[Audio] Gỡ bí cho doanh nghiệp từ 2 quyết sách tín dụng

28/05/2023 11:00

Việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất cho vay, gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ sẽ tác động tích cực đến cán cân tài chính của doanh nghiệp.

00:00


Giảm lãi suất là một trong những điều kiện góp phần kích thích nhu cầu tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn vay ngân hàng

Hạ lãi suất cho vay, gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ, đây là mong mỏi của rất nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế cũng như sự bó hẹp của nhu cầu thị trường.

Gánh nặng tiền vay

Đại dịch Covid-19 cơ bản đã qua song đến nay Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Hải Dương ở TP Hải Dương (taxi Mai Linh) vẫn chưa hoàn toàn lấy lại đà tăng trưởng. Theo đại diện hãng taxi này, từ đầu năm đến dịp nghỉ lễ 30.4-1.5, nhu cầu đi lại tăng khoảng 30% so với trước. Nghĩa là mỗi xe của hãng trung bình một ngày phục vụ 8 lượt khách, doanh thu bình quân 800.000 đồng/xe. Tuy nhiên 3 tuần trở lại đây, mùa “thấp điểm” bắt đầu. Nắng nóng, nhu cầu đi lại thấp nên doanh thu bình quân mỗi xe taxi của hãng này giảm 40% so với trước. Mùa "thấp điểm" này được dự báo kéo dài hết quý II.2023.

Ông Đỗ Viết Tuấn, Giám đốc doanh nghiệp này cho biết: “Tổng các khoản vay của chúng tôi tại các ngân hàng hiện gần 5 tỷ đồng, hơn 40% trong đó là vay vốn lưu động. Dù chúng tôi đã được điều chỉnh giảm lãi suất so với thời điểm tháng 11.2022 song áp lực lãi vay vẫn cao. Cũng vì thế chúng tôi chưa tiếp tục vay vốn mở rộng hoạt động”.

“Vay cũng khó, không vay càng khó”, đây là tình trạng chung của rất nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh (nói chung là doanh nghiệp) hiện nay. Tình trạng này kéo dài, nhất là từ đầu năm 2023 đến nay phản ánh về những khó khăn chung của doanh nghiệp. Các khoản tiền vay từ ngân hàng đã tạo ra áp lực không nhỏ đến cán cân tài chính của doanh nghiệp. 

Theo số liệu tổng hợp từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh, hết tháng 5, tổng dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng tại Hải Dương ước đạt 123.400 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối tháng 4, tăng nhẹ 0,2% so với cuối năm 2022. Mức tín dụng ngân hàng này được đánh giá là khiêm tốn.

Mức độ hấp thụ vốn vay ngân hàng yếu xuất phát từ nhu cầu vay vốn thấp. “Thị trường đầu ra bị bó hẹp khiến chúng tôi khó nắm chắc nguồn doanh thu như kế hoạch. Doanh nghiệp chỉ duy trì phần vốn vay ngân hàng nhất định, ngại vay thêm, một phần vì lãi suất vay vẫn đang ở mức cao. Nhưng lý do quan trọng hơn là lo ngại sẽ khiến điểm tín dụng của doanh nghiệp bị đánh tụt nếu không trả nợ đúng hạn. 


Gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ là mong mỏi của nhiều doanh nghiệp. Do đó các ngân hàng cần nhanh chóng triển khai (ảnh minh họa)

Điều doanh nghiệp mong mỏi

Quyết sách đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đó là giảm lãi suất điều hành từ 2 quyết định được ban hành trong tháng 3.2023. Khi giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại sẽ có cơ sở để giảm lãi suất cả đầu vào và đầu ra, tức là lãi suất huy động và cho vay.

Là ngân hàng thực hiện đợt giảm lãi suất cho vay lần thứ 5 kể từ đầu năm 2023 đến nay, Agribank đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ trung, dài hạn hiện hữu của khách hàng. Áp dụng từ ngày 15.5-30.9.2023. “Thực hiện quyết định giảm lãi suất từ hội sở chính, Agribank chi nhánh tỉnh Hải Dương đang khẩn trương rà soát các khoản vay của khách hàng để áp dụng ngay. Sau 5 lần giảm lãi suất cho vay từ đầu năm đến nay, các khoản vay tại Agribank hiện quanh mức 7,7%/năm đối với khoản ngắn hạn, từ 9%/năm đối với khoản vay trung, dài hạn. Thấp hơn trước từ 1-1,5%/năm”, ông Nguyễn Xuân Nghiễm, Trưởng Phòng Khách hàng hộ sản xuất và cá nhân, Agribank chi nhánh tỉnh Hải Dương thông tin.

Thực tế, lãi suất huy động ở các ngân hàng nói chung, tại Hải Dương nói riêng đã phần nào hạ nhiệt với mức giảm thêm từ 0,2-0,4%/năm ở một số kỳ hạn so với ít tháng trước. Song vẫn phổ biến xoay quanh mốc 7,2%/năm đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng, 7,5%/năm đối với các kỳ hạn trên 12 tháng. Nếu cộng thêm biên độ, mức lãi suất cho vay sẽ lên đến 10%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, đến 12%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn. Đây là những mức lãi suất cho vay tương đối cao với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Trong tình cảnh này, gia hạn và giữ nguyên nhóm nợ là mong mỏi của nhiều doanh nghiệp vì như đã phân tích, nếu không được gia hạn và bị chuyển sang nhóm nợ xấu, doanh nghiệp sẽ rất khó tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng dù có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. 

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 02 về giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ ngày 23.4.2023. Ngay sau quyết sách này, để có cơ sở giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ ngay khi khách hàng gửi yêu cầu, một mặt, các ngân hàng chờ hướng dẫn cụ thể từ hội sở chính để làm căn cứ triển khai đồng bộ toàn hệ thống. “Mặt khác, chúng tôi đang tiến hành rà soát toàn bộ danh sách khách hàng, nhất là khách hàng doanh nghiệp cũng như các khoản vay. Mục tiêu cao nhất là hỗ trợ kịp thời để khách hàng vượt qua khó khăn, từng bước kích cầu tín dụng thời gian tới”, giám đốc một ngân hàng thuộc nhóm Big 4 trong tỉnh cho biết.

Tuy nhiên theo một số ngân hàng, cần một lộ trình, khoảng thời gian nhất định, có thể từ 2-3 tháng nữa để thông tư nói trên thực sự tác động đến cán cân tài chính của doanh nghiệp một cách hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước trao quyền chủ động cho các ngân hàng trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng. Vì thế, các ngân hàng phải tính toán để phân loại nợ, cũng như áp dụng quy trình triển khai chặt chẽ.

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
[Audio] Gỡ bí cho doanh nghiệp từ 2 quyết sách tín dụng