Vi phạm trên hệ thống Bắc Hưng Hải ngày càng lớn

24/10/2021 14:31

Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đang bị "bức tử" bởi những công trình vi phạm như nhà kiên cố, nhà tạm, lều quán, san lấp, đào ao, lập vườn...


Khu vực bãi ngoài kênh Cửu An thuộc xã Tân Phong (Ninh Giang) đang tồn tại vi phạm nghiêm trọng của hộ ông Đoàn Văn Bao

Điều đáng nói là rất ít vi phạm được xử lý triệt để, thậm chí có vi phạm càng kéo dài thời gian xử lý lại càng phình to hơn. 

Là công trình thủy lợi đầu mối, huyết mạch nhưng hệ thống Bắc Hưng Hải đang bị "bức tử" bởi những vi phạm khủng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng lực tưới tiêu và tuổi thọ của công trình.

Cố tình

Phạm vi bảo vệ bờ kênh Kim Sơn đoạn qua thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hưng (Bình Giang) bị xâm chiếm để làm nhà xưởng sản xuất. Công trình kiên cố này do ông Phạm Khắc Thành ở khu 4, thị trấn Kẻ Sặt tự ý xây dựng bằng khung sắt, mái tôn với diện tích hơn 400 m2, cách bờ kênh chỉ 4 m. Đây là vi phạm lớn, gây bức xúc trong dư luận, đe dọa trực tiếp tới an toàn của dòng kênh. Công trình to chình ình, nằm án ngữ trong hành lang bảo vệ bờ kênh, gây ra nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là trong mùa mưa bão. Dù được phát hiện, lập biên bản từ tháng 6.2020 nhưng đến nay công trình không những không được xử lý mà vẫn tiếp tục được hoàn thiện, bất chấp quy định của pháp luật. 

Cách đó không xa là vi phạm của ông Phạm Văn Việt ở khu Trung, thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) thuộc bờ hữu kênh Kim Sơn. Thay vì xâm chiếm hành lang, ông Việt san lấp mặt bằng, xây tường bao lấn ra lòng kênh, gây cản trở dòng chảy. Hành vi của ông Việt được kiểm tra, phát hiện từ tháng 12.2020, phối hợp xử lý trong tháng 1.2021. Tuy nhiên, đến hiện tại, ông Việt vẫn chưa tự giác chấp hành tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng dòng kênh.

Điều đáng nói trước khi phát sinh vi phạm của ông Việt thì tại khu vực này đã tồn tại vi phạm của hộ ông Phạm Duy Đoạt, cũng ở thị trấn Kẻ Sặt. Ông Đoạt đã tự ý hạ thấp bờ kênh, đóng cọc lấn chiếm 240 m2 đất thuộc phạm vi bảo vệ bờ kênh. Vi phạm này vừa mới được giải tỏa thì nhà ông Việt lại có hành vi lấn chiếm.

Theo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, hiện trên địa bàn Hải Dương đang tồn tại hơn 1.100 vi phạm công trình này. Các vi phạm chủ yếu là làm nhà kiên cố, xây nhà tạm, lều quán, san lấp, đào ao, lập vườn… Hành vi xâm chiếm bờ kênh Bắc Hưng Hải ngày càng nghiêm trọng về quy mô và mức độ. Các tổ chức, cá nhân ngang nhiên lấn chiếm, tự ý sử dụng đất công trình thủy lợi phục vụ mục đích riêng.


Gia đình ông Phạm Khắc Thành làm nhà xưởng rộng hơn 400 m2 trong hành lang bảo vệ bờ kênh Kim Sơn

Xử lý dây dưa

Đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản, làm việc giữa các bên để thống nhất phương án xử lý nhưng vi phạm trên tuyến kênh Cửu An của hộ ông Đoàn Văn Bao ở thôn Hữu Chung, xã Tân Phong (Ninh Giang) vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Ông Bao đã đóng cọc bê tông xuống lòng kênh, đổ dầm trên đỉnh cọc làm kè chắn, làm sân để dựng trạm trộn bê tông. Tất cả việc làm vi phạm này phục vụ kinh doanh bến thủy nội địa vẫn chưa được cấp phép của gia đình ông. Ngoài ra, cũng ở khu vực này, ông Bao còn xây dựng căn nhà 3 tầng kiên cố. Chưa bàn đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở cho ông Bao xây nhà ngoài bờ kênh là đúng hay sai thì làm nhà trong phạm vi bảo vệ bờ kênh đã vi phạm nghiêm trọng Luật Thủy lợi. Được phát hiện từ sớm song không được giải quyết triệt để đã tạo điều kiện cho chủ thể vi phạm lén lút hoàn thiện công trình và đến giờ, việc xử lý rất khó khăn.

Theo quy định, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải là đơn vị quản lý, vận hành công trình, còn việc xử lý vi phạm lại thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Để khắc phục vi phạm cần có sự phối hợp kịp thời giữa các bên, nếu chậm trễ sẽ gây hậu quả lớn. Thực tế cho thấy rất ít vi phạm được xử lý triệt để, thậm chí có vi phạm càng kéo dài thời gian xử lý lại càng phình to hơn. Theo ông Nguyễn Gia Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, trách nhiệm của công ty là kiểm tra, phát hiện, thông báo tới chính quyền địa phương vi phạm phát sinh trên hệ thống và giám sát quá trình xử lý. Các biện pháp áp dụng xử lý do chính quyền các cấp quyết định. Vì thế, phía công ty quyết liệt là chưa đủ mà chính quyền địa phương cũng phải ráo riết. Có như vậy mới xử lý được vi phạm, giữ vững kỷ cương, bảo vệ được công trình thủy lợi.

Theo thời gian, hệ thống Bắc Hưng Hải đã dần xuống cấp. Dù là công trình nội đồng nhưng theo đánh giá sự cố trên kênh Bắc Hưng Hải nguy hiểm và nghiêm trọng tương đương với đê sông ngoài. Việc phát hiện, ngăn chặn vi phạm, nhất là những vi phạm lớn ảnh hưởng tới an toàn bờ kênh phải được quan tâm xử lý dứt điểm, nghiêm minh tránh tình trạng phạt để tồn tại dẫn tới nhờn luật.

NGUYỄN ÐỖ

(0) Bình luận
Vi phạm trên hệ thống Bắc Hưng Hải ngày càng lớn