Hồ nước mặn được mệnh danh "Biển Chết của Mỹ"

14/01/2022 16:09

Là hồ nước mặn lớn thứ 6, hồ Great Salt ở phía bắc Utah, Mỹ, có khung cảnh biến đổi theo mực nước.

Hồ Great Salt là vùng nước mặn nội địa lớn nhất Tây bán cầu và cũng là một trong những vùng nước mặn nhất thế giới. Hồ lấy nước từ sông Bear, Weber, Jordan và không có nguồn ra.

Diện tích của hồ thay đổi đáng kể theo từng thời điểm, phụ thuộc vào tốc độ bốc hơi và dòng chảy của những con sông dẫn nước. Mặt hồ thời điểm cao nhất có thể rộng đến 6.200 km2 (năm 1873) và hẹp nhất là 2.460 km2 (năm 1963). Mực nước trung bình trong hồ là khoảng 4,5 m, chỗ sâu nhất là 11 m.

Giống như Biển Chết, hồ Great Salt tồn tại trong môi trường khô và có đặc trưng hóa học tương tự với biển. Tuy nhiên, hồ có độ mặn cao hơn biển, do tốc độ bốc hơi tự nhiên cao hơn nguồn cấp nước vào hồ từ các sông.

Nằm giữa những dải cát rộng, đất mặn và đầm lầy, hồ tách biệt khỏi các khu dân cư. Gần đây, nơi này không chỉ được coi là nguồn khai thác khoáng chất mà còn được xem như một bãi biển, điểm chơi thể thao dưới nước và khu bảo tồn hoang dã.

Hồ có 11 hòn đảo nhỏ, trong đó lớn nhất là hai đảo Antelope và Fremont. Tất cả nằm ở phía nam tuyến đường sắt Lucin cắt ngang qua hồ. Tuyến đường này cũng hạn chế nước lưu thông, khiến một nửa có hàm lượng muối và màu sắc khác nửa còn lại.

Hàng năm, sông Bear, Weber và Jordan đem khoảng 1,1 triệu tấn muối vào hồ. Tổng cộng, lưu lượng khoáng chất hòa tan ở lòng chảo hồ là 5 tỷ tấn, chủ yếu là sodium và clo, dù lưu huỳnh, magie và kali cũng khá nhiều. Các loại muối ăn và sản phẩm kali ở đây được sản xuất từ thế kỷ 19, trong khi việc khai thác magie quy mô lớn mới chỉ bắt đầu từ năm 1971.

Hàm lượng muối cao khiến hồ nước có ít sinh vật sống, chỉ vài loại có thể sinh tồn như tôm nước mặn. Tuy nhiên, các hòn đảo, đầm lầy thu hút nhiều loài chim, và đảo Antelope là nơi trú ẩn cho bò rừng

Theo Zing

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hồ nước mặn được mệnh danh "Biển Chết của Mỹ"