[Video] Người Hải Dương thích thú trải nghiệm ChatGPT

18/02/2023 08:54

ChatGPT đã và đang “làm mưa làm gió” trên các diễn đàn công nghệ. Nhiều người ở Hải Dương đang rất thích thú trải nghiệm ChatGPT.


Khó khăn trong đăng ký tài khoản ChatGPT tại Việt Nam nên nhiều người phải dùng chung tài khoản, dẫn đến hiện tượng nghẽn mạng, lỗi truy cập

Từ trải nghiệm thực tế...

Là một giáo viên dạy môn lịch sử nhưng đam mê công nghệ, cô giáo Nguyễn Hoài Thanh (Trường THPT Hồng Quang, TP Hải Dương) đã tìm mọi cách để có được tài khoản truy cập ChatGPT. Sau gần một tuần trải nghiệm, chị Thanh khá ấn tượng với những câu trả lời của “siêu” AI này. “ChatGPT trả lời rất nhanh. Dù câu hỏi đa dạng, từ cuộc sống hằng ngày cho đến công việc chuyên môn song sản phẩm này vẫn đưa ra câu trả lời rõ ràng, rõ ý, mạch lạc. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp ChatGPT hiểu nhầm nội dung câu hỏi”, chị Thanh cho biết. Nói về một số nội dung liên quan đến sự kiện lịch sử, chị Thanh cho biết chưa phát hiện ChatGPT trả lời sai.

Anh Mai Xuân Long ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) cũng rất thích thú với ChatGPT. Là một huấn luyện viên dạy zumba nên anh Long thường xuyên tìm kiếm các bản nhạc, clip liên quan qua Google. “Gần 2 tuần nay, việc tìm kiếm bản nhạc với tôi đơn giản hơn nhiều do có ChatGPT. Tôi chỉ cần nêu một vài ý tưởng, sản phẩm này sẽ trả lời về những bản nhạc cơ bản đáp ứng đúng ý tưởng đó. Nếu muốn tìm clip, ChatGPT cũng sẽ dẫn link một số kênh YouTube, tuy nhiên một số link không còn tồn tại, có thể do sản phẩm này chưa được cập nhật thông tin. Cơ bản ChatGPT giống như trợ lý ảo vậy. Khá ấn tượng”, anh Long nói.

Khác với chị Thanh, anh Long, chị Trần Thị Quỳnh, người TP Hải Dương nhưng đang sinh sống và học tập tại Australia trải nghiệm ChatGPT ngay sau khi sản phẩm này xuất hiện. Chị Quỳnh tham gia một câu lạc bộ sinh viên đam mê công nghệ của trường, do đó chị cùng nhiều sinh viên Việt Nam khác đã sớm biết đến ChatGPT.


Cùng một câu hỏi nhưng ChatGPT trả lời không giống nhau, cần kiểm chứng

Sau hơn 2 tháng sử dụng, ấn tượng của chị Quỳnh về ChatGPT không còn như ngày đầu. Chị cho biết: “Chúng tôi lập tài khoản và ngày nào cũng trò chuyện với ChatGPT. Tuy nhiên thực tế những thông tin phản hồi từ sản phẩm này khiến chúng tôi mất thêm thời gian kiểm chứng nên dần dà chúng tôi chỉ sử dụng trong một số hoạt động học tập nhất định, phần lớn là dùng vào mục đích giải trí. Có thể một thời gian nữa, khi ChatGPT hoàn thiện hơn, được cập nhật thông tin mới hơn thì việc sử dụng trong học tập sẽ hiệu quả hơn”.

... đến câu chuyện tương lai

Một trong những lĩnh vực có thể nói hiệu quả nhất khi sử dụng ChatGPT như một công cụ hỗ trợ, đó là lập trình. Với kinh nghiệm hơn 10 năm là lập trình viên, anh Hoàng Đình Kiếm ở đội 1, khu dân cư Phú Tảo, phường Thạch Khôi (TP Hải Dương) cho biết với những phần việc viết code (đoạn mã để lập trình một ứng dụng, nền tảng) đơn giản, ChatGPT tỏ ra khá hiệu quả.

