Kiểm soát giới tính khi sinh

11/10/2021 14:08

Có nhiều nguyên nhân khiến việc mất cân bằng giới tính khi sinh ở Hải Dương khó giảm. Trong đó có những nguyên nhân đã quá cũ như ảnh hưởng tư tưởng "trọng nam, khinh nữ".

Nhiều năm qua, Hải Dương vẫn giữ vững "thành tích" tốp đầu trong cả nước về mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) theo hướng trẻ trai nhiều hơn trẻ gái dù các ngành chức năng đã triển khai không ít biện pháp nhằm cân bằng chỉ số này. Theo số liệu của Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, tỷ số giới tính khi sinh của Hải Dương trong 8 tháng đầu năm nay là 118,47 bé trai/100 bé gái trong khi cùng kỳ năm ngoái là 113,78 bé trai/100 bé gái. Con số này vượt xa so với tỷ số thông thường theo tiêu chuẩn bảo đảm cân bằng tự nhiên là 104-106 bé trai/100 bé gái.

Có nhiều nguyên nhân khiến việc MCBGTKS ở tỉnh Hải Dương khó giảm. Trong đó có những nguyên nhân đã quá cũ như ảnh hưởng tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" từ thời phong kiến đã ăn sâu vào suy nghĩ của người dân từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự phát triển tiến bộ của ngành y cũng "tiếp tay" cho việc lựa chọn giới tính khi sinh. Khi kinh tế dư dả cũng là lúc nhiều người thực hiện quan điểm "đông con, đông của", muốn sinh con thứ 3 trở lên. Đáng nói là phần lớn những trường hợp này lại là những gia đình đã sinh 2 con gái, họ dễ dàng lựa chọn việc sinh con thứ 3 để có con trai.

Tâm lý muốn có con trai của một bộ phận không nhỏ người dân chính là rào cản lớn nhất trong nỗ lực giảm MCBGTKS. Tôi từng biết một trường hợp cả hai vợ chồng đều làm công nhân sống xa quê, ở trọ trong căn phòng chật chội, thiếu thốn đủ bề. Họ sinh 2 cô con gái. Khi các con dần lớn lên, cặp vợ chồng ấy phải gửi con về quê nhà nhờ ông bà chăm sóc. Nhiều lúc người mẹ chia sẻ với mọi người chỉ mong có kinh tế để về quê gần gũi và chăm lo các con. Vậy nhưng sau đó không lâu, cặp vợ chồng ấy lại sinh con thứ 3. Lý do rất đơn giản là cố đứa con trai. Không chỉ khó khăn hơn mà chắc chắn mong muốn chăm lo cho 2 con gái của gia đình ấy sẽ càng xa vời...

Theo Tổng cục Thống kê, cấu trúc dân số trong những thập kỷ tới sẽ mang dấu ấn của việc lựa chọn giới tính hiện tại, với quy mô dân số nam vượt trội trong một thời gian dài. Hiện tượng MCBGTKS sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân. Nam giới sẽ bị dư thừa và sẽ đối mặt với khó khăn khi tìm kiếm bạn đời. Từ đó có thể xảy ra hiện tượng trì hoãn hôn nhân hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân. Điều này sẽ tác động ngược lại hệ thống gia đình trong tương lai. Thậm chí nó còn có những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Chủ đề của Ngày quốc tế trẻ em gái (11.10) năm nay là “Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu MCBGTKS”. Điều này cho thấy hoạt động kiểm soát giới tính khi sinh đang được chú trọng nhằm tránh mối nguy đe dọa sự ổn định dân số của quốc gia và toàn cầu; đồng thời nâng cao vị thế của trẻ em gái trong xã hội.

Trong kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Hải Dương cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ số giới tính giảm còn 112 bé trai/100 bé gái và giảm xuống còn 109 bé trai/100 bé gái vào năm 2030. Để mục tiêu này thành hiện thực, cùng với thực hiện nghiêm những quy định của pháp luật về chính sách dân số liên quan đến kiểm soát giới tính khi sinh thì mỗi người dân cần thay đổi tích cực nếp nghĩ của mình, loại bỏ gốc rễ nguyên nhân làm MCBGTKS. 

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát giới tính khi sinh