“Cháy túi" vì nghiện mua sắm qua mạng

12/05/2019 09:06

Nhiều người mua sắm qua mạng nhiều đến mức thành nghiện nên thường xuyên rơi vào cảnh chưa hết tháng đã hết tiền.

Việc theo dõi livestream của các trang bán hàng trực tuyến đã trở thành thói quen của nhiều người

Đặt nhanh, chốt vội

Vừa ngồi kèm cậu con trai 8 tuổi học bài, chị Nguyễn Diệu Thúy, ở khu 5, phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) vừa cầm điện thoại lướt qua các trang mạng xã hội. Dừng lại trước một trang bán quần áo trên Facebook, chị Thúy xem từng ảnh đăng. Ngắm nghía một hồi, chị liền đặt một chiếc váy dài. Sau khi nhân viên bán hàng của shop nhắn tin tư vấn, xin thông tin chiều cao, cân nặng, chị nhanh chóng nhắn lại địa chỉ, số điện thoại để bên bán gửi hàng. Lướt xuống dưới, thấy một trang chuyên bán giày dép đang bán trực tiếp (livestream), chị vào xem một hồi rồi lại đặt mua tiếp một đôi giày thể thao…

Việc lướt mạng mua hàng từ lâu đã thành thói quen của chị Thúy. Có những món đồ chị mua do có nhu cầu thực sự, song cũng không ít món đồ chị mua chỉ do thấy hay hay hoặc do đang được giảm giá mạnh. Vì vậy, trong tủ đồ của chị có rất nhiều quần áo, túi xách, giày dép còn nguyên nhãn mác, chưa một lần sử dụng. “Tôi cũng biết thu nhập của một viên chức như tôi hiện nay chi tiêu như vậy là quá tay. Nhưng tôi không bỏ được chứng nghiện mua sắm. Cứ vào mạng là tôi bị các trang bán hàng trên mạng lôi cuốn. Nhiều lúc tôi chỉ sợ không đặt nhanh, không chốt nhanh là người khác sẽ mua mất món đồ tôi thích”, chị Thúy thừa nhận.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà ở phố Trần Bình Trọng (TP Hải Dương) nhiều lần lâm vào cảnh cháy túi vì nghiện mua đồ trên mạng. Theo bà mẹ hai con này kể thì không chỉ những lúc rảnh rỗi ở cơ quan mà cả khi về nhà chị rất hay vào mạng xã hội hoặc một số trang mua sắm trực tuyến. Ban đầu chỉ là xem mẫu mã, kiểu dáng nhưng sau vài lần mua chị đã bị nghiện. Ngày nào chị cũng vào mạng để xem, cứ có mẫu nào mới, sản phẩm nào lạ chị lại nhắn tin nhờ tư vấn. Sau nhiều lần mua sắm không kiểm soát, tới mức cuối tháng không còn tiền mua sữa cho con chị phải nhờ ông bà ngoại hỗ trợ. “Nhiều lần mua sắm phung phí, tôi đã đặt quyết tâm cai bằng cách hủy theo dõi các trang mua bán qua mạng, không vào xem phát trực tiếp từ các cửa hàng nhưng chỉ một thời gian ngắn rồi lại chứng nào tật nấy. Cứ xem thấy đồ đẹp là lại muốn mua, sau mỗi lần đặt mua lại ân hận, lại tiếc tiền”, chị Hà nói.

Tránh lãng phí

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà ở phố Trần Bình Trọng (TP Hải Dương) là một tín đồ mua sắm qua mạng

Mua sắm trực tuyến có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, việc mua sắm vô độ, mất kiểm soát dễ dẫn đến hậu quả là “cháy túi”, lãng phí. Chị Vũ Thị Hoa ở phố Vũ Hựu (TP Hải Dương) cho biết: “Trước đây, tôi hay đến các cửa hàng để mua sắm nên làm chủ được ví tiền của mình. Nhưng lâu nay tôi chọn mua qua mạng, cứ cái gì hay là đặt mua mà chưa biết khi nào mới dùng đến, khi thanh toán mới té ngửa vì số tiền phải chi trả quá lớn. Không ít tháng tôi phải mượn tiền bạn bè để tiêu”. Để cai nghiện mua sắm qua mạng, gần đây chị Hoa đã ẩn hết các trang bán hàng qua mạng trên Facebook, Zalo, hủy theo dõi, kết bạn. Hai tháng gần đây, chị đã nhờ mẹ giữ tiền giúp. "Không cầm tiền mặt, tài khoản ngân hàng không còn tiền, việc mua sắm của tôi giảm đi nhiều", chị Hoa cho biết thêm.

Dọn đồ để chuyển nhà mới, anh Hoàng Hữu Th. ở  phố Dương Hòa (TP Hải Dương) tá hỏa phát hiện có rất nhiều giày dép, quần áo của vợ chưa dùng lần nào, còn nguyên tem mác được chất đầy trong tủ đồ của gia đình. “Hậu quả từ những cơn nghiện mua đồ của vợ tôi đấy. Tiền lương của cô ấy bao nhiêu là đem ném hết vào đống quần áo, giày dép mua qua mạng này”, anh Th. than thở. Việc thường xuyên mua sắm qua mạng của chị nhà khiến vợ chồng anh Th. không ít lần căng thẳng bởi có những món đồ mua không theo kế hoạch nào, thậm chí nhiều đồ mua không dùng được vì chất lượng quá tệ.

Để hạn chế việc mua sắm vô tội vạ, mua sắm những thứ bản thân chưa thực sự có nhu cầu, lời khuyên cho các tín đồ là đừng "dạo chơi" ở các trang bán hàng online. Hủy theo dõi các trang, tài khoản bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội. Cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định mua bất cứ món đồ nào trên mạng... Có như vậy chúng ta mới kiểm soát được túi tiền của mình trước những trang bán hàng trực tuyến.

TRƯƠNG HÀ

(0) Bình luận
“Cháy túi" vì nghiện mua sắm qua mạng