"Cởi trói" trái phiếu doanh nghiệp

05/05/2023 09:00

Hành động nhanh, kịp thời của Ngân hàng Nhà nước đã giúp doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng thông qua trái phiếu để tái cơ cấu nợ.

Sau thời gian phát triển nóng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo Bộ Tài chính, tổng quy mô trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành khoảng 1,15 triệu tỷ đồng, phần lớn là trái phiếu bất động sản. Nợ xấu trái phiếu chiếm 8,15%, tương đương gần 94.000 tỷ đồng. Nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chiếm 83,6%, tương đương gần 79.000 tỷ đồng.

Ảnh minh họa 

Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn hiện rất lớn, trọng tâm là các tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024, đặc biệt trái phiếu bất động sản. Theo đơn vị xếp hạng tín nhiệm FiinRatings, giá trị trái phiếu đáo hạn năm 2023 của doanh nghiệp bất động sản khoảng 107.000 tỷ đồng, năm 2024 khoảng 114.000 tỷ đồng. Trước áp lực đáo hạn trái phiếu, đặc biệt trái phiếu bất động sản trong bối cảnh thị trường nhà đất đang gặp khó khăn hiện nay, Chính phủ liên tiếp ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5.3.2023 sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp được đàm phán với nhà đầu tư trên nguyên tắc đồng thuận nhằm giãn, hoãn việc thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn trong thời gian tối đa 2 năm. Cũng với nguyên tắc trên, Nghị định số 08 cho phép doanh nghiệp đàm phán với trái chủ thanh toán trái phiếu bằng tài sản của doanh nghiệp... Với 2 nội dung trên, áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn phần nào giảm bớt nhưng chỉ là biện pháp tình thế, chưa phải giải pháp căn cơ. Cuối tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành Thông tư số 03/2023/TT-NHNN cho phép ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN đến ngày 31.12.2023.

Sau thời gian thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nóng, chủ yếu là trái phiếu bất động sản, năm 2021, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 16 với mục đích chặn nguồn tín dụng "bơm" vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản. Các tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp, mà phần lớn là trái phiếu bất động sản để doanh nghiệp lấy tiền đảo nợ, mua cổ phần, qua đó thâu tóm các doanh nghiệp bất động sản khác. Trước đó, với việc phát hành trái phiếu dễ dàng để thâu tóm các dự án bất động sản đã đẩy giá nhà đất tăng cao, làm méo mó thị trường tài chính và gây rủi ro thanh khoản diễn ra từ cuối năm 2022 đến nay. Nghị định 16 cũng chặn ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng đã bán trên sàn UPCOM trong vòng 12 tháng.

Sau khi Thông tư số 16 có hiệu lực, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại giảm rất mạnh nhưng cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản tìm dòng tiền hoạt động. Do đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 03 nhằm "cởi trói" nút thắt của Thông tư số 16. Đó là, cho phép tổ chức tín dụng được mua lại ngay trái phiếu chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM mà tổ chức này đã bán ra mà không phải chờ đến 12 tháng như quy định cũ.

Hành động nhanh, kịp thời của Ngân hàng Nhà nước đã giúp doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng thông qua trái phiếu để tái cơ cấu lại nợ. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn tín dụng cũng như sử dụng dòng tiền từ các tổ chức tín dụng không dễ dàng đối với các doanh nghiệp. Về lý thuyết, khi ngân hàng cấp tín dụng cho doanh nghiệp thông qua trái phiếu có nghĩa ngân hàng cho doanh nghiệp vay tiền. Do đó, hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại phải bảo đảm các chuẩn tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Chỉ các doanh nghiệp sở hữu các dự án tốt, có khả năng trả nợ mới có cơ hội tiếp cận vốn thông qua trái phiếu.

Trong thời gian ngắn, Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ đã ban hành nhiều quy định tháo gỡ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mà "mũi tên" nhắm vào chính là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Để không tăng nợ xấu lĩnh vực bất động sản, các tổ chức tín dụng cần quản lý chặt chẽ dòng tiền "bơm" vào doanh nghiệp thông qua trái phiếu. Tiền phải được "nắn" vào vốn lưu động để trả tiền mua nguyên vật liệu, hoàn thiện các dự án dở dang, giao nhà đất cho người mua, qua đó khơi thông dòng tiền cho hoạt động của doanh nghiệp.


PHƯƠNG LINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Cởi trói" trái phiếu doanh nghiệp