Cách chăm sóc da chân mềm mại

02/10/2022 06:09

Da bàn chân khô cứng là vấn đề nhiều người gặp phải. Điều này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như thiếu độ ẩm, di chuyển nhiều trên giày dép không phù hợp, quá trình lão hóa…

Da khô nứt nẻ thường xuất hiện ở gót chân, hai bên bàn chân và giữa các ngón chân khiến bạn cảm thấy ngứa, căng, thậm chí đau.

Thực hiện các bước chăm sóc da đơn giản không chỉ giúp cải thiện tình trạng da chân khô cứng mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như thư giãn, giảm nhức mỏi…

1. Ngâm chân

‏Ngâm chân trong nước ấm giúp làm mềm da đồng thời cải thiện lưu thông máu đến chân, mang lại cảm giác thư giãn sau một ngày hoạt động. ‏

‏Bạn có thể ngâm chân trong nước ấm với muối hoặc thảo dược vừa có tác dụng thư giãn vừa hỗ trợ điều trị các triệu chứng nhẹ của bệnh nấm da chân, mùi hôi chân…‏

2. Cắt bỏ vết chai sần và móng chân

‏Sau khi ngâm chân trong nước ấm, bạn có thể dùng cây giũa để nhẹ nhàng làm giảm các vết chai sần. Loại bỏ vết chai có thể giúp ngăn ngừa hình thành các vết nứt. Điều này không chỉ gây đau và chảy máu mà có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên, không nên cắt hoặc mài da quá sâu. ‏

‏Ngoài ra, nên cắt giữa móng chân mỗi tuần một lần. Để móng chân quá dài sẽ có nguy cơ móng chân mọc ngược vào trong. Khi cắt tỉa móng, bạn đừng nên cắt móng chân quá ngắn vì có thể gây đau và tổn thương cho móng chân. ‏

‏Ngâm chân trong nước ấm giúp làm mềm da đồng thời cải thiện lưu thông máu đến chân

3. Tẩy da chết

‏Theo thời gian, tế bào chết sẽ tích tụ, tạo thành các mảng dày và bong tróc trên bàn chân. Đặc biệt, ở gót chân, những vùng da khô có thể trở nên dày hoặc nứt nẻ khiến việc đi lại trở nên khó khăn hoặc không thoải mái.

Bạn có thể sử dụng chất tẩy da chết vật lý hoặc hóa học để loại bỏ đi lớp tế bào chết trên bề mặt da. Bạn có thể mua hỗn hợp tẩy tế bào chết cho chân hoặc tự làm tại nhà bằng cách trộn hỗn hợp mật ong đường.‏

‏‏Sản phẩm tẩy da chết hóa học thường có kết cấu giống như kem dưỡng, chứa các thành phần giúp hòa tan các tế bào chết trên bề mặt da như axit glycolic… Nếu có làn da nhạy cảm, bạn nên kiểm tra các thành phần trong sản phẩm trước khi mua.Các sản phẩm chứa mùi hương nhân tạo hoặc cồn dễ có khả năng gây kích ứng.‏

Tẩy da chết giúp loại bỏ lớp da chết trên bề mặt bàn chân.‏

4. Massage bàn chân

‏Massage chân trong 10-20 phút mỗi ngày có thể giúp giải tỏa căng thẳng và giảm nhức mỏi. Các bước thực hiện massage chân như sau:‏

‏Bắt đầu xoa bóp theo vòng tròn từ các ngón chân đến phần mắt cá chân và ngược lại.‏

Bạn massage nhẹ nhàng từng ngón chân, bắt đầu từ ngón út tới ngón cái bằng cách xoa bóp từ gốc đến đầu ngón chân. Khi đã đến đầu ngón chân, bạn dùng tay xoay ngón chân một vòng. Sau đó, bạn nhẹ nhàng kéo ngón chân.‏

‏Luồn bốn ngón tay vào bốn kẽ chân rồi di chuyển tay qua lại từ từ.‏

‏Dùng ngón tay cái thực hiện các chuyển động tròn rồi vuốt các đường thẳng lên xuống ở lòng bàn chân.‏

‏5. Thoa dưỡng ẩm chăm sóc da chân‏

‏Sử dụng kem dưỡng ẩm cho da bàn chân để có đôi chân mềm mại. Bạn có thể sử dụng dầu dừa với nhiều tác dụng như kháng khuẩn và kháng nấm tự nhiên để dưỡng ẩm cho da chân mềm mại, đồng thời giúp cho vết nứt mau lành…‏

‏Sau khi dưỡng ẩm cho chân hãy mang tất cotton để không làm trôi sản phẩm dưỡng ẩm và giảm nguy cơ trơn trượt.

Theo Sức khỏe và Đời sống

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách chăm sóc da chân mềm mại