Năm 2023, giáo viên mong sống được bằng lương, dạy thật, thi thật

23/01/2023 17:47

Bước sang năm mới 2023, thầy cô mong muốn có thể sống bằng đồng lương và hy vọng ngành giáo dục có nhiều bước tiến trong dạy thật, học thật, thi thật.

Thầy Nguyễn Văn Phúc (TP Vinh, Nghệ An) mong, năm 2023 ngành giáo dục tiếp tục giảm các thủ tục, giấy tờ, hồ sơ cho giáo viên để họ chuyên tâm vào dạy thật, thi thật.

Giảm giấy tờ, thủ tục

Theo thầy Phúc, từ tháng 9.2020, Bộ GD-ĐT tinh giảm với giáo viên THCS và THPT chỉ cần làm 3 loại hồ sơ gồm: Kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy (giáo án), sổ theo dõi và đánh giá học sinh. So với trước đó, không còn hai loại sổ: sổ dự giờ và sổ họp. Đây là chủ trương rất đúng đắn của Bộ GD-ĐT nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trường học, “cởi trói” bớt gánh nặng hồ sơ sổ sách, "rất được thầy cô hoan nghênh".

Theo quy định, mỗi giáo viên THCS, THPT dạy 19 tiết/tuần. Để thực hiện tiết dạy, thầy cô tốn nhiều thời gian nghiên cứu sách giáo khoa, sách giáo viên, soạn theo mẫu kế hoạch bài dạy (giáo án).

Tuy nhiên, việc soạn giáo án, đánh giá học sinh nhiều nơi còn nặng giấy tờ. Ví dụ một số trường học ở thành phố lớn, hầu hết đã tinh giản các loại giấy tờ viết tay, ưu tiên nhận xét, đánh giá học sinh trên hệ thống online, thậm chí cả giáo án cũng soạn online, nộp bản PDF cho nhà trường giám sát. Những điều này giúp các thầy cô ở thành phố lớn chuyên tâm dạy tốt hơn, thay vì mất công ngồi viết tay, nhận xét, đánh giá từng học sinh vào sổ theo dõi. 

Trong khi đó, ở trường học vùng sâu, vùng xa, thầy cô bị yêu cầu soạn giáo án bằng tay, mất thời gian, không hiệu quả và sinh động bằng các giáo án online, thầy Phúc nói và mong Bộ GD-ĐT năm mới chỉ đạo quyết liệt hơn việc tinh giảm các thủ tục, giấy tờ cho giáo viên.

Năm 2023, giáo viên mong sống được bằng lương, dạy thật, thi thật - 1

Giáo viên mong giảm bớt các thủ tục, giấy tờ để tập trung vào chuyên môn dạy học. (Ảnh minh hoạ)

Sống được bằng lương

Gần 20 năm gắn bó với nghề, cô Lê Thị Mai Ngọc (Lạc Thuỷ, Hoà Bình) ngậm ngùi chia sẻ mức lương cơ bản cô nhận được khoảng hơn 8 triệu đồng/tháng. Cộng cả lương cơ bản, thêm giờ dạy... bình quân mỗi tháng nhận hơn 10 triệu đồng. 

Mức thu nhập này đủ cho cô Ngọc duy trì cuộc sống, cơm nước trong nhà, còn tiền đóng học cho con thì phải tiết kiệm và chồng lo. Con càng lớn, học thêm càng nhiều, gia đình gần như không có tích lũy.

"Còn nếu nghĩ tới việc mua sắm thiết bị thông minh để phù hợp với nhu cầu đổi mới giáo dục hay tài liệu học thuật để tự nâng cao trình độ, tôi phải "cân đong đo đếm" rất nhiều. Nghề giáo cao quý nhưng sau đó cũng là nhiều tủi hổ của người thầy, người cô giữa thời vật giá leo thang", cô Ngọc nói.

Để giáo viên được sống bằng lương, nữ giáo viên đề nghị nhà nước cần lộ trình tăng lương hợp lý, như 3 năm tăng lương một lần, và mức tăng là 0,33% mức lương cơ bản. "Lương đủ sống, đủ nuôi gia đình thì nhà giáo mới toàn tâm cống hiến hết trí tuệ cho học sinh thân yêu", cô nói.

Chuyển đổi số mạnh mẽ hơn

Bên cạnh câu chuyện lương thưởng, thầy Hoàng Văn Sang (Chấn Yên, Yên Bái) mong toàn ngành giáo dục đổi mới hơn nữa phương pháp dạy học thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện công nghệ dạy học cho giáo viên.

Thực tế nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa đầu tư về trang thiết bị phục vụ quá trình dạy học. Những thiết bị hiện đại như máy chiếu, tivi… ở các trường rất ít, hầu như chỉ có vài ba chiếc để sử dụng vào những mục đích "quan trọng" như thanh tra, dự giờ; còn chủ yếu phương tiện giảng dạy cho giáo viên vẫn là bảng đen, phấn trắng.

"Thời đại 4.0, mọi lĩnh vực đều hướng đến đổi mới, giáo dục cũng không ngoại lệ. Do đó, tôi hy vọng các đơn vị giáo dục, đặc biệt là UBND xã, huyện và thành phố sẽ có kế hoạch trong việc đầu tư trang thiết bị phục vụ học tập như máy chiếu, bảng thông minh, hệ thống internet… tại các trường học. Phương tiện dạy học hiện tại, chất lượng dạy và học cũng từ đó mà nâng cao. Đó cũng là nền tảng giúp dạy, học và thi cử thực chất hơn", thầy Sang nói.

Năm 2023, giáo viên mong sống được bằng lương, dạy thật, thi thật - 2

Mong cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngày càng hiện đại. (Ảnh minh hoạ)

Toàn ngành đổi mới

Chia sẻ mục tiêu năm mới, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, 2023 là năm quan trọng trong lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đây là năm nhịp ở giữa của quá trình triển khai. Đây sẽ là năm tập trung nhiều việc, tiêu biểu như tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 và chỉ đạo triển khai biên soạn, thẩm định sách lớp 5, 9, 12.

Ngành giáo dục tiếp tục tập trung giải quyết những khó khăn, thách thức mà trong quá trình triển khai đã, đang và có thể sẽ xảy ra như: triển khai những môn học mới trong chương trình; tìm mọi giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; thiếu cơ sở vật chất; thiếu các điều kiện để triển khai. Đó đều là những việc lớn và khó, là những thách thức lớn với ngành giáo dục.

Năm 2023, ngành sẽ thực hiện đánh giá, tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết 29 và giải trình trước đoàn giám sát của Quốc hội trong việc thực hiện Nghị quyết 88, 51.

Đối với giáo dục đại học, đây là năm mà ngành phải hoàn thành nhiệm vụ rất lớn đó là việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học, các trường đại học sư phạm trọng điểm, quy hoạch các trường chuyên biệt trong cả nước. Nhiệm vụ quy hoạch cần phải hoàn tất sớm và là nhiệm vụ lớn của ngành. 

Bên cạnh đó, việc phát triển và xây dựng đội ngũ nhà giáo cũng là nhiệm vụ đặt ra cấp bách, gồm cả việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và đáp ứng được công cuộc đổi mới cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, đồng thời cũng giải quyết được những vấn đề thừa thiếu giáo viên đang đặt ra.

Năm nay, Bộ GD-ĐT cũng sẽ trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và trình Quốc hội dự thảo Luật nhà giáo - một luật quan trọng với thầy cô.

Theo VTC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Năm 2023, giáo viên mong sống được bằng lương, dạy thật, thi thật