Ngăn chặn những biến tướng của chúc Tết

29/01/2022 08:14

Nhiều người cho rằng chúc Tết giờ đây là công cụ để một số người trục lợi hoặc hợp thức hóa các hành vi tiêu cực nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân.

Chúc Tết, tặng quà vốn là nét văn hóa ứng xử tốt đẹp của dân tộc ta, cần được gìn giữ để gắn bó tình cảm người với người. Song, những năm gần đây, việc chúc Tết đã bị méo mó, nhuốm màu thực dụng, cả trong môi trường công sở. Nhiều người cho rằng chúc Tết giờ đây là công cụ để một số người trục lợi hoặc hợp thức hóa các hành vi tiêu cực nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân.

Mỗi khi Tết Nguyên đán cận kề, nhiều người lại phải săn lùng những món hàng trị giá hàng triệu, thậm chí là chục triệu, trăm triệu, chủ yếu để biếu xén đối tác, cấp trên. Ở nhà, các cặp vợ chồng nát óc bàn nhau xem biếu lãnh đạo quà gì sao cho độc đáo, hoành tráng. Ở công sở thì đồng nghiệp tìm cách thăm dò nhau xem người ta định biếu sếp thứ giá trị mức nào, phong bì dày cỡ nào để mình biết cách xử thế sao cho không bị “đụng hàng” và quan trọng hơn là không thua chị, kém em...

Tặng quà Tết vốn là phép ứng xử rất bình thường từ ngàn xưa của người Việt. Tết xưa, người ta tặng nhau những món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa, chẳng hạn như cặp bánh chưng, con gà quê... nhằm thể hiện tình cảm chân thành, sự quý trọng và tri ân sự giúp đỡ của cấp trên, đối tác hay bạn hàng sau một năm công tác, hợp tác buôn bán; mong muốn gia chủ có một cái Tết vui vẻ, đầm ấm. Khi trao cho nhau những món quà như thế, cả người nhận và người tặng đều cảm thấy thoải mái, gần gũi.

Thế nhưng, dường như cuộc sống hiện đại đã và đang khiến mỹ tục chúc Tết bị biến tướng. Một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức coi chúc Tết là “cơ chế xin-cho”. Nói trần trụi ra là họ coi tặng quà Tết với mục đích hối lộ, chạy chức, chạy quyền, lo lót, nhờ vả hoặc nịnh hót cấp trên. Cả người tặng lẫn người nhận đều ngầm hiểu rằng đó thực chất chỉ là một cuộc mua bán, trao đổi. Dần dà, việc chúc Tết, tặng quà cấp trên cũng trở thành “luật bất thành văn” ở một số cơ quan, tổ chức. Vô hình trung, Tết ngày nay không còn đúng nghĩa mà đang trở thành gánh nặng, là nỗi ám ảnh với nhiều cán bộ, đảng viên bởi thay vì được nghỉ ngơi, thư giãn, sum họp cùng gia đình sau một năm dài làm việc thì họ phải đắn đo, cân đối xem chúc Tết thủ trưởng nào và “đi” bao nhiêu. 

Để ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực trong chúc Tết là việc rất khó, nhưng không có nghĩa là không thể. Trên thực tế, chúng ta vẫn nhìn thấy những nét đẹp vốn có của văn hóa chúc Tết. Bằng chứng là vào mỗi dịp cuối năm, nhiều cơ quan, lãnh đạo, đoàn thể vẫn đến thăm và tặng quà cán bộ đã nghỉ hưu. Bên cạnh đó, vẫn còn những vị lãnh đạo, cấp trên kiên quyết từ chối nhận quà Tết, đặc biệt là những món quà giá trị cao. 

Nghiêm cấm, xóa bỏ việc lợi dụng chúc Tết, tặng quà Tết để thực hiện những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc là việc cần làm. Cũng vì thế, ngày 1.7.2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó quy định rõ: "Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình...".

Những năm gần đây, cứ gần tới Tết Nguyên đán, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng thường quán triệt về việc nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức. Gần đây nhất, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, các tập đoàn kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước về việc thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 8.12.2021 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31.12.2021 của Thủ tướng Chính phủ trong dịp Tết Nguyên đán, trong đó nêu rõ không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Có thể nói, đây được xem là một trong những giải pháp thiết thực nhằm ngăn chặn nguy cơ dẫn tới tham nhũng, tiêu cực thông qua hoạt động chúc Tết và sâu xa hơn là góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng thời phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

VŨ HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn những biến tướng của chúc Tết