thời điểm “chín muồi” để loại bỏ mụn mà không để lại sẹo thâm.



1. Nguyên nhân hình thành mụn


Mụn bao gồm các loại mụn không viêm (như mụn đầu đen, mụn trứng cá) và mụn viêm (như mụn sẩn, mụn mủ và mụn nang). Quá trình hình thành mụn có thể bắt đầu trước khi chúng xuất hiện rõ ràng vài tuần, thậm chí lâu hơn. ‏

‏Trong một chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống, BS. Nguyễn Vân Anh, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, hầu hết các nốt mụn hình thành do tích tụ, tắc nghẽn bã nhờn, tế bào chết… khiến cho vi khuẩn sinh sôi, dẫn đến nổi mụn.‏

‏Ngoài ra, một số yếu tố góp phần kích thích sản sinh mụn bao gồm nội tiết tố, di truyền, chăm sóc da không đúng cách, lối sống sinh hoạt, môi trường…

2. Vòng đời của mụn

‏Nhìn chung vòng đời của mụn được chia thành 3 giai đoạn:‏

‏Giai đoạn 1

Theo thời gian, nếu không làm sạch da đúng cách, bã nhờn cũng như tế bào chết dần tích tụ trong lỗ chân lông hình thành các nốt mụn li ti sâu trong da. Tại thời điểm, các nốt mụn đã chính thức hình thành khi:‏

Mụn đầu đen: Khi tiếp xúc với không khí, quá trình oxy hóa khiến mụn có màu sẫm đặc trưng.‏

‏Mụn đầu trắng: Các nốt mụn này thường được bao bọc bởi một lớp da mỏng và có màu trắng ở đầu.‏

‏Giai đoạn 2‏

‏Ở giai đoạn này, các vi khuẩn sẽ hình thành các vết sần trên bề mặt da, kèm theo tình trạng mẩn đỏ và gây đau. Lúc này, các tế bào bạch cầu tập trung tại khu vực này để tiêu diệt vi khuẩn gây mụn. Trên thực tế, không phải tất cả các loại mụn đều phát triển đến giai đoạn này trong vòng đời, tuy nhiên một số các dạng mụn có thể gặp như:‏

‏Mụn đỏ sưng tấy;‏

Mụn mủ sưng đỏ với phần nhân ở giữa có màu trắng chứa dịch mủ;‏

Mụn ẩn sâu, nằm dưới bề mặt da…

Giai đoạn 3‏

‏Khi tình trạng nhiễm trùng thuyên giảm, các vết sưng mụn sẽ đóng vảy và có thể để lại sẹo. Tuy nhiên theo thời gian, các tế bào mới sẽ đẩy các tế bào thâm sạm ra ngoài, từ đó giúp sẹo mờ dần. Quá trình phục hồi da có thể kéo dài từ 4 - 6 tháng.‏

3. Khi nào nên nặn mụn?

‏Nặn mụn không đúng cách có thể khiến tình trạng tồi tệ hơn và dễ bị sẹo thâm. Theo đó, một trong sai lầm phổ biến mà chị em thường mắc là nặn mụn quá sớm. ‏

‏Khi nốt mụn chưa hình thành nhân mụn, tốt nhất không nên cố gắng nặn nó ra. Phần lớn các trường hợp cố nặn mụn khi các nốt mụn chưa chín đều tạo thành sẹo. Bạn chỉ nên nặn mụn khi thấy chúng đã hình thành đầu trắng hoặc vàng, khô và lỗ chân lông không còn sưng đỏ.‏

‏Lưu ý trước khi nặn mụn cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng. Bạn nên quấn gạc vô khuẩn quanh phần đầu ngón tay để nặn mụn nhẹ nhàng. Sau đó, có thể sử dụng nước muối sinh lý pha loãng để hạn chế vi khuẩn xâm nhập vào các vùng da đang có tổn thương.‏

‏Nếu da bạn gặp phải tình trạng mụn phức tạp hoặc không tự tin nặn mụn tại nhà, bạn nên tìm đến bác sĩ da liễu để được điều trị đúng cách và hiệu quả nhất.

Theo Sức khỏe và Đời sống

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiểu rõ vòng đời của mụn để trị mụn hiệu quả