Hải Dương phát triển rừng sản xuất theo hướng bền vững

28/11/2022 14:00

Nhận thức rõ vai trò của rừng sản xuất trong phát triển kinh tế và cân bằng môi trường sống, cơ quan quản lý, người nhận khoán ở Hải Dương đang nỗ lực phát triển loại rừng này.

Anh Nguyễn Thế Thuỷ trồng hơn 16 ha bạch đàn cao sản trên diện tích rừng sản xuất mà gia đình nhận khoán

Mới vài năm trước, khu đất lâm nghiệp rộng hơn 16 ha ở thôn Trung Quê, xã Lê Lợi (Chí Linh) chỉ là vùng rừng sản xuất nghèo kiệt nhưng hiện tại đã thành vạt bạch đằng cao sản xanh tốt, hứa hẹn cho giá trị kinh tế cao. Anh Nguyễn Thế Thuỷ, chủ rừng cho hay trồng rừng chỉ vất vả giai đoạn đầu, bẵng đi vài năm là có cả gia tài. Những năm gần đây công nghiệp chế biễn gỗ khởi sắc, nhu cầu sử dụng cây lấy gỗ tăng cao nên người dân không phải lo đầu ra.

“Mỗi ha bạch đàn cao sản chỉ mất 20 triệu đồng chi phí ban đầu, sau 4-5 năm sẽ thu về hơn 100 triệu đồng mà không phải lo sâu bệnh, tiền phân bón và công chăm như con mọn giống cấy lúa, trồng màu. Trong khi đó lại có thể tận dụng cây tái sinh từ 2-3 lần”, anh Thuỷ nhẩm tính.

Cán bộ Ban Quản lý rừng thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng sản xuất cho các hộ dân

Mặc dù có diện tích rừng sản xuất không nhiều, chỉ khoảng 250 ha song thời gian qua thị xã Kinh Môn rất chú trọng cải tạo và phát triển loại rừng này. Do đặc thù phân tán, nằm sát khu dân cư nên rừng sản xuất tại đây thường được trồng cây tạp, ít có lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, gần đây người dân đã bắt đầu chú tâm đầu tư, tìm nguồn lợi từ cây lấy gỗ.

Ông Nguyễn Văn Thụ, Trạm trưởng Trạm Quản lý rừng Kinh Môn cho biết đơn vị đang phối hợp tích cực với Hạt Kiểm lâm, chính quyền địa phương vận động hộ nhận khoán tập trung phát triển kinh tế từ rừng sản xuất. Ngoài tư vấn về cây giống, kỹ thuật trồng, trạm còn đồng hành cùng người dân để cây sinh trưởng tốt. Đồng thời tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để hộ nhận khoán chuyển hướng sản xuất, loại bỏ cây ăn quả để tập trung phát triển cây rừng.

Hải Dương có khoảng 3.500 ha rừng sản xuất, chủ yếu trồng bạch đàn cao sản và keo tai tượng. Thời gian trước, các hộ nhận khoán ít quan tâm, đầu tư cho rừng sản xuất. Rừng chỉ trồng rải rác cây lấy gỗ song không chú ý tới kỹ thuật chăm sóc nên cây phát triển còi cọc, khó thu lợi. Thậm chí, có hộ còn tự ý chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng cây ăn quả sai quy định. Vài năm trở lại đây, được cơ quan chuyên môn tích cực vận động, tuyên truyền và nhiệt tình hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây lấy gỗ, bà con đã thay đổi tư duy, thói quen sản xuất. Vì vậy, các đồi rừng sản xuất được phủ xanh, không còn tình trạng đất trống đồi trọc như trước.

 Bạch đàn cao sản là loại cây được trồng nhiều tại diện tích rừng phục vụ sản xuất

Theo ông Phạm Quang Trưởng, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng cho biết qua khảo sát, tỉnh có một số vùng rừng sản xuất chỉ có cây bụi, đất sỏi khô cằn, vừa gây lãng phí tài nguyên, vừa tác động tiêu cực tới môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Xác định phải gây dựng vành đai xanh từ rừng sản xuất, ban đã tham mưu, lựa chọn cây giống phù hợp với chất đất, cùng người dân xây dựng kế hoạch trồng rừng hiệu quả, tiết kiệm. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn, hầu hết diện tích rừng sản xuất của tỉnh đã mang diện mạo mới. Người dân chỉ phát triển bền vững loại rừng này khi nhìn thấy được nguồn lợi to lớn do rừng sản xuất mang lại. Do đó, bên cạnh việc chăm sóc cần quan tâm bảo vệ rừng sản xuất trước mối lo cháy rừng, nhất là trong mùa hanh khô như hiện nay.

PV

(0) Bình luận
Hải Dương phát triển rừng sản xuất theo hướng bền vững