Đừng biến mình thành "ma men"

16/01/2023 11:00

Hình như những thanh niên này lấy việc say rượu nhưng vẫn đi xe về nhà, rồi may mắn không chạm mặt cảnh sát giao thông, không gặp tai nạn làm thành tích để khoe khoang với nhau.

“Hôm trước say đến nỗi đi xe về nhà, lúc tỉnh dậy tôi không nhớ đi về kiểu gì nữa”, câu nói kèm tràng cười phá lên của nhóm thanh niên ở bàn cà phê bên cạnh khiến tôi giật mình. “Tôi cũng thế, bữa tất niên hôm qua say mèm nhưng vẫn cố phi xe máy về để hôm nay đỡ phải đi lấy. Cả đoạn đường chẳng thấy anh cảnh sát giao thông nào”, một thanh niên khác thêm lời rồi cười hả hê.

Hình như những thanh niên này lấy việc say rượu nhưng vẫn đi xe về nhà, rồi may mắn không chạm mặt cảnh sát giao thông, không gặp tai nạn làm thành tích để khoe khoang với nhau vậy!

Báo chí đưa tin, chỉ trong 3 ngày nghỉ Tết dương lịch 2023, trong 148 trường hợp bị lực lượng cảnh sát giao thông Hải Dương xử phạt, có đến 41 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Chỉ 2 tuần đầu tiên của năm mới 2023, toàn tỉnh đã xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông khiến 4 người chết, 5 người bị thương. Những con số, tình cảnh thương tâm này, trong đó có những người đã uống rượu bia chẳng lẽ chưa đủ sức cảnh tỉnh một bộ phận người dân, có thể nói chủ yếu là thanh niên để tham gia giao thông an toàn hay sao? Chắc là chưa, bởi họ uống rượu say rồi lái xe về nhà mà vẫn còn khoe khoang như thế.

Còn nhớ, khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được Chính phủ ban hành ngày 30.12.2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2020, việc tăng mức xử phạt đối với lái xe có nồng độ cồn đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong nhận thức mỗi người dân. Tình hình tai nạn giao thông nói chung, vi phạm nồng độ cồn nói riêng giảm đáng kể. 

Thế nhưng, khi Nghị định 100 đang ở “cao trào” thì đại dịch Covid-19 ập tới. Các phương tiện truyền thông tràn ngập thông tin chống dịch, vô tình khiến nghị định này rơi vào quên lãng. Đến nay, dịch bệnh đã được kiểm soát, cuộc sống ổn định trở lại, người dân với tâm lý “xả stress” tìm đến quán nhậu, rồi thản nhiên lái xe về nhà trong tình trạng “không nhớ gì”. Cứ tiếp diễn thế này, số vụ tai nạn giao thông có thể sẽ dần tăng cao trở lại. 

Thậm chí, khi Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng được ban hành, tăng  hơn nữa mức xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực giao thông, không ít người vẫn chẳng quan tâm. Trong một phiên thảo luận tại Quốc hội hồi tháng 6.2022, một đại biểu nhấn mạnh cần “hâm nóng” trở lại Nghị định 100. Nếu không ngăn chặn sớm tâm lý chủ quan, lơ là thì những tật xấu giao thông sẽ như ngựa quen đường cũ, nhất là khi Tết Nguyên đán đến gần. Những bữa nhậu tất niên, những cuộc rượu họp lớp… sẽ tiềm ẩn nguy cơ rất lớn biến những người tham gia thành “ma men”.

Ấy là chưa kể khi có men, con người ta rất dễ nổi cáu, không điều chỉnh được hành vi, cảm xúc, thậm chí trở thành kẻ giết người vì xích mích, như báo chí đưa tin ít ngày trước.

Năm hết Tết đến, những cuộc vui bên đồng nghiệp, gia đình, bạn bè là nhu cầu thiết thực. Nhưng uống rượu bia cũng cần có văn hóa. Tửu lượng mỗi người khác nhau, đừng vì thế mà đánh giá sự nhiệt tình. Những câu kiểu như “em không uống là không nể mặt anh” sẽ chỉ làm xấu mặt chính người nói ra mà thôi. Ép uống rượu bia rất dễ xảy ra mâu thuẫn, rồi khi hơi men lên cao, khó kiềm chế thì nguy lắm. 

Những người đã uống rượu bia nhưng vẫn còn suy nghĩ sẽ lái xe, hãy nghĩ đến gia đình mình, nghĩ đến bố mẹ, nghĩ đến con thơ nhỏ dại... Họ sẽ ra sao nếu chính bạn uống rượu bia rồi vi phạm giao thông? Nhẹ thì bị phạt tiền, nhưng nếu gây tai nạn, tồi tệ hơn là làm chết người, chính bạn sẽ phải ngồi tù. Khi tỉnh rượu thì mọi chuyện đã muộn...

Tết Quý Mão đang đến rất gần rồi, hãy nhớ đừng trở thành ma men!

SONG TƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng biến mình thành "ma men"