Làm gì để ngành sư phạm hấp dẫn bền vững?

27/09/2022 08:30

Sư phạm bất ngờ trở thành ngành “hot” trong đợt xét tuyển đại học năm nay khi điểm chuẩn ở nhiều ngành thậm chí còn cao hơn cả ngành y. Nhiều thí sinh phải đạt từ 29-30 điểm/3 môn mới đỗ.

Mấy năm trước, dư luận không khỏi giật mình khi một số trường đại học sư phạm “tốp dưới” và hàng loạt trường cao đẳng sư phạm lấy điểm chuẩn đầu vào chỉ 3-4 điểm cho mỗi môn thi. Điều này không chỉ khiến xã hội lo lắng về chất lượng giáo viên trong tương lai mà không ít giáo viên cảm thấy buồn vì nghề của mình càng ngày càng bị... rẻ rúng. Những trường đại học sư phạm “tốp trên”, điểm trúng tuyển vẫn cao nhưng độ “hot” không thể bằng trường y. Thế nên, việc điểm chuẩn ngành sư phạm năm nay tăng vọt được coi là một hiện tượng đáng bàn. 


Ảnh minh họa

Nhiều phương tiện truyền thông, mạng xã hội… đã đăng tải bài viết phân tích, nhận định của các chuyên gia về nguyên nhân khiến điểm chuẩn ngành sư phạm cao chót vót. Các chuyên gia cho rằng điểm chuẩn ngành này cao là do chỉ tiêu năm nay giảm, trong khi điểm thi tốt nghiệp của nhiều thí sinh cao. Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đã giúp ngành này hấp dẫn hơn, nhiều học sinh giỏi nhưng gia đình khó khăn có cơ hội đi học… Song, cho dù là nguyên nhân nào đi nữa thì việc điểm chuẩn sư phạm tăng sẽ đồng nghĩa chất lượng đầu vào ngành này được cải thiện. Đây là một tín hiệu vui đối với công cuộc đổi mới giáo dục. Rồi nay mai, lứa sinh viên sư phạm này ra trường sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho công cuộc đổi mới quê hương, đất nước. Xã hội yên tâm khi có thầy giỏi sẽ sinh trò giỏi. 

Trong bất kỳ giai đoạn nào, Đảng ta luôn coi giáo dục là “quốc sách hàng đầu”. Nghị định 116 là một trong những chính sách quan trọng thể hiện quan điểm đó. Nghị định này như một “mồi thính” hấp dẫn học sinh định hướng theo ngành sư phạm. Song, để ngành này thực sự hấp dẫn thì chỉ chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên là chưa đủ. Thực tế cho thấy rất đông học sinh khi được hỏi không muốn theo nghề sư phạm. Nhiều người là nhà giáo, định hướng con đi theo nghiệp cha mẹ nhưng không thành công. Bài toán thiếu giáo viên trở thành vấn đề nóng bỏng trong suốt nhiều năm qua nhưng chưa có lời giải. Đã vậy, làn sóng giáo viên xin nghỉ việc, chuyển sang nghề khác do áp lực công việc lớn, thu nhập không bảo đảm vẫn đang diễn ra.

Thẳng thắn nhìn nhận có thể thấy chế độ tuyển dụng, chính sách đãi ngộ, điều kiện làm việc hiện nay ở các trường phổ thông vẫn chưa tốt. Lương của giáo viên, nhất là giáo viên mới còn thấp trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng cao. Ở nhiều nơi, giáo viên vẫn phàn nàn, thậm chí gửi đơn thư khiếu nại, tố cáo về những khuất tất trong khâu tuyển dụng, thuyên chuyển giáo viên...

Điểm chuẩn ngành sư phạm tăng cho thấy chính sách thu hút đầu vào đã phát huy hiệu quả. Ngành này sẽ hấp dẫn bền vững nếu có thêm các quyết sách mới giải quyết những khó khăn của đội ngũ giáo viên. Một chính sách trọn vẹn “từ gốc đến ngọn” chắc chắn sẽ làm cho chất lượng đầu vào và đầu ra của ngành giáo dục ổn định, tiến bộ.

BÌNH MINH(TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để ngành sư phạm hấp dẫn bền vững?