Chí Linh còn để bị réo tên đến bao giờ?

11/03/2023 07:00

TP Chí Linh lại xuất hiện trong danh sách các địa phương bị tạm dừng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc.

TP Chí Linh tiếp tục bị gọi tên trong danh sách 8 địa phương của 4 tỉnh bị tạm dừng tuyển lao động đi Hàn Quốc làm việc. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, TP Chí Linh và những địa phương bị tạm dừng do có số lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.

Việc tạm dừng này không áp dụng với lao động đăng ký dự tuyển ngành ngư nghiệp, người làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS về nước đúng thời hạn và người lao động cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong khoảng thời gian miễn xử phạt. Tuy vậy, đây vẫn là tiếng xấu với Hải Dương nói chung và TP Chí Linh nói riêng, bởi đây không phải lần đầu tiên có tên trong danh sách đen này.


Một số lao động Hàn Quốc và Nhật Bản về nước đúng hạn được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối tìm việc làm (ảnh tư liệu)

Năm 2017, hàng chục địa phương trong cả nước bị cấm xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Hải Dương cũng có 7 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có Chí Linh. Đến năm 2022, danh sách này giảm đi rất nhiều, chỉ còn 8 địa phương, nhưng trong đó Hải Dương vẫn có tên Chí Linh. Và đến nay Chí Linh vẫn "kiên trì" bám trụ danh sách.

Tại sao Cẩm Giàng, Thanh Hà, Bình Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ, TP Hải Dương đã thoát khỏi danh sách cấm ngay khi bị cảnh báo năm 2017 mà trải qua nhiều năm Chí Linh chưa làm được điều đó? Phải chăng những chính sách răn đe của phía Hàn Quốc với lao động cư trú bất hợp pháp chưa đủ nặng khiến người lao động của địa phương này chưa sợ? Hay chính quyền thành phố cùng các cơ quan chức năng liên quan chưa thực sự quyết liệt chấn chỉnh lại?

Thiết nghĩ, UBND tỉnh và các ngành liên quan cần sớm họp bàn, thống nhất phương án, rút kinh nghiệm của các địa phương để cùng giúp Chí Linh thoát khỏi danh sách đen.

TP Chí Linh cần rốt ráo triển khai rà soát những lao động bất hợp pháp, có biện pháp tuyên truyền đối với thân nhân người lao động, thậm chí kết nối vận động trực tuyến để từng người lao động cư trú bất hợp pháp trở về.

Thành viên các tổ chức chính trị-xã hội là những người gần dân nhất, cần nói cho người lao động hiểu về những thiệt hại, những rủi ro của việc cư trú bất hợp pháp hoặc bỏ trốn ở nước bạn. Rằng chỉ vì lợi ích cá nhân mà một số ít trường hợp này đã tước đi cơ hội của nhiều người khác muốn đi làm việc tại Hàn Quốc. Rằng người lao động cư trú bất hợp pháp sẽ không được pháp luật bảo vệ nếu xảy ra những vấn đề phát sinh như bị chủ sử dụng lao động đối xử không tốt, không trả lương... Nặng thì người lao động cư trú bất hợp pháp còn bị phạt tù tới 3 năm, phạt tiền lên tới 30 triệu won (hơn 500 triệu đồng) và bị hạn chế nhập cảnh vào Hàn Quốc.

Hàn Quốc và Việt Nam đã có chương trình ký kết hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, nước bạn đã có những chính sách rất cởi mở dành cho những người lao động chấp hành đúng hợp đồng và pháp luật. Vì vậy, người lao động hãy thể hiện thiện chí để duy trì thị trường lao động lâu dài trong tương lai.

NGUYÊN THẢO

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chí Linh còn để bị réo tên đến bao giờ?