Họ đang rất cần được sẻ chia, hỗ trợ

27/11/2022 17:21

"Công ty tôi mới phải cho nghỉ việc 1/3 nhân sự". "Công ty tôi đang lập kế hoạch 'thắt lưng buộc bụng' đến hết năm sau". "Mọi sự mới chỉ bắt đầu, năm nay khó hơn năm ngoái"...

Gặp chúng tôi, các chủ doanh nghiệp cố nén tiếng thở dài, trong khi người lao động còn khó hơn. Người đã mất việc chỉ sau một thông báo "Nhà máy hết hợp đồng". Người thì còn việc đến cuối tháng này, tức là gần một tuần nữa. Người được công ty cho biết đợt này nghỉ Tết ba tháng...

Suy thoái kinh tế toàn cầu và những thay đổi khuynh hướng tiêu dùng sau nạn dịch Covid-19 đã lan đến Việt Nam, chậm hơn so với các khu vực khác, nhưng lại bắt đầu đúng ngay thời điểm của Tết Nguyên đán.

Tết Nguyên đán, thời khắc của mơ ước đoàn viên, sung túc trong mỗi người Việt, chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa. Công tác chăm lo Tết cho người lao động đã được các ban, ngành, địa phương lên kế hoạch sớm: nào hỗ trợ gia đình công nhân ở lại ăn Tết, hỗ trợ vé về quê cho người khó khăn, tổ chức họp mặt tất niên các khu nhà trọ, tặng quà Tết các gia đình nghèo...

Ngân sách cũng đã được định mức, dẫu còn ít ỏi so với số công nhân mất việc đang tăng từng ngày, nhưng chắc chắn sẽ còn nhiều sự chung tay khi Tết càng đến gần.

Dẫu vậy, sự hỗ trợ này vẫn không thể làm các công nhân vừa mất việc nở được nụ cười. Tết dẫu gần, nhưng vẫn còn gần hai tháng nữa. Cái họ cần nhất hôm nay vẫn chính là việc làm, dù là ở thành phố hay ở chính quê hương mình. Vậy nên, sự trợ giúp của địa phương càng phải mang tính căn cơ và chuyên nghiệp hơn nữa.

Như là cần đến một hội nghị góp ý tìm giải pháp của các chuyên gia chính sách và chính các chủ doanh nghiệp. Là lúc cần địa phương yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội bằng cách tìm mọi phương án để giữ việc làm cho công nhân, chia sẻ khó khăn với người lao động.

Là lúc các ngành chức năng cần tổ chức sâu rộng hơn nữa các sàn giao dịch việc làm hội tụ với cả các tỉnh để công nhân có thêm cơ hội tìm việc mới. Là lúc nên mở các lớp đào tạo để công nhân thời vụ trở thành những công nhân có tay nghề, hạn chế tình trạng bị sa thải về sau. Là lúc các ngành công nghệ phải vận động mạnh mẽ tìm cơ hội mới cho tất cả mọi người...

Và khi kể cả những giải pháp ấy đều chưa thể hạn chế được nạn thất nghiệp, chưa thể giúp đỡ được hết những người lao động chợt lâm vào cảnh khó khăn thì lại cần đến sự đùm bọc, sẻ chia, những sáng kiến mới của xã hội. Chúng ta đã từng cưu mang nhau vượt qua hai năm đại dịch khi mọi hoạt động đều như ngừng lại.

Năm nay, sự phục hồi sau dịch đã không như kỳ vọng, lại gặp thêm quá nhiều tác động và ảnh hưởng từ gần đến xa, từ vi mô đến vĩ mô, từ toàn cầu đến chính đồng lương, bữa ăn nhà mình. Nỗi lo hằn lên mỗi người nhưng sự chia sẻ thì không thể teo tóp. Làm gì để chung tay cùng xã hội giúp mình, giúp người vượt khó có lẽ cũng là điều mỗi người chúng ta nên suy nghĩ hôm nay... Để tất cả sẽ cùng được đón Tết vui.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họ đang rất cần được sẻ chia, hỗ trợ