Nhà hàng, quán ăn lỗ triền miên

10/09/2020 07:00

Mặc dù đã được mở cửa hoạt động trở lại nhưng phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống hiện nay đều gặp nhiều khó khăn do vắng khách, nhiều quán vẫn đóng cửa.


Hàng loạt nhà hàng, quán ăn trên đường Trường Chinh vẫn cửa đóng then cài

Khác với nhiều loại hình kinh doanh dịch vụ khác, thời điểm này, các nhà hàng, quán ăn ở TP Hải Dương hoạt động rất khó khăn, nhiều địa điểm đóng không được, mở chẳng xong.

Doanh thu giảm mạnh

Mặc dù đã được mở cửa kinh doanh trở lại nhưng phần lớn các cơ sở kinh doanh hàng ăn uống hiện nay đều gặp nhiều khó khăn do vắng khách. 

Là địa điểm ăn uống có tiếng ở TP Hải Dương, quán Hướng Dương trên đường Thanh Niên chuyên bán các món ăn chế biến từ chim, cò, gà ri. Nhà hàng hiện có 25 nhân viên phục vụ. Năm 2019, trung bình mỗi ngày nhà hàng này đón hàng trăm lượt khách với 30 - 40 bàn ăn. Từ ngày 1.9 đến nay, nhất là sau khi giãn cách xã hội được mở cửa trở lại lượng khách đặt hàng, đến ăn giảm mạnh. Mỗi ngày, nhà hàng chỉ có từ 2-3 bàn ăn. "Trong 17 năm kinh doanh nhà hàng, đây là năm tôi gặp nhiều khó khăn nhất. 8 tháng qua, doanh thu từ kinh doanh hàng ăn không đủ bù chi phí. Trung bình mỗi tháng nhà hàng phải chi gần 300 triệu đồng để vận hành, thuê nhân công. Với thực tế hiện nay, nhà hàng dự kiến sẽ cắt giảm số lao động phục vụ và nhiều khoản chi khác. Chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn để duy trì hoạt động", anh Phan Văn Hưng, chủ nhà hàng Hướng Dương chia sẻ.

Những quán bia hơi vỉa hè thường có lợi nhuận cao bởi lượng khách rất đông, chi phí thấp. Tuy nhiên, hiện nay các quán này cũng chao đảo vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo trào lưu kinh doanh, anh Đoàn Trung Đức ở khu 4, phường Tân Bình mở quán bia hơi Tân Kim được khoảng 2 năm nay. Năm đầu tiên, quán kinh doanh hiệu quả, doanh thu cao, ổn định. Từ đầu năm đến nay, anh Đức chủ động đóng cửa quán 3 tháng để phòng chống dịch. Nhiều tháng không có doanh thu, thêm vào đó sau đợt dịch vừa qua, doanh thu mỗi ngày của quán chỉ đạt từ 1 - 1,5 triệu đồng, giảm khoảng 90% so với trước. Trước đây mỗi buổi chiều, quán đón hơn 100 lượt khách nhưng từ ngày 4.9 đến nay, mỗi ngày quán chỉ có từ 10-15 khách. "Do doanh thu nhiều tháng không đủ chi phí nên từ tháng 6.2020, tôi đã phải giảm 4 nhân viên phục vụ. Với khó khăn như hiện nay, không biết quán có cầm cự được không...", anh Đức nói.

Đang kinh doanh thuận lợi nên chủ quán cà phê An ở phố Thái Bình đầu tư thêm cơ sở thứ ba tại Hải Dương. Nhưng khi đầu tư cơ sở mới ở phố Phú Thọ chưa lâu thì dịch Covid-19 bùng phát. Mục đích mở rộng đầu tư để tăng doanh thu, đón thêm khách của chủ quán không đạt được, ngược lại còn gia tăng chi phí.


Trước đây, vào mỗi buổi chiều, nhiều quán bia hơi không còn chỗ trống, nhưng những ngày này các quán đều vắng vẻ. Trong ảnh: Một quán bia hơi trên đường Thanh Niên chiều 7.9

Vừa làm vừa lo

May mắn hơn một số cơ sở kinh doanh ăn uống khác, quán ăn của anh Nguyễn Xuân Trình trên đường Nguyễn Văn Linh vẫn có lượng khách tương đối ổn định. Từ ngày 2.9, sau khi bán hàng trở lại, trung bình mỗi ngày quán Phở Trình bán được từ 300 - 350 suất, giảm 30% so với thời điểm trước khi cách ly toàn xã hội trên địa bàn TP Hải Dương. Trước nguy cơ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, để bảo đảm an toàn, giãn cách theo quy định, anh Trình phải thuê thêm gần 200 m2 mặt bằng bên cạnh để phục vụ kinh doanh. Vài ngày nữa quán ăn này sẽ được mở rộng gấp gần 3 lần so với hiện nay. "Trước thực tế khách hàng ngày càng giảm, tôi rất lo, không biết đến khi nào khoản đầu tư thêm mới thu hồi được vốn", anh Trình nói.

Hàng loạt nhà hàng ăn uống trên đường Trường Chinh (TP Hải Dương) vẫn cửa đóng then cài dù đã được phép hoạt động trở lại. Theo ông Nguyễn Chí Hòa, chủ Nhà hàng Đức Lâm ở số 471 đường Trường Chinh, một số quán ăn uống ở đây không dám mở cửa vì lo lắng. Không bán thì không có nguồn thu nhưng mở cửa kinh doanh thì chi phí lớn trong khi không có khách. Các hộ kinh doanh ở đây còn dùng dằng, vừa muốn mở vừa không dám mở vì sợ càng kinh doanh càng lỗ.

Ông Đỗ Bá Bắc ở khu 5, phường Thanh Bình có 140 m2 mặt bằng cho thuê làm nhà hàng. Tuy nhiên, người thuê mới kinh doanh được 4 tháng thì phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động vì dịch Covid-19. "Thời điểm này, do khó khăn chung nên đôi bên cùng thiệt. Tôi phải chia sẻ khó khăn với người kinh doanh bằng cách miễn tiền thuê mặt bằng trong thời gian quán ăn đóng cửa. Trước diễn biến phức tạp của dịch như hiện nay, người kinh doanh nhà hàng, quán ăn rất khó phục hồi", ông Bắc nói.

PHAN ANH

Hiện nay, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đều đã áp dụng một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo như vệ sinh khu vực kinh doanh, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt cho khách và nhắc nhở khách bảo đảm khoảng cách an toàn. Nhân viên bán hàng đeo khẩu trang. Tuy nhiên, phần lớn cơ sở kinh doanh chưa ghi lại thông tin, địa chỉ của đại diện nhóm khách đến ăn uống theo quy định.

(0) Bình luận
Nhà hàng, quán ăn lỗ triền miên