Rủi ro từ những doanh nghiệp dừng hoạt động

16/08/2022 06:16

Doanh nghiệp dừng hoạt động, chủ doanh nghiệp "bỏ của, chạy lấy người" không những ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước mà còn ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, cho thuê nhà xưởng.

Năm 2021, Công ty TNHH Dệt may Wanda là 1 trong 2 doanh nghiệp ở khu công nghiệp Phú Thái (Kim Thành) chưa thực hiện nghĩa vụ thuế khi dừng hoạt động, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan (ảnh do Chi cục Hải quan Hải Dương cung cấp)


Do đại dịch, một số doanh nghiệp chế xuất, gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu trong tỉnh dừng hoạt động. Do thiếu hiểu biết pháp luật hoặc cố ý, chủ đầu tư đã bỏ về nước để lại nguyên liệu, thiết bị, có trường hợp tẩu tán nguyên liệu, thiết bị trước khi về nước, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan. 

“Chạy lấy người”

Công ty TNHH Dệt may Wanda được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu tháng 6.2018, thay đổi lần thứ hai tháng 6.2019, chuyên sản xuất vỏ gối, vỏ ga xuất khẩu; nhà xưởng đặt tại khu công nghiệp (KCN) Phú Thái (Kim Thành). Sau nhiều tháng không phát sinh hoạt động xuất khẩu, công ty này vào danh sách rủi ro của Chi cục Hải quan Hải Dương. Đầu năm 2021, thông qua sự phối hợp với đơn vị xuất nhập cảnh Bộ Công an, Chi cục Hải quan Hải Dương xác định chủ đầu tư công ty đã rời khỏi Việt Nam và chưa quay lại.

Doanh nghiệp này chưa thực hiện nghĩa vụ thuế với tổng số tiền gần 717 triệu đồng. Qua kiểm tra, Chi cục Hải quan Hải Dương xác định trị giá máy móc, công cụ, dụng cụ công ty này gần 4,5 tỷ đồng, trị giá nguyên liệu hơn 896 triệu đồng. Doanh nghiệp chưa thực hiện việc thanh quyết toán với cơ quan hải quan trước khi đóng cửa, dừng hoạt động. Toàn bộ máy móc, nguyên liệu, hàng hóa tồn đọng hiện bị Chi cục Hải quan Hải Dương tạm thời niêm phong để phối hợp các cơ quan chức năng tiến hành xử lý theo quy định.

Cũng tại KCN Phú Thái, Công ty TNHH Shop Vac Việt Nam với 100% vốn Hồng Kông (Trung Quốc), được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu tháng 5.2013, thay đổi lần thứ ba vào tháng 7.2019 để thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất máy hút bụi, động cơ, túi lọc và các bộ phận máy hút bụi, phụ kiện. 

Là doanh nghiệp có hoạt động sản xuất hàng hóa xuất khẩu nên hệ thống máy móc, công cụ, dụng cụ, nguyên liệu được hưởng ưu đãi thuế quan trong thời gian hoạt động. Cuối tháng 9.2020, công ty này dừng hoạt động, kéo theo đó là hàng loạt hệ lụy đối với người lao động, các cơ quan bảo hiểm… trong đó có vấn đề quyết toán và thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hàng hóa nhập khẩu đã được hưởng ưu đãi thuế quan.

Theo số liệu từ Chi cục Hải quan Hải Dương, trị giá máy móc, công cụ, dụng cụ, nguyên liệu phục vụ sản xuất của công ty này tồn đọng tại thời điểm kiểm tra cuối năm 2020 là gần 175 tỷ đồng, trị giá nguyên liệu hơn 120 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nhập khẩu, thuế VAT tương ứng với hàng hóa nhập khẩu này khoảng 42,5 tỷ đồng. Toàn bộ nghĩa vụ thuế này đến nay công ty chưa thực hiện. Thông qua Bộ Công an, Chi cục Hải quan Hải Dương cũng xác định chủ đầu tư, tổng giám đốc doanh nghiệp là người nước ngoài đã bỏ về nước và chưa quay trở lại. 

Tăng cường quản lý hải quan qua hệ thống phần mềm để xác định, nhận diện sớm những doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan


Ngăn chặn sớm

Theo Chi cục Hải quan Hải Dương, năm 2021 có gần 50 doanh nghiệp nằm trong danh sách doanh nghiệp rủi ro là những đơn vị hoạt động sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhưng thời gian dài không phát sinh tờ khai xuất khẩu. 20% trong số đó là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Từ đầu năm đến hết tháng 7.2022, có thêm 44 doanh nghiệp, trong đó có 7 doanh nghiệp FDI.

Ông Đinh Xuân Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hải Dương nhận định các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm hải quan không những ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước mà còn ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, cho thuê nhà xưởng. “Như đối với KCN Phú Thái, chủ đầu tư hạ tầng KCN này phải dựng nhà kho để niêm phong máy móc, thiết bị, nguyên liệu của 2 doanh nghiệp nói trên nhằm phối hợp quản lý”, ông Vinh nói.

Trong 44 doanh nghiệp có dấu hiệu dừng hoạt động năm 2022, 2 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Vina Ilshin Tech và Công ty TNHH SY Global Vina đã dừng hoạt động nhưng chưa trả mặt bằng thuê tại KCN Đại An mở rộng. Do đây là 2 doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc nên Chi cục Hải quan Hải Dương đã có văn bản gửi Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam để phối hợp liên hệ chủ đầu tư, người đại diện theo pháp luật đến hoàn thiện thủ tục thanh quyết toán với cơ quan hải quan. 

Để ngăn chặn sớm nguy cơ vi phạm hải quan từ những doanh nghiệp có dấu hiệu, công tác quản lý qua hệ thống phần mềm được nhận định là biện pháp tối ưu. “Thông qua hệ thống phần mềm hỗ trợ công tác quản lý hải quan, cơ quan hải quan có thể xác định, phát hiện các doanh nghiệp không phát sinh hoạt động mở tờ khai trong từng tháng, từng quý. Căn cứ vào đó, cơ quan hải quan có thể tiến hành kiểm tra, khảo sát trực tiếp tại từng doanh nghiệp”, ông Vinh thông tin.

Ngoài ra, Chi cục Hải quan Hải Dương đã gửi văn bản đến các chủ đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp cho thuê nhà xưởng tại các khu, cụm công nghiệp. Qua đó xây dựng cơ chế phối hợp thông tin về những doanh nghiệp có ý định chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng nhà xưởng; có dấu hiệu, có kế hoạch dừng sản xuất, dừng hoạt động; di chuyển máy móc, thiết bị ra khỏi nhà xưởng. Tuyên truyền, yêu cầu các chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp trước khi đóng cửa dừng hoạt động phải thực hiện thanh quyết toán và hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước, qua đó bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về hải quan trên địa bàn tỉnh, tránh việc vô ý vi phạm do nhận thức pháp luật chưa đầy đủ. “Trường hợp cố tình vi phạm, nếu có dấu hiệu tội phạm, cơ quan hải quan sẽ phối hợp các cơ quan chức năng xem xét khởi tố về hành vi trốn thuế theo quy định của Bộ luật Hình sự”, ông Vinh nói thêm.

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Rủi ro từ những doanh nghiệp dừng hoạt động