"Rung lắc" giá đất

23/01/2022 08:15

Cơn “địa chấn” Thủ Thiêm là cụm từ được những người quan tâm tới lĩnh vực bất động sản nhắc đến nhiều trong những ngày qua.

Thông tin Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất trúng đấu giá tỷ đô tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) với mức giá lên đến 2,4 tỷ đồng/m2 được Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam ví như cái tăm cắm đúng vào huyệt của lực sĩ khi 1 ha đất có thể khiến thị trường bị rung lắc. Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng cú “địa chấn” này xuất hiện không phải hoàn toàn do thông tin doanh nghiệp bỏ cọc mà nó đã được đặt ra từ lúc giá trúng đấu giá kỷ lục lên đến 2,4 tỷ đồng/m2 được xác lập. Đây là một cuộc đua về giá vượt qua mọi logic thông thường, có thể do trong cuộc đấu giá các bên tham gia đã quá “say mồi”.

Sau vụ việc này, nhiều người bảo rằng ở Hải Dương cũng không hiếm chuyện trúng đấu giá với mức giá cao ngất ngưởng rồi lại sẵn sàng bỏ cọc như thế. Báo chí đã từng đưa tin về những vụ đấu giá tại Hải Dương, chỉ vài chục lô đất nhưng có tới mấy trăm người tới tham gia, mà đa số người trúng đấu giá đều từ nơi khác đến, không nhiều người dân địa phương-những người có nhu cầu thực sự mua được. Điển hình như sáng 17.4.2021, Công ty Đấu giá hợp danh Bảo Tín Thiên Ân tổ chức đấu giá 57 lô đất liền kề ở khu dân cư Đồng Giỏ, phường Đồng Lạc (Chí Linh). Đã có gần 1.000 người nộp 1.756 hồ sơ, đặt cọc tham gia đấu giá các lô đất. Các lô đất có 4 mức giá khởi điểm: 4,5 triệu đồng, 5,5 triệu đồng, 8 triệu đồng và 11 triệu đồng/m2 nhưng mức trúng đấu giá cao nhất với các lô đất có giá khởi điểm 11 triệu đồng/m2 lên tới hơn 43,9 triệu đồng/m2.

Nếu những người trúng thầu thực sự có nhu cầu sử dụng thì sẽ chẳng có gì đáng bàn. Điều đáng nói là nhiều người trúng đấu giá cũng hành xử y hệt như Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Quá trình tham gia đấu giá xuất hiện số đông người mua theo hội, nhóm và bắt tay nhau “làm giá”, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản (BĐS) lên cao, sau khi trúng đấu giá lại sang tay để ăn chênh lệch. Sau mỗi cuộc đấu giá là đến phần việc của cánh môi giới BĐS. Nhiều người chỉ sau một vài tuần đã lãi cả trăm triệu đồng/lô đất. Còn nếu đến thời hạn nộp đủ số tiền trúng đấu giá vẫn không tìm được người mua thì họ sẵn sàng chấp nhận mất tiền đặt cọc.  

Theo một số người chuyên môi giới BĐS, giá đất tại Hải Dương 2 năm trở lại đây tăng rất nhanh. Có đợt tăng theo tuần, theo tháng. Những lô đất dọc trục đường trong xã đã hàng tỷ đồng/lô. Đất ở khu vực vùng ven TP Hải Dương, nơi có nhiều dự án mới xuất hiện, một lô đất 50-80 m2 có giá 2-4 tỷ đồng… Nếu so với thời điểm 6-7 năm trước, giá đất Hải Dương tăng trung bình gấp 3-4 lần. Giá BĐS tăng chóng mặt có nhiều nguyên nhân nhưng có một phần do hệ lụy từ những cuộc đấu giá đất có vấn đề như vậy. 

Các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có các giải pháp căn cơ cũng như những điều kiện ràng buộc để các tình huống cực đoan trong đấu giá đất không còn xảy ra; xem xét lại toàn diện các quy tắc về đấu giá tài sản nói chung, đặc biệt là đấu giá đất nhằm chống thao túng, chi phối, bảo đảm công khai, minh bạch. Để thị trường BĐS trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, lành mạnh, cấp huyện cũng cần tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán BĐS vi phạm pháp luật. Khi phát hiện các khu vực, dự án xuất hiện tình trạng sốt đất ảo, tăng giá bất thường, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS tại địa phương cần báo cáo tỉnh để xử lý. Công khai, minh bạch quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch tổ chức đấu giá đất và kết quả trúng đấu giá tại địa bàn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân tìm hiểu, nắm bắt thông tin, cơ quan quản lý giám sát…

Đó là mong muốn của người dân, nhất là những người đang thực sự có nhu cầu về đất ở. 

 KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Rung lắc" giá đất