​"Phút bù giờ"

30/04/2023 10:16

Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02 được xem như là "phút bù giờ" quý hơn vàng cho người dân, doanh nghiệp tận dụng tối đa thời gian 12 tháng để tìm đơn hàng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02 được xem như là "phút bù giờ" quý hơn vàng cho người dân, doanh nghiệp tận dụng tối đa thời gian 12 tháng để tìm đơn hàng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh họa

Thông tư số 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 24.4.2023, cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Qua đó, giúp người dân, doanh nghiệp kéo dài thời gian vay, trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới.

Theo quy định, ngân hàng phân loại nợ thành 5 nhóm. Nhóm 1 gồm những khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày, gọi là nợ tiêu chuẩn. Nhóm 2 từ 90 ngày trở xuống là nợ cần theo dõi. Nhóm 3 từ 180 ngày trở xuống là nợ dưới tiêu chuẩn. Nhóm 4 từ 360 ngày trở xuống là nợ nghi ngờ. Nhóm 5 trên 360 ngày là nợ có khả năng mất vốn. Nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 được gọi là nợ xấu nhưng việc trích lập dự phòng, các ngân hàng phải thực hiện từ nhóm 2 với 5% tổng dư nợ, nhóm 3 là 20%, nhóm 4 là 50% và nhóm 5 là 100%. Cứ 3 ngày một lần, các tổ chức tín dụng phải tổng hợp thông tin về các khoản vay của khách hàng gửi về Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) của Ngân hàng Nhà nước. Khách hàng có các khoản vay rơi vào các nhóm nợ xấu thì việc tiếp cận tín dụng rất khó khăn. Các tổ chức, cá nhân có khoản nợ ở nhóm nợ càng cao thì việc tiếp cận tín dụng càng khó. Trong bối cảnh kênh dẫn vốn trái phiếu doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn sau các vụ lùm xùm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp bất động sản thời gian qua thì tín dụng ngân hàng đang là kênh dẫn vốn vô cùng quan trọng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn bởi cầu từ thị trường quốc tế yếu hiện nay, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02 được xem như là "phút bù giờ" quý hơn vàng cho người dân, doanh nghiệp tận dụng tối đa thời gian 12 tháng để tìm đơn hàng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Khách hàng có các khoản nợ vay tại ngân hàng mà không có khả năng thanh toán đúng hạn có quyền nộp đơn đề nghị cơ cấu lại các khoản nợ để tránh bị "nhảy" nhóm nợ. Tuy nhiên, không phải khách hàng nào có khoản nợ quá hạn cũng được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ mà chỉ những khách hàng được các tổ chức tín dụng đánh giá là khó khăn trong ngắn hạn và có khả năng trả nợ sau khi hết thời gian cơ cấu khoản nợ mới được áp dụng thông tư này.

Việc các tổ chức tín dụng đánh giá "sức khỏe" của khách hàng trước khi đưa ra quyết định có cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ hay không là điều dễ hiểu vì sự an toàn của hệ thống ngân hàng. Nguyên nhân là do ngân hàng thương mại được quyền cơ cấu lại nợ, gia hạn nhóm nợ cho khách hàng nhưng việc trích lập dự phòng đối với các nhóm nợ vẫn phải tuân thủ theo lộ trình. Nghĩa là, trường hợp khách hàng có khoản nợ đang ở nhóm 3, chuẩn bị chuyển sang nhóm 4 nhưng hưởng ưu đãi từ Thông tư 02 sẽ được giữ nguyên nợ ở nhóm 3. Khách hàng được lợi nhưng ngân hàng vẫn phải trích lập dự phòng 50% tổng dư nợ theo quy định nhóm 4, chỉ khác là không phải trích đủ ngay 100% mà được giãn theo 2 giai đoạn, tối thiểu 50% vào ngày 31.12.2023 và trích dự phòng thêm cho đủ 100% cuối năm 2024. Chính sách này cho thấy, Nhà nước không dùng tiền ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp mà sử dụng cơ chế, chính sách để các ngân hàng thương mại cắt giảm lợi nhuận, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn như "tuyên ngôn" của Thủ tướng Chính phủ tại rất nhiều cuộc họp là "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Chính sách được các cơ quan của Chính phủ ban hành rất kịp thời nhưng điều người dân, doanh nghiệp quan tâm lúc này là khi nào chính sách đi vào cuộc sống bởi thời hạn cơ cấu nợ cho khách hàng được thực hiện đến hết ngày 30.6.2024, thời gian cơ cấu tối đa là 12 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn. Điều đó có nghĩa các ngân hàng thương mại có thời gian gần 2 tháng để phân loại khách hàng được hưởng chính sách ưu đãi của Thông tư 02.

SỸ THẮNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ​"Phút bù giờ"