Thanh Hà phát triển du lịch sinh thái sông Hương gắn với sản phẩm nông nghiệp

08/05/2022 06:11

Với hơn 6.800 ha cây ăn quả, mùa nào thức ấy, Thanh Hà được coi là vùng hoa quả trù phú nhất tỉnh. Đây cũng là lợi thế để huyện phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái.


Du khách đến Thanh Hà trải nghiệm hái vải trên thuyền (ảnh tư liệu)

Vùng quê trù phú

Về Thanh Hà, du khách không chỉ được thưởng thức những quả vải thơm ngon mà còn được tham quan những vườn ổi, vườn nhãn sai trĩu quả. Mùa hè, cây vải thiều tổ ở thôn Thuý Lâm (xã Thanh Sơn) là điểm nhấn tạo sức hút cho du khách khi đến với quê hương vải thiều. Cách đó không xa, miệt vườn Đồng Mẩn-Đồng Quao (xã Thanh Khê) sẽ giúp du khách có một không gian mới lạ, trải nghiệm hái vải trên thuyền. Đây là một loại hình du lịch tiềm năng ở Thanh Hà mà ai đến đây cũng ngỡ như một miền Tây thu nhỏ. Nếu du khách muốn thưởng thức vải sớm, đầu tháng 5 có thể đến cánh đồng vải ở các xã Thanh Quang, Thanh Cường, Thanh Hồng. Vải sớm ở đây thơm ngon, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, chủ yếu để xuất khẩu. 

Nhờ có kinh nghiệm và sự đầu tư về kỹ thuật nên nông dân Thanh Hà sản xuất ổi quanh năm. Ổi được trồng nhiều ở các xã khu Hà Bắc. Du khách có thể tham quan các vườn ổi đạt tiêu chuẩn VietGAP và thưởng thức ngay tại vườn. 

Thanh Hà còn nổi tiếng với vùng bảo tồn và khai thác rươi, cáy các xã Vĩnh Lập, Thanh Xuân... Tại các vùng khai thác rươi, cáy, các địa phương dần hình thành những tour du lịch trải nghiệm, hứa hẹn đem đến cho du khách những kỷ niệm đẹp trên quê hương Thanh Hà. 

Là một vùng quê trù phú nhiều hoa quả nên những năm gần đây Thanh Hà đã thu hút nhiều tour du lịch sinh thái hấp dẫn, đặc biệt vào mùa vải chín có nhiều khách trong và ngoài nước về thăm. Với tấm lòng mến khách, du khách khi đến Thanh Hà đều được đón tiếp, hướng dẫn chu đáo. Các điểm tham quan tương đối gần nhau, thuận tiện cho việc di chuyển, trải nghiệm, chụp ảnh lưu niệm, tự tay thu hái vải, ổi, bưởi... về làm quà cho người thân. Thị trấn Thanh Hà là điểm dừng chân, nghỉ ngơi với nhiều nhà hàng, món ăn ngon. Thời gian tới, huyện Thanh Hà hướng đến xây dựng du lịch sinh thái trở thành kinh tế trọng điểm, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Quan tâm đầu tư

Thời gian qua, Thanh Hà đã được gỡ nút thắt về giao thông. Cầu Quang Thanh kết nối huyện Thanh Hà với TP Hải Phòng đã hoàn thành từ năm 2021, tạo điều kiện thuận lợi kết nối phát triển kinh tế vùng miền. Ngày 3.4 vừa qua, dự án xây dựng nút giao đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường tỉnh 390 đoạn qua huyện Thanh Hà đã được khởi công với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng. Tỉnh đã cho phép cải tạo cầu Hợp Thanh, tuyến đường 390 từ chân cầu Hợp Thanh đến ngã ba chợ Đình; bổ sung các bến thủy nội địa và nâng cấp các tuyến đường đê. 

Năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch sinh thái sông Hương với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Dự án gồm 3 hạng mục: điểm đón tiếp đầu tuyến sông Hương (thuộc xã Cẩm Chế), điểm đón tiếp cuối tuyến (xã Thanh Thủy), điểm đón tiếp giữa tuyến (xã Liên Mạc). Đến nay, công trình xây dựng hạ tầng cơ bản hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan, du lịch. 

UBND huyện Thanh Hà đã phê duyệt Đề án "Phát triển các điểm du lịch sinh thái sông Hương trên địa bàn huyện Thanh Hà giai đoạn 2021-2025". Theo đề án, giai đoạn 1 từ năm 2021-2023, địa phương tập trung đầu tư và khai thác khu miệt vườn Đồng Mẩn-Đồng Quao (xã Thanh Khê). Trong đó, huyện tập trung cải tạo đường giao thông, bãi đỗ xe, đường nội đồng; xây bến lên xuống, khu dịch vụ, nhà trưng bày sản phẩm, mua thuyền chở khách và đầu tư hạ tầng tại khu vực cây vải thiều tổ. Thanh Hà sẽ làm đường bê tông nội đồng cho khu vườn ổi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ở khu đồng Cam (xã Liên Mạc); cải tạo nhà thủy đình cho phường rối nước xã Thanh Hải; làm đường bê tông bờ sông Thái Bình để đón du khách đến tham quan nghệ thuật múa rối nước.

Giai đoạn 2 của dự án từ năm 2024-2025, huyện tập trung đầu tư và khai thác khu vực bãi Soi (xã Thanh Xuân), vùng bảo tồn khai thác rươi, cáy (xã Vĩnh Lập). Để thực hiện dự án này cần hơn 94,6 tỷ đồng. Ngoài ngân sách của huyện, Thanh Hà đã đề nghị tỉnh, trung ương hỗ trợ. Ngoài ra, huyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển hình thức du lịch cộng đồng, hình thành mô hình từng gia đình, từng người dân trực tiếp tham gia làm du lịch.

Với lợi thế trên cùng sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, nhà đầu tư và cả người dân, du lịch sinh thái của huyện Thanh Hà sẽ có bước đi bền vững và hứa hẹn trở thành sản phẩm du lịch thế mạnh của tỉnh, thu hút ngày càng nhiều du khách.

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thanh Hà phát triển du lịch sinh thái sông Hương gắn với sản phẩm nông nghiệp