Dè dặt kinh doanh thời Covid-19

13/10/2021 15:40

Dù được mở cửa trở lại nhưng nhiều cơ sở kinh doanh vẫn không dám nhập nhiều nguyên liệu, hàng hóa để bán. Không ít cửa hàng đã thay đổi để thích ứng, duy trì hoạt động.


Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động cầm chừng vì lo ngại dịch Covid-19

Mặc dù phần lớn các dịch vụ kinh doanh đã được mở cửa hoạt động trở lại nhưng những người kinh doanh vẫn còn ngần ngại, lo lắng trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19.

Lo lắng

Những năm trước, thời tiết chuyển mùa cũng là lúc chị Phạm Thị Nhung ở phường Việt Hòa (TP Hải Dương) nhập thêm nhiều quần áo thu đông phục vụ khách hàng. Thế nhưng năm nay, thời điểm này chị vẫn còn chần chừ, hàng nhập về rất ít. Điều chị Nhung lo lắng nhất hiện nay là nếu không may dịch Covid-19 lại tiếp tục xảy ra trên địa bàn, cửa hàng phải tạm đóng cửa, hàng hóa nhập về sẽ không bán được. Ngoài ra, hàng hóa năm nay có dấu hiệu tiêu thụ chậm hơn nhiều so với năm trước. "Kinh tế khó khăn, thu nhập của nhiều người bị giảm nên mua sắm hạn chế. Có ngày tôi chỉ bán được vài ba sản phẩm. Từ đầu năm đến nay, cửa hàng cũng mấy lần phải tạm đóng cửa nên vốn không còn để cùng lúc lấy nhiều hàng hóa. Trong khi đó, quần áo kinh doanh theo mùa, nếu nhập nhiều không bán hết để sang năm khó bán vì lỗi mốt", chị Nhung cho biết.

Kinh doanh nhà hàng lâu năm nhưng chưa khi nào anh Nguyễn Tiến Sang, quản lý nhà hàng Thuận Lan (Kinh Môn) lại thấy khó khăn như hiện nay. Theo anh Sang, nếu trước đây mỗi ngày cửa hàng phục vụ 200-300 lượt khách thì nay đã giảm mạnh. Lượng khách đến ăn tại quán rất ít, chủ yếu đặt hàng mang về nhưng cũng thất thường. Vì thế khi chuẩn bị thực phẩm, nhà hàng không dám mua nhiều sợ tiêu thụ không hết. "Mỗi ngày chúng tôi chỉ làm từ 1-2 con dê, ngày cuối tuần hoặc ngày lễ chuẩn bị nhiều hơn một chút. Chúng tôi phải tính toán để thực phẩm không bị thừa vì nếu để hôm sau ăn sẽ không ngon, làm mất uy tín nhà hàng", anh Sang nói.

Dịch bệnh đã tác động đến nhiều người kinh doanh, nhất là những người buôn bán các mặt hàng không thiết yếu như quần áo, đồ nội thất... Nhiều người hiện không dám nhập nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu vì đã cạn vốn và lo ngại dịch bệnh tiếp tục bùng phát. Thêm nữa lượng khách hàng mua sắm, ăn uống chưa đông cũng khiến các cơ sở kinh doanh dè dặt.


Nhiều cửa hàng quần áo không dám nhập nhiều hàng vì lo ngại dịch diễn biến phức tạp, lượng người mua giảm

Đa dạng hình thức bán hàng

Để thích ứng với khó khăn, nhiều đơn vị, cửa hàng kinh doanh đã có những thay đổi để duy trì hoạt động.

Vốn là cơ sở sản xuất kết hợp kinh doanh đồ gỗ nội thất lớn ở thôn Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng), chưa bao giờ anh Vũ Xuân Thép, chủ xưởng sản xuất đồ gỗ Xuân Thép lại nghĩ mình sẽ bán hàng qua Facebook, thậm chí còn quay clip để giới thiệu hàng cho khách. Trước đây, hàng hóa của anh Thép chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và Lào, bán nội địa rất ít. Thế nhưng dịch Covid-19 ập đến khiến việc xuất khẩu gặp khó khăn. Hiện anh Thép chuyển hướng kinh doanh sang phục vụ khách nội địa là chủ yếu, nhất là khách trong tỉnh. "Chúng tôi đã sử dụng mạng xã hội giới thiệu hàng hóa với khách hàng. Thông qua các clip đăng trên mạng, có những khách hàng đến trực tiếp xem rồi mới mua hàng, nhưng cũng có người đặt thử 1-2 sản phẩm và sau đó tiếp tục đặt hàng với số lượng lớn. Từ khi dùng mạng xã hội, lượng tiêu thụ hàng hóa của chúng tôi cũng tăng lên đáng kể so với trước", anh Thép cho biết.

Quán cà phê của anh Nguyễn Thế Sơn ở thị trấn Phú Thái (Kim Thành) cũng kết hợp nhiều hình thức bán hàng. Ngoài việc kinh doanh tại quán, anh còn giao hàng tận nhà. Mặc dù thu nhập giảm do khách đến quán ít đi và chi phí tăng do phải thuê thêm người giao hàng nhưng anh Sơn cũng vui vẻ chấp nhận. "Dù khó khăn nhưng tôi thấy đây là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay vì chúng tôi bán được hàng mà vẫn bảo đảm phòng chống dịch", anh Sơn nói. Để khắc phục khó khăn trước mắt, vợ chồng anh Sơn đã giảm nhân viên, tự làm thêm nhiều công đoạn để giảm bớt chi phí.

Với sự linh hoạt trong làm ăn hiện nay, hy vọng các nhà hàng, cửa hàng kinh doanh sẽ vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi.

THANH HÀ

(0) Bình luận
Dè dặt kinh doanh thời Covid-19