Ngân hàng đang cần tiền

21/12/2021 14:34

Sau thời gian dài dư thừa thanh khoản, các nhà băng đang bước vào giai đoạn căng thẳng tạm thời khiến lãi suất cho vay liên ngân hàng và lãi suất huy động tăng mạnh.

Nhiều ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất huy động dịp cuối năm với khách hàng cá nhân

Bước vào giai đoạn cao điểm thanh toán và tín dụng cuối năm, diễn biến thị trường tiền tệ cho thấy các ngân hàng đang có xu hướng căng thẳng tạm thời về thanh khoản khi không còn được Ngân hàng Nhà nước bơm tiền như trước.

Cụ thể, báo cáo phân tích thị trường tiền tệ trái phiếu tuần 13-17.12 của Trung tâm Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research cho biết trong tuần qua, NHNN tiếp tục không phát sinh giao dịch mới thông qua cả thị trường mở và mua ngoại tệ giao ngay.

Đây là 2 nghiệp vụ thường được cơ quan quản lý tiền tệ sử dụng để điều tiết tiền Đồng trong hệ thống các ngân hàng trước đó. Tuần giao dịch vừa qua cũng là tuần thứ 3 liên tiếp NHNN dừng bơm tiền Đồng vào thị trường.

Trong khi đó, các ngân hàng bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm thanh toán và tín dụng.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay tuần vừa qua đã tăng mạnh 0,16-0,47 điểm % so với tuần trước ở hầu hết kỳ hạn. Chốt tuần, lãi suất cho vay qua đêm giữa các nhà băng ở mức 0,86%/năm, tăng 0,16 điểm %; cho vay 1 tuần ở 1,1%/năm, tăng 0,31 điểm %.

Xét trên biểu đồ hàng hàng tuần, đây là mức lãi suất cho vay cao nhất kể từ tháng 8 đến nay.

Ngoài tăng lãi suất cho vay liên ngân hàng, việc cần tiền đã khiến một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng mạnh biểu lãi suất huy động cá nhân.

Trong đó, mức tăng phổ biến trong khoảng 0,1-0,5 điểm % so với tháng 11, chủ yếu xảy ra ở các ngân hàng thương mại tư nhân như Techcombank, OCB, DongABank, NamABank, VietBank… nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi của dân cư để đảm bảo hoạt động cho vay cũng như nhu cầu khách hàng giai đoạn cuối năm.

Cụ thể, biểu lãi suất huy động vốn khách hàng cá nhân mới nhất của Techcombank áp dụng từ 15.12 ghi nhận mức tăng 0,25-0,4 điểm % so với tháng trước ở tất cả kỳ hạn. Nếu tính riêng năm 2021, đây là đợt tăng lãi suất mạnh nhất của nhà băng này.

Tương tự, biểu lãi suất tiền gửi áp dụng từ ngày 8.12 của GPBank cũng ghi nhận mức tăng đồng loạt 0,3 điểm % so với tháng 11. Đáng chú ý, biểu lãi suất tháng 11 của nhà băng này cũng đã tăng 0,3 điểm % so với tháng 10 trước đó.

NamABank cũng mới công bố biểu lãi suất huy động từ 15.12 với lãi suất cao nhất lên tới 7,4%/năm, áp dụng với kỳ hạn trên 16 tháng, tăng 0,3 điểm % so với tháng trước.

Tuy lãi suất tăng đồng loạt tại nhiều ngân hàng, các chuyên gia phân tích cho rằng xu hướng này chỉ mang tính cục bộ, đặc biệt trong bối cảnh sức hấp dẫn của kênh tiền gửi vẫn đang thấp hơn so với các kênh đầu tư khác.

Số liệu cập nhật từ NHNN cho thấy tăng trưởng tiền gửi từ khu vực dân cư vẫn đang có xu hướng giảm mạnh, trung bình tăng khoảng 4% trong năm nay, thấp hơn mức 7,5% của năm 2020.

Tương tự, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán VCBS cho rằng lãi suất huy động tăng gần đây là do nhiều ngân hàng được nới room tín dụng và chỉ còn 1 tháng cuối năm để giải ngân. Điều này đã tạo áp lực tăng lãi suất ngắn hạn để chuẩn bị đủ vốn cho vay.

Trong năm 2022, VCBS cho rằng áp lực tăng lãi suất sẽ không quá lớn. Lý do cho quan điểm này là thanh khoản ngân hàng vẫn được hỗ trợ mạnh từ hoạt động mua ngoại tệ của NHNN thời gian qua. Trong đó, lượng tiền Đồng được bổ sung vào hệ thống ngân hàng ở nửa cuối năm nay theo kênh này ước tính vào khoảng 200.000-300.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn ở mức an toàn nên các ngân hàng chưa có áp lực tăng mạnh tiền gửi để đáp ứng các chỉ số này.

Theo Zing

(0) Bình luận
Ngân hàng đang cần tiền