Công nghệ thúc đẩy ngành bán lẻ

08/10/2021 14:30

Công nghệ và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ thời gian qua đã và đang giúp mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp, cơ sở bán lẻ ở tỉnh Hải Dương.


Nhiều doanh nghiệp, cơ sở tư nhân đã và đang ứng dụng thương mại điện tử, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường bán lẻ

Sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng đã giúp bán lẻ trực tuyến phát triển song song với bán lẻ truyền thống.

Cải thiện kinh doanh

Là một trong những doanh nghiệp xác định thương mại điện tử (TMĐT) là hướng phát triển tiềm năng, ngay từ năm 2016, Công ty CP Việt Hương (TP Hải Dương) đã xây dựng website giới thiệu và bán sản phẩm bánh đậu xanh mang thương hiệu Rồng vàng Việt Hương. Bà Khúc Hiệp Phương, Giám đốc công ty chia sẻ: “5 năm trước, kênh bán hàng trực tuyến thông qua website còn gặp nhiều hạn chế. Cũng vì thế, đơn vị chủ yếu sử dụng để quảng bá sản phẩm”.

Theo bà Phương, xu hướng tiêu dùng thông qua các trang TMĐT hay website của doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. “Nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, giãn cách xã hội khiến người tiêu dùng tìm đến kênh mua bán trực tuyến nhiều hơn. Nắm bắt xu thế đó, công ty đã triển khai quảng bá và bán sản phẩm trên một số sàn TMĐT như Postmart, Vỏ Sò. Nhờ đó, hiệu quả kinh doanh được cải thiện từng ngày. Thậm chí, nhiều dòng sản phẩm mới được sản xuất nhờ tìm ra nhu cầu của khách hàng thông qua TMĐT”, bà Phương thông tin. Đến nay, khoảng 50% sản phẩm của doanh nghiệp này được tiêu thụ qua kênh bán lẻ trực tuyến.

Đối với Công ty CP Phương Linh (TP Hải Dương), đơn vị phân phối các mặt hàng điện tử, việc phát triển TMĐT chủ yếu thông qua 2 nền tảng Zalo, Facebook. Ông Phạm Đăng Trường, Giám đốc công ty cho biết: “Bên cạnh việc ứng dụng phần mềm quản lý nhập-xuất hàng hóa, 70% hoạt động bán hàng trực tuyến được thực hiện qua Zalo, 20% thực hiện qua Facebook. Đây là những công cụ dễ sử dụng, hiệu quả cao”.

Theo nghiên cứu thị trường của công ty này, trung bình mỗi người dân sử dụng từ 3-5 tiếng/ngày cho các hoạt động trên không gian mạng, chủ yếu là truy cập Facebook và Zalo. “Việc phát triển thương mại điện tử giúp chúng tôi mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác mới dễ dàng hơn. Nhờ đó, hằng năm doanh thu tăng trưởng bình quân từ 10-12%", ông Trường nói thêm.

Không chỉ 2 đơn vị trên, ứng dụng TMĐT đã giúp nhiều doanh nghiệp cải thiện hiệu quả kinh doanh. Theo số liệu tổng hợp từ Cục Thống kê tỉnh, tỷ trọng ngành bán lẻ trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh tăng từ 3,43% năm 2018 lên 3,56% năm 2019 và 3,62% trong năm 2020. Dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng trong 9 tháng đầu năm tỷ trọng ngành bán lẻ trên địa bàn tỉnh vẫn đạt 3,56%, tương đương cùng kỳ năm 2020. Kết quả tích cực này không chỉ đến từ kênh bán lẻ truyền thống mà còn có sự đóng góp từ kênh bán lẻ trực tuyến đang dần phát triển, nhất là trong điều kiện có dịch Covid-19.


Không chủ động ứng dụng công nghệ, doanh nghiệp hay cơ sở thương mại tư nhân sẽ đối diện nguy cơ mất dần thị trường (ảnh minh họa)

Chủ động ứng dụng thương mại điện tử

Với mục tiêu đưa TMĐT trở thành một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15.5.2020 nhằm phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025. Về phía tỉnh, ngay sau khi có quyết định của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4604/KH/UBND về phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo ông Nguyễn Lương Ngọc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), Hải Dương đã và đang nỗ lực nhằm đưa TMĐT trở thành hoạt động phổ biến, được ứng dụng rộng rãi, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Đến nay, gần 100% trong tổng số hơn 2.000 doanh nghiệp thương mại và khoảng 20% trong số hơn 30.000 cơ sở bán lẻ đã ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, tăng khoảng 25% so với năm 2020; tốc độ ứng dụng công nghệ và TMĐT của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tăng trưởng bình quân khoảng 18% trong nhiều năm qua. Điểm nhấn rõ nét nhất có thể kể đến là việc lần đầu tiên quả vải Thanh Hà và nhiều nông sản khác lên sàn TMĐT, sự kiện đã tạo tiếng vang lớn không chỉ trong tỉnh mà trong cả nước và quốc tế.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ trong kinh doanh còn yếu đối với một số nhóm chưa có sự hỗ trợ của chính quyền. Ông Bùi Văn Dương, chủ cửa hàng Dương Lành ở phường Hoàng Tân (Chí Linh) chia sẻ: “Trình độ nhân viên tại các cửa hàng tư nhân còn nhiều hạn chế, kỹ năng sử dụng công nghệ yếu là rào cản trong phát triển TMĐT. Ngoài ra, cũng vì tính chất nhỏ lẻ của cơ sở tư nhân nên chi phí đầu tư cho TMĐT cũng là một trở ngại”.

Phát triển TMĐT là hướng đi tất yếu, tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm sao để phát triển TMĐT một cách đồng đều giữa cả khối doanh nghiệp lẫn cơ sở tư nhân. Hỗ trợ đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ, khuyến khích tiếp cận TMĐT được đánh giá là giải pháp hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) nhận định: “Dù nhiều đơn vị đã đưa sản phẩm, dịch vụ lên sàn TMĐT nhưng còn quá phụ thuộc vào đội ngũ kỹ thuật của đơn vị quản lý sàn. Từ việc xử lý hình ảnh cho đến quản trị nội dung để đưa lên sàn đều không tự thực hiện được. Đây là hạn chế rất lớn cần tháo gỡ nếu muốn phát triển TMĐT bền vững”.

Từ năm 2020 đến nay, 24 doanh nghiệp đã được hỗ trợ xây dựng phần mềm, thiết kế website thương mại điện tử; 50 doanh nghiệp được hỗ trợ xây dựng landing page (website độc lập phục vụ triển khai chiến lược marketing); 50 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tư nhân được hỗ trợ đưa thông tin sản phẩm, dịch vụ lên các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước và quốc tế như Alibaba, Lazada, Sendo, Vỏ Sò, Postmart...

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Công nghệ thúc đẩy ngành bán lẻ