Thấy chết không biết cứu

12/04/2022 14:34

Xưa nay, để cứu người đuối nước, người ta thường vác thốc nạn nhân lên vai rồi quay vài vòng cho nước ộc ra. Y học hiện đại đã chứng minh đây là cách sơ cứu sai lầm.

Ngày 10.4, khi những hình ảnh đầu tiên về cuộc cứu người trên bãi tắm ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được đăng tải trên mạng xã hội, tôi đoán đây chắc chắn là hành động của người được huấn luyện bài bản về các kỹ năng cấp cứu ngoại viện.

Thông tin sau đó cho thấy, bốn người đuối nước được cứu sống nhờ nỗ lực của trung úy Thái Ngô Hiếu - cán bộ Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực Trảng Bom - đang cùng gia đình từ Đồng Nai đến khu resort ở xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) nghỉ lễ.

Xưa nay, để cứu người đuối nước, người ta thường vác thốc nạn nhân lên vai rồi quay vài vòng cho nước ộc ra. Y học hiện đại đã chứng minh đây là cách sơ cứu sai lầm. Việc dốc ngược một người bị đuối nước chạy vòng vòng không làm nước trong phổi chảy ra ngoài, mà có thể làm dịch trong dạ dày trào ra, tăng nguy cơ hít sặc. Quan trọng hơn, hành động này sẽ trì hoãn cấp cứu ngưng tim ngưng thở, rút ngắn thời gian vàng cung cấp oxy cho cơ quan quan trọng như não, tăng tỷ lệ tử vong và di chứng tổn thương não thiếu oxy không hồi phục. Chỉ cần nạn nhân ngừng thở vài ba phút là não sẽ vĩnh viễn không hồi phục. Chính vì vậy, hồi sinh tim phổi (bằng cách ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt) là việc sống còn với nạn nhân.

Nếu không phải là người được huấn luyện như anh Hiếu, một người dân bình thường ở Việt Nam khó có thể thuần thục những kỹ năng cơ bản và sẽ không đủ sức lực, sự bình tĩnh, tự tin để sơ cứu một cách nhanh gọn, chính xác lần lượt từng nạn nhân trong vòng chỉ khoảng 10 phút.

Điều này đang là nghịch lý, là lỗ hổng lớn về y tế ở Việt Nam khi kiến thức sơ cứu trong cộng đồng gần như bằng không. Cấp cứu y tế bao gồm cấp cứu ngoại viện và cấp cứu nội viện. Cấp cứu trong bệnh viện là chuyện nội bộ của mỗi bệnh viện. Nhưng cấp cứu ngoại viện - hoạt động sơ cấp cứu ở bên ngoài trước khi bệnh nhân được đưa đến bệnh viện, giao cho bác sĩ - là chuyện của toàn xã hội, của mỗi người dân, của cả hệ thống 115 trên cả nước. Những yếu kém trong cấp cứu ngoại viện sẽ khiến sự an toàn, cơ hội sống của không ít người bị tước bỏ.

Ở nhiều quốc gia, nhất là Mỹ và châu Âu, hệ thống cấp cứu ngoại viện rất phát triển. Mỹ là hình mẫu về mạng lưới Paramedics, tổ chức của những chuyên viên tham gia sơ cứu khẩn cấp ngoài cộng đồng. Họ không phải bác sĩ, y tá hay điều dưỡng nhưng được trang bị đầy đủ kiến thức sơ - cấp cứu và dụng cụ để cứu người. Họ hoạt động chủ yếu trên tinh thần tình nguyện và nhận một phần hỗ trợ tài chính từ chính phủ. Khi nhận được bất cứ cuộc gọi nào thông báo sự cố, tai nạn hay thảm họa ở gần, họ sẵn sàng lên đường bằng phương tiện cá nhân để tranh thủ thời gian vàng cứu nạn. Những công việc sau đó do đội vận chuyển cấp cứu và bệnh viện tiếp quản.

Hiện nay, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Philippines, Thái Lan... có mạng lưới Paramedics rất phát triển. Trong một lần phỏng vấn anh Nguyễn Thành - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội (người từng được cử sang Mỹ để học tập về mô hình Paramedics), tôi được biết cách đây hơn 10 năm, chuyên gia của Việt Nam có khi còn sang Thái Lan đào tạo về cấp cứu ngoại viện nhưng bây giờ, Việt Nam phải mời Thái Lan sang đào tạo.

Việt Nam cũng có mạng lưới y tế cơ sở dày đặc như một số nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa khiến lực lượng này hình thành mạng lưới cấp cứu ngoại viện phủ khắp cả nước.

Hà Nội có khoảng trên dưới 10 triệu dân nhưng hệ thống 115 của thủ đô chỉ vỏn vẹn hơn 20 xe cứu thương. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, với quy mô dân số như ở Hà Nội, thành phố cần 100-150 xe. Theo thống kê của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, trung bình mỗi ngày có 5 cuộc gọi cấp cứu bị hết xe, nghĩa là ít nhất 5 người bị từ chối cơ hội được cứu sống hoặc được vận chuyển đến bệnh viện bởi lực lượng 115. Đây chính là một phần lý do khiến 90% người dân tự vận chuyển người nhà đi cấp cứu, dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Hệ thống 115 yếu, thiếu, không có mạng lưới Paramedics, nhưng việc đào tạo về kỹ năng sơ cứu ở các cơ quan, đơn vị cũng hết sức sơ sài. Giáo viên mầm non năm nào cũng được tập huấn các kỹ năng sơ cứu tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ hóc, sặc dị vật nhưng vẫn có những cháu bé tử vong thương tâm ngay trong lớp mầm non do sặc cháo. Còn ở ngoài đường, tài xế taxi - những người thường xuyên chứng kiến các vụ va chạm trên đường và có thể có mặt đầu tiên ở hiện trường - thì kiến thức sơ cứu gần như bằng không.

Việt Nam là một trong số các nước có tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích cao trên thế giới. Những kỹ năng sơ cứu cơ bản như cầm máu, nẹp chân, hô hấp nhân tạo, thậm chí vài cái ấn tay vào lồng ngực cũng có thể cứu sống được một mạng người chỉ trong tích tắc. Nhưng người dân vẫn có xu hướng cho rằng, những kỹ năng này là công việc của nhân viên y tế.

Hiện nay, một số cơ quan, doanh nghiệp, trường học... tự bỏ tiền mời chuyên gia, tổ chức lớp học các kỹ năng sơ cứu ban đầu, là một tín hiệu mừng trong lĩnh vực cấp cứu ngoại viện.

Kiến thức sơ cứu không khó, khó nhất là xác định đây là phần việc nghiêm túc, một kỹ năng phải có để cứu mình, cứu người thân và hỗ trợ cộng đồng.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thấy chết không biết cứu