Nhiều nơi gặp khó trong thực hiện các công trình trọng điểm

03/06/2023 06:00

Khó khăn về nguồn lực làm nhiều nơi ở Hải Dương thực hiện chậm hoặc chưa triển khai đầu tư được các công trình, dự án trọng điểm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ này.


Tiến độ thi công một số đoạn tuyến đường trục Đông-Tây tỉnh, công trình trọng điểm nhiệm kỳ này của tỉnh còn bị ảnh hưởng do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Trong ảnh: Cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh kiểm tra, đôn đốc tiến độ làm đường trục Đông-Tây tỉnh (ảnh tư liệu)

Thiếu vốn

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ TP Chí Linh xác định tiếp tục hoàn thành 4 dự án, công trình của nhiệm kỳ trước chuyển tiếp sang và 5 công trình, dự án trọng điểm của nhiệm kỳ này. Đến nay, trong số 4 dự án, công trình chuyển tiếp có 2 công trình hoàn thành, đưa vào khai thác. Còn dự án xây dựng công viên nghĩa trang Hoa Lạc Viên đã đưa ra khỏi quy hoạch chung. Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao đã quy hoạch địa điểm nhưng chưa có nhà đầu tư. 

Đối với 5 dự án, công trình trọng điểm nhiệm kỳ này, TP Chí Linh mới cơ bản hoàn thành 1 dự án. Các dự án còn lại chưa triển khai hoặc chưa hoàn thành, chưa có nhà đầu tư. Theo đánh giá của UBND TP Chí Linh, một trong những nguyên nhân chủ quan của tình hình trên là tiến độ đấu giá đất các điểm, khu dân cư còn chậm, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng. Tỷ lệ điều tiết tiền thu sử dụng đất cho ngân sách thành phố giảm khiến việc cân đối ngân sách cho đầu tư hạ tầng gặp nhiều khó khăn. Việc điều chỉnh quy hoạch cùng với thay đổi các chỉ tiêu sử dụng đất cũng ảnh hưởng đến quỹ đất để kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển của thành phố. Một số dự án, công trình đã được điều chỉnh lại cho phù hợp ở Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ.

Tại huyện Tứ Kỳ, cùng với việc 2 dự án trọng điểm giao thông chưa được tỉnh giao huyện thực hiện giai đoạn 2021-2025 do chưa có các dự án tạo nguồn đầu tư, các dự án, công trình trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ này cũng đang gặp nhiều khó khăn. Thành lập từ tháng 4.2022 đến nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tứ Kỳ rất ít việc để làm vì không có nhiều dự án mới, dự án lớn. Trong đó, dự án trọng điểm của huyện nhiệm kỳ này là xây dựng Trung tâm Hành chính của huyện chưa được triển khai đầu tư. Một dự án trọng điểm khác của huyện là hoàn thành tuyến đường tránh đường tỉnh 391 đã được giao Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương làm chủ đầu tư, do huyện không bố trí được nguồn lực. Theo lãnh đạo đơn vị, vì số dự án triển khai không nhiều, chủ yếu là dự án quy mô nhỏ nên nguồn thu từ chi phí quản lý dự án thấp. Là đơn vị phải tự chủ 100% kinh phí hoạt động nên nhiều tháng nay, các lãnh đạo, viên chức, người lao động của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Tứ Kỳ chưa có lương và thiếu kinh phí chi hoạt động thường xuyên. 


Cầu Cậy vẫn đang là nút thắt giao thông trên đường tỉnh 394

Do đất

Theo tìm hiểu của phóng viên ở nhiều địa phương trong tỉnh, việc đầu tư nhiều công trình, dự án trọng điểm cũng đang gặp khó khăn. Ở các huyện Bình Giang, Cẩm Giàng, Gia Lộc… một số công trình, dự án trọng điểm được xác định trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện có nhiều khả năng phải đưa ra kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 hoặc không còn tính khả thi sẽ hoàn thành trong nhiệm kỳ này. Do Cẩm Giàng chưa thể bố trí nguồn vốn nên dự án đường dẫn cầu Cậy, bên phía huyện được đề nghị chuyển cấp tỉnh làm chủ đầu tư. Ở nhiều địa phương khác, tiến độ triển khai, đầu tư các dự án, trọng điểm cũng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu hoặc phải thay đổi để tỉnh làm chủ đầu tư. Lãnh đạo một huyện trong tỉnh cho biết hằng năm, nguồn lực đầu tư từ thu tiền sử dụng đất của huyện chiếm khoảng 90% trong tổng số vốn đầu tư của huyện. Từ đầu năm đến nay, địa phương chưa thu được khoản nào từ tiền sử dụng đất nên rất khó để hoàn thành dự toán thu ngân sách tỉnh giao và dành cho phục vụ đầu tư các công trình, dự án. 

Nguồn thu sử dụng đất gặp khó, chưa xác định được các dự án tạo nguồn từ thu tiền đấu giá chuyển quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án khu dân cư, khu đô thị cũng là một nguyên nhân khiến đến tháng 5 vừa qua HĐND tỉnh mới phê duyệt danh mục dự án tạo nguồn đầu tư dự án trọng điểm giao cấp huyện thực hiện giai đoạn 2021-2025 đối với 3 dự án (trong tổng số 21 dự án được cấp huyện đề xuất) gồm: cải tạo, mở rộng đường Vũ Công Đán kết nối TP Hải Dương với vùng huyện Cẩm Giàng, Bình Giang; đường trục ĐH 02 (Đông - Tây) huyện Ninh Giang; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 395 (đoạn từ km16+750 đến km23+920) và đường dẫn đầu cầu Cậy đến đường tỉnh 394. 

Cùng với khó khăn về vốn, nhiều công trình, dự án trọng điểm bị chậm tiến độ đầu tư, thi công còn do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong 3 công trình trọng điểm của tỉnh nhiệm kỳ này, hiện có dự án đường trục Đông-Tây tỉnh Hải Dương được đẩy mạnh thi công. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương, ở một số đoạn tuyến tiến độ còn chậm so với yêu cầu do giải phóng mặt bằng chậm. Một số khó khăn như thời tiết mưa nhiều, nguồn cung vật liệu chính như cát, đất đồi khó khăn, giá tăng cao… cũng ảnh hưởng tiến độ dự án.

Việc nhiều dự án, công trình trọng điểm đang bị chậm tiến độ, chưa thể triển khai phần nào phản ánh hệ lụy khi nguồn lực đầu tư phát triển phụ thuộc nhiều vào nguồn thu tiền sử dụng đất. Để khắc phục tình trạng trên thì giải pháp trước mắt là đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất các dự án thu tiền sử dụng đất để tăng cường nguồn lực đầu tư. Về lâu dài, cần có những cách làm cụ thể, thiết thực hơn nữa thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển để tạo nguồn lực phát triển ổn định, bền vững.

Nhiều vấn đề vướng mắc trong đầu tư công đang được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh tháo gỡ.

HOÀNG BIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều nơi gặp khó trong thực hiện các công trình trọng điểm