Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

25/07/2020 10:11

Tiếp tục nội dung thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp 13 HĐND tỉnh sáng 25.7, các đại biểu đã đề cập đến nhiều vấn đề kinh tế được cử tri quan tâm.

>> Dừng thanh tra, kiểm tra để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất


Đồng chí Vương Đức Sáng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiến nghị người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm nếu tiến độ giải ngân chậm

Nhiều dự án chậm giải ngân

Tham gia thảo luận, làm rõ thêm về những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, ông Nguyễn Đình Kiêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mức tăng trưởng của tỉnh đạt thấp nhưng vẫn cao so với mặt bằng chung cả nước và đứng thứ 5 ở vùng đồng bằng sông Hồng. Dự báo từ nay đến cuối năm, nếu không gặp những vấn đề đột biến như thiên tai, dịch bệnh thì lĩnh vực nông nghiệp có khả năng tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ sẽ tiếp tục gặp khó khăn, nhất là những ngành chủ đạo của tỉnh như chế biến, chế tạo, dệt may, da giầy... 

Ông Kiêm thông tin do tình hình dịch bệnh ở các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu...nên thị trường xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn. Tuy nhiên, đến nay kinh tế của tỉnh cũng có những dấu hiệu khả quan. Toàn tỉnh đã có 60 doanh nghiệp hoàn thành đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số doanh nghiệp lớn như Công ty Xi măng Phúc Sơn, Công ty TNHH Ford Hải Dương...đã bắt đầu sản xuất trở lại. Các ngành dịch vụ cũng đã dần khôi phục, đi vào hoạt động. Dự báo tăng trưởng của tỉnh trong năm nay sẽ từ  5,5-6%. Nếu đạt mức tăng trưởng này tỉnh sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5 năm là trên 8%. Tỉnh cũng chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội để thể hiện quyết tâm phấn đấu đạt những kết quả cao nhất.


Ông Nguyễn Đình Kiêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm rõ thêm về những tác động tiêu cực của dịch Covid-19

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã giải ngân 1.813 tỷ đồng, đạt 48,5%. Tỷ lệ giải ngân của tỉnh khá cao so với mặt bằng chung và đứng thứ 12 cả nước. Nhiều dự án, công trình lớn trong tỉnh đã hoàn thành như cầu Mây, đường dẫn cầu Hàn, Trung tâm văn hóa Xứ Đông... Tỉnh đang triển khai tích cực các công trình kết nối với Quảng Ninh, Hải Phòng như cầu Quang Thanh, cầu Dinh, cầu Triều...Tuy nhiên, toàn tỉnh có 19 dự án đã hoàn thành và 33 dự án chuyển tiếp sử dụng vốn ngân sách tỉnh giải ngân còn thấp hoặc chưa giải ngân. Một số dự án sử dụng ngân sách Trung ương cũng chưa giải ngân kịp thời. Nguyên nhân chậm giải ngân là do công tác giải phóng mặt bằng chậm tiến độ, nhiều chủ đầu tư chưa tích cực phối hợp lập hồ sơ thủ tục nghiệm thu, thanh quyết toán công trình và do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều công trình chưa thể khởi công, xây dựng...

Ông Kiêm đề nghị để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, tỉnh cần quy định kết quả giải ngân cùa từng dự án là một trong những căn cứ chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 của các cơ quan, đơn vị. Thực hiện điều chuyển vốn thanh toán năm 2020 của các dự án chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Các sở ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, và giám sát các chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị liên quan hoàn thiện thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong đầu tư công...

Cam kết giải ngân ngay trong ngày làm việc với các hồ sơ hợp lệ


Bà Lương Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH In, Đầu tư, Thương mại Đức Trường đề nghị tỉnh cần tiếp tục quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp FDI

Bà Lương Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH In, Đầu tư, Thương mại Đức Trường cho rằng việc thu hút các luồng đầu tư mới sẽ gặp khó khăn do sự cạnh tranh của các nước khác. Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có 795 doanh nghiệp mới thành lập nhưng cũng có 77 doanh nghiệp giải thể, nhiều doanh hoạt động cầm chừng. Mức lãi suất cho vay đã giảm nhưng còn cao và còn nhiều loại phí khác. 

Bà Hương đề nghị, tỉnh cần kêu gọi các doanh nghiệp FDI vào đầu tư, đồng thời quan tâm, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nội địa phát triển. Trong điều kiện dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nhất là hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Tăng cường xúc tiến thương mại để quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của tỉnh và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm. Cần tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. 