Khi ChatGPT trở thành hiện tượng toàn cầu hồi đầu tháng 12.2022, anh Kiếm cùng một số cộng sự đã nhờ khách hàng ở nước ngoài đăng ký hộ tài khoản. “Sau đó tôi lập tài khoản riêng khoảng 3 tuần nay để thuận tiện trong sử dụng. Mức độ hoàn thiện phần code đơn giản tương đối nhanh, chỉ tầm vài phút. Nhưng đoạn code hoàn chỉnh mất nhiều thời gian hơn, một số thông tin do chưa được cập nhật nên code do ChatGPT viết xong không thể hoạt động”, anh Kiếm chia sẻ.

Nhận xét về sự cạnh tranh giữa lập trình viên với ChatGPT, anh Kiếm cho rằng không riêng lĩnh vực này, những lao động nếu không giỏi tay nghề sẽ khó trụ vững trong công việc. “ChatGPT chắc chắn sẽ được cải thiện trong tương lai, lập trình viên chúng tôi hay những người làm công việc khác phải tự nâng cao trình độ, đủ kiến thức để sử dụng sản phẩm AI này hoặc những sản phẩm khác. Nếu không, AI sẽ thay thế lao động thiếu tay nghề”, anh Kiếm nói thêm.


ChatGPT có thể viết đoạn mã lập trình đơn giản trong vài phút

Một lĩnh vực khác được nhiều người quan tâm khi nói về ChatGPT, đó là giáo dục. Theo cô giáo Lê Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hải Dương), giữa năm 2018, khi Nhật Bản đưa robot vào trường học để dạy tiếng Anh là một hồi chuông báo cho các thầy, cô giáo. “Thầy, cô giáo phải dạy học sinh làm người, dạy kỹ năng, tạo động lực học tập. Đây vừa là nhiệm vụ đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, vừa là cách khẳng định vị trí không thể thay thế của thầy, cô giáo đối với học sinh, nhất là trong bối cảnh ChatGPT đang nóng hiện nay”, cô Bình nói. Cũng theo cô Bình, ChatGPT hay những sản phẩm AI khác trong tương lai có trở thành thách thức về việc làm hay không nằm ở chính mỗi người.

Dù trở thành hiện tượng toàn cầu nhưng ChatGPT không hẳn dành được sự quan tâm của tất cả mọi người vì một số hạn chế nhất định. Làm việc trong lĩnh vực thiết kế xây dựng, anh Hàn Hồng Đức ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) chia sẻ: “ChatGPT chỉ viết câu trả lời chứ không thể thiết kế đồ họa, không thể thiết lập bản vẽ. Một số công cụ mà sản phẩm AI này giới thiệu còn không bằng những công cụ chúng tôi đang sử dụng”. Tài khoản ChatGPT của anh Đức hiện cho bạn bè mượn để dùng.

Từ trải nghiệm thực tế, không ít người cho rằng với những câu trả lời có phần ngô nghê về ngôn từ, nội dung, ChatGPT giống như một công cụ giải trí hơn là hỗ trợ công việc. Song không vì thế mà phủ nhận tầm ảnh hưởng của sản phẩm AI này. Nếu không nâng cao kiến thức, tư duy, con người sẽ bị đào thải từ chính sản phẩm do con người tạo ra.

Ngày 11.2, ChatGPT thông báo bản cập nhật ChatGPT Plus đã có mặt tại Việt Nam. Người dùng đăng ký nâng cấp phiên bản này từ tài khoản ChatGPT đã có với chi phí 20 USD (gần 500.000 đồng)/tháng, được cung cấp một số cải tiến như ưu tiên truy cập dịch vụ vào giờ cao điểm, khả năng phản hồi nhanh hơn kèm một số tính năng mới.

Tuy nhiên, cổng thanh toán của OpenAI (công ty phát triển ChatGPT) hiện chưa hỗ trợ thanh toán từ nhiều loại thẻ của ngân hàng trong nước.

Xem clip

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Video] Người Hải Dương thích thú trải nghiệm ChatGPT