Hiệu quả từ vốn lồng ghép

15/06/2021 06:19

Là chương trình mang tính toàn diện, tổng thể nên thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã khai thác tối đa hiệu quả từ vốn lồng ghép để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM).


Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh dự kiến sử dụng hơn 2.500 tỷ đồng vốn lồng ghép để xây dựng nông thôn mới

Nhiều mục tiêu

Lam Sơn là xã đi trước trong xây dựng NTM của huyện Thanh Miện không chỉ vì có nhiều thuận lợi về phát triển kinh tế- xã hội mà còn do địa phương biết cách sử dụng hiệu quả đồng vốn từ các chương trình khác. Tranh thủ nguồn tiền chi cho các hoạt động hỗ trợ có mục tiêu trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, giao thông... của cấp trên, địa phương đã kiến thiết, cải tạo cơ sở hạ tầng theo tiêu chí NTM. Nhờ đó, xã nhanh chóng về đích NTM vào năm 2016 và đang tiếp tục thực hiện mục tiêu NTM nâng cao. Theo ông Trương Mậu Nhân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng nhưng khó khăn vì cần nguồn lực lớn, địa phương ưu tiên dùng vốn lồng ghép để thực hiện các tiêu chí NTM. Từ nguồn hỗ trợ cho nông nghiệp, xã chủ trương làm đường nội đồng, quy vùng tập trung nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Vốn giảm nghèo bền vững cũng được dùng linh hoạt theo quan điểm cho cần câu chứ không cho con cá. Do đó, đồng vốn tuy không lớn nhưng mang lại hiệu quả cao. Nhờ vậy, trong 6 năm xây dựng NTM, vốn từ ngân sách địa phương không quá lớn, chỉ chiếm 28%.

Nguồn vốn từ các chương trình, dự án đã tạo động lực để huyện Cẩm Giàng sớm về đích NTM cấp huyện, nhất là nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp. Mặc dù phát triển công nghiệp song nông nghiệp vẫn chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế của huyện. Trong khi nguồn hỗ trợ của cấp trên hạn chế thì việc khai thác vốn lồng ghép sẽ làm giảm gánh nặng về nguồn lực trong xây dựng NTM cho mỗi địa phương. Theo ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, bên cạnh các nguồn ngân sách, tín dụng, xã hội hóa... thì nguồn vốn lồng ghép cho hiệu quả không kém. Thường các chương trình phát triển kinh tế- xã hội sẽ được đầu tư tập trung, có trọng tâm trọng điểm nên kết quả rất thiết thực. Nhờ vào nguồn vốn từ các dự án của y tế, giáo dục, văn hóa... mà nhiều công trình trong tỉnh được xây dựng. Vốn lồng ghép trong xây dựng NTM của huyện được thể hiện rõ nét nhất trong lĩnh vực nông nghiệp. Huyện đề xuất và sử dụng kịp thời vốn từ những chương trình phát triển nông nghiệp sạch, tưới tiết kiệm, thúc đẩy hoạt động chế biến... của tỉnh và Trung ương để bứt tốc thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất.

Sử dụng hợp lý


Trước năm 2015, cả nước có 16 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó xây dựng NTM là chương trình bao quát nhất. Giai đoạn 2011-2015, vốn lồng ghép để xây dựng chương trình này chưa đến 1.000 tỷ đồng trong khi các chương trình khác hiệu quả đầu tư không cao. Để tránh dùng vốn dàn trải, không tập trung, cuối năm 2015 Quốc hội đã quyết định rút xuống còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia nhưng vẫn duy trì các dự án thành phần phù hợp. Vì thế, vốn lồng ghép trong xây dựng NTM từ năm 2016 đến nay được lấy từ chương trình giảm nghèo bền vững, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu và các dự án ODA. Với gần 1.400 tỷ đồng từ vốn lồng ghép trong giai đoạn 2016-2020, các địa phương trong tỉnh đã sử dụng để xây dựng phòng học, nhà văn hóa, trạm y tế, sân vận động... Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân khu vực nông thôn không ngừng được nâng cao. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh dự kiến sử dụng gần 2.500 tỷ đồng vốn lồng ghép cho xây dựng NTM.

Thời gian tới, nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng NTM mà tỉnh xác định là đổi mới sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ đó, tạo nguồn lực tại chỗ để thực hiện các mục tiêu khác của phong trào. Để thực hiện được nhiệm vụ này, ngoài nguồn vốn NTM, các địa phương cần tranh thủ nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án của tỉnh, Trung ương, thậm chí là nước ngoài cho phát triển nông nghiệp. Theo ông Trần Duy Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, việc khai thác và sử dụng linh hoạt vốn lồng ghép sẽ giúp các xã, huyện bớt áp lực trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, nhất là với những tiêu chí cứng cần kinh phí lớn.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Hiệu quả từ vốn lồng ghép