Ông Vũ Đức Trọng, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh cam kết sẽ giảm 3 ngày so với chỉ đạo của Bộ Tài chính trong giải ngân vốn đầu tư công

Trả lời về các dự án, kế hoạch vốn đầu tư kéo dài từ năm 2019 đến 2020, tỷ lệ giải ngân thấp, ông Vũ Đức Trọng, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh cho biết nếu tình hình giải ngân chậm kéo dài thì tỷ lệ giải ngân của tỉnh vẫn sẽ dậm chân tại chỗ. Ông Trọng đề xuất tỉnh cần thành lập các tổ công tác thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình giải ngân ở các đơn vị, địa phương để bảo đảm tiến độ. Các cơ quan chuyên môn nâng cao chất lượng tham mưu thực hiện, giải quyết các thủ tục đầu tư, nhất là các khâu thẩm định, phê duyệt đầu tư, rút ngắn thời gian để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Kho bạc Nhà nước tỉnh cam kết sẽ giải ngân vốn đầu tư công ngay trong ngày làm việc đối với những hồ sơ hợp pháp, hợp lệ (giảm 3 ngày so với chỉ đạo của Bộ Tài chính).

Liên quan đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu làm rõ nguyên nhân giải ngân chậm một số dự án, công trình lớn, công bố tên những dự án giải ngân 0%. 


Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết nếu không giải ngân đúng quy định nguồn vốn phân bổ cho ngành sẽ đề xuất tỉnh điều chuyển cho ngành, lĩnh vực khác

Ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết trong tổng số 361 tỷ đồng vốn đầu tư phân bổ cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 6 và đến 6.7, sở  đã phân bổ 204 tỷ đồng cho các huyện, xã giải ngân. Từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức giải ngân 7 công trình, dự án mà tỉnh giao. Các dự án với tổng số vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng mà tỉnh giao cho các địa phương, ông Quân đề nghị các địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ.

Ông Quân cam kết đến tháng 11 nếu không giải ngân đúng quy định sẽ đề xuất tỉnh điều chuyển nguồn vốn phân bổ cho ngành nông nghiệp cho các dự án khác.

Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu ngành làm rõ việc phân bổ nguồn vốn không hợp lý hay do năng lực chủ đầu tư hạn chế và việc giải ngân phải hoàn thành trước 15.10.

Dự báo diễn biến thời tiết từ nay đến cuối năm còn khó khăn, ông Quân đề nghị các địa phương quyết tâm chỉ đạo để lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục đạt những kết quả tốt, đóng góp chung vào tăng trưởng của tỉnh. Hiện tỉnh có nhiều nông sản như vải, rau màu... sạch đã xuất khẩu được vào những thị trường khó tính. Ông Quân đề nghị tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông sản, hỗ trợ nông dân xúc tiến, tiêu thụ nông sản để nâng cao giá trị nông sản, tiêu thụ ổn định.

Sẽ đề xuất điều chuyển vốn nếu không giải ngân đúng kế hoạch

Đề xuất đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ông Nguyễn Đình Kiêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, với nguồn vốn đã giao thì cần thực hiện giải ngân theo đúng kế hoạch. Riêng nguồn vốn chuyển tiếp từ năm 2019 sang phải hoàn thành giải ngân trong tháng 8.2020. Đối với dự án đã có khối lượng hoàn thành thì cần đẩy nhanh thủ tục thanh quyết toán để giải ngân trong tháng 8.2020. Những dự án mới khởi công cũng cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhất là với dự án sử dụng nguồn vốn Trung ương, cần phải giải ngân trong tháng 8.2020 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nếu không thực hiện đúng sẽ bị Trung ương điều chuyển cho các đơn vị khác. Ông Kiêm đề nghị sẽ tổ chức rà soát trong tháng 8 và tháng 10.2020 để báo cáo HĐND tỉnh điều chuyển.


Ông Nguyễn Hoài Long, Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh lý giải nguyên nhân chậm giải ngân

Ông Nguyễn Hoài Long, Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh báo cáo, năm 2020, ban được giao quản lý, sử dụng 1.000 tỷ đồng, trong đó có 294 tỷ đồng chuyển tiếp từ năm 2019. Đến nay đơn vị đã giải ngân được 458 tỷ đồng, đạt 45%. Từ nay đến cuối năm sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bảo đảm theo đúng quy định. Ông Long cũng giải trình, các công trình lớn như Trung tâm Văn hóa Xứ Đông, Bệnh viện Phụ sản giải ngân chậm là do khó khăn về điều tra, công bố giá nguyên, vật liệu xây dựng dự án khiến thời gian chuẩn bị, đấu thầu, triển khai dự án chậm. Nhiều dự án chưa thể giải ngân vì vướng mắc mặt bằng. Một số dự án do ảnh hưởng của thời tiết, quy định phòng chống lụt bão nhất là dự án nông nghiệp nên chưa thể giải ngân.

Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh chủ động đề xuất điều chỉnh nguồn vốn giữa các dự án để sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Nhiều "thủ tục con" làm chậm tiến độ đầu tư

Theo yêu cầu của Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Vũ Đức Trọng, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh đã điểm tên hàng loạt công trình, dự án giải ngân với tiến độ 0%. Theo đó, có 80 trong tổng số 102 dự án được phân bổ vốn đầu tư công thuộc ngân sách tỉnh năm 2020 có tiến độ giải ngân là 0%. Nhiều dự án khác thực hiện theo kế hoạch vốn đầu tư công kéo dài từ năm 2019 sang năm 2020 cũng rất chậm hoặc không giải ngân được. Hàng loạt dự án đã được kể tên gồm: công trình Trạm bơm Đò Hàn; nâng cấp các tuyến đê tả sông Mía, hữu sông Văn Úc (Thanh Hà); toàn bộ 33 dự án có nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, ông Vương Đức Sáng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhận định, nếu tỉnh quyết tâm, quyết liệt chỉ đạo thì tỷ lệ giải ngân sẽ cao hơn. Tỉnh vẫn còn nguồn vốn lớn cần phân bổ nhưng chưa phân bổ cũng khiến tỷ lệ giải ngân cao nhưng chưa thực sự sát thực tế. Ông Sáng cho rằng nguyên nhân giải ngân chưa cao là do chất lượng lập kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa cao. Việc chuẩn bị đầu tư một số dự án lớn chưa tốt. Công tác phân bổ chi tiết vốn đầu tư công còn chậm. Giải quyết thủ tục hành chính còn chậm. Một số chủ đầu tư trách nhiệm chưa cao, việc quy trách nhiệm còn hạn chế. Năng lực các đơn vị tư vấn, nhà thầu kém.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ rõ, hiện thủ tục chấp thuận đầu tư còn chậm. Nhiều dự án phải báo cáo cấp ủy khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian. Việc giải quyết thủ tục tại các cơ quan nhà nước còn nhiều khâu, chưa thông thoáng, ảnh hưởng tiến độ triển khai các dự án. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn khó khăn. Vẫn còn hiện tượng nhà đầu tư phải "nhờ cậy" cơ quan nhà nước giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, việc nhiều cơ quan có thủ tục "con" cũng làm mất thêm thời gian của nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục đầu tư. Theo đó, cần ra soát, thực hiện phân cấp để điều phối, đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc. Xem xét, điều chỉnh quy chế làm việc của cấp ủy. Ban hành quy chuẩn giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan Nhà nước. Tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn vướng mắc giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch phục vụ thu hút đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch điều chỉnh sử dụng đất của tỉnh. Để Hải Dương có sự phát triển bứt phá như các tỉnh khác, cần chỉ rõ lý do vì sao nhiều tập đoàn đến nghiên cứu nhưng lại không quyết định đầu tư để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thông thoáng cho các doanh doanh đầu tư.

Nhất trí chủ trương điều chuyển vốn giữa các dự án nhưng Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị kéo dài thêm thời gian để giải ngân vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới vì mới được phân bổ.

Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định tỷ lệ giải ngân của tỉnh tuy ở nhóm đầu cả nước nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Cần rà soát lại quy trình để thực hiện tốt nhất. UBND tỉnh cần ban hành bộ thủ tục, nhất là thủ tục cấp phép phòng cháy, đánh giá tác động môi trường....để thu gọn đầu mối, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Rà soát, phân bổ nguồn vốn thực hiện trong tháng 7 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo và các tổ công tác để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời tháo gỡ, khó khăn doanh nghiệp giải ngân vốn đầu tư. Kiên quyết điều chuyển vốn từ những dự án giải ngân chậm, không đúng quy định sang những dự án, công trình khác. UBND tỉnh báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tình hình giải ngân để xem xét, quyết định điều chuyển. Đối với các dự án đã hoàn thành, cần có bộ tiêu chí, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu, thanh quyết toán. Các sở, ngành cần tích cực hơn, Các dự án phải xác định rõ thời gian hoàn thành. HĐND tỉnh sẽ giám sát tiến độ giải ngân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm nếu tiến độ giải ngân chậm.

Chiều nay, HĐND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc và bế mạc.

THU MINH - HOÀNG BIÊN - THÀNH CHUNG

(0) Bình luận
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